Bản quyền truyền hình World Cup 2006: Không “bắt tay” ở hậu trường!

Bản quyền truyền hình World Cup 2006: Không “bắt tay” ở hậu trường!
TP - “VTV muốn mua bản quyền truyền hình World Cup 2006 chứ VTV không muốn bắt tay với ai cả" - Phó Tổng Giám đốc VTV Trần Đăng Tuấn khẳng định.
Bản quyền truyền hình World Cup 2006: Không “bắt tay” ở hậu trường! ảnh 1
VTC có phải “chầu rìa” trong World Cup tới?

Ông Tuấn cho biết: “Đài truyền hình Việt Nam đã tham dự cuộc đấu thầu phân phối bản quyền truyền hình World Cup 2006 do một đối tác của FIFA tổ chức. Và VTV đã không trúng thầu, nhưng sau đó vì quyền lợi của khán giả, nên VTV đã ký hợp đồng với FPT (là Cty đã thắng thầu trong cuộc đấu thầu nêu trên) để có bản quyền truyền hình World Cup 2006 phục vụ khán giả”

“Bản quyền truyền hình World Cup 2006 mà FPT bán cho VTV và HTV không phải là bản quyền độc quyền và VTV hay HTV cũng không có quyền mua xong rồi chuyển nhượng tiếp. FPT có toàn quyền quyết định trong việc cho hay không cho ai bản quyền đó” - Ông Trần Đăng Tuấn nói.

Tuy nhiên, theo ông Tuấn giá của bản quyền mà VTV và HTV mua của FPT là giá mà FPT đã thoả thuận là sẽ chuyển nhượng bản quyền này cho không quá 2 đối tác. VTV không có ý kiến gì trong việc FPT muốn bán bản quyền cho bất kỳ đối tác nào khác, chỉ có điều trong trường hợp đó thì FPT, VTV, HTV phải ngồi lại với nhau để điều chỉnh giá mua bán ban đầu hợp lý hơn”.

Ông Tuấn khẳng định: “Việc bán bản quyền chỉ cho hai đối tác là xuất phát từ nhu cầu của bản thân FPT, ở đây không có chuyện VTV ép VTC hay là ép bất kỳ ai khác. Như đã nói, FPT được VTV và HTV trả phí bản quyền không phải bằng tiền mặt mà bằng quảng cáo, nên FPT không có lợi gì khi phân tán khách hàng quảng cáo...”.

Trả lời câu hỏi của phóng viên Tiền Phong về việc có dư luận cho rằng vụ mua bán bản quyền truyền hình World Cup 2006 là một “cú bắt tay ngoạn mục” giữa FPT và VTV, ông Trần Đăng Tuấn nói: “Thực tế vụ này diễn ra rất đơn giản. Ban đầu, VTV muốn mua bản quyền truyền hình World Cup 2006 chứ VTV không muốn bắt tay với ai cả.

Tức là VTV không muốn bắt tay với FPT mà VTV muốn mua trực tiếp. Tuy nhiên khi chúng tôi dự thầu với giá của chúng tôi, thì các Cty khác trong đó có FPT đã trả cao hơn, vì vậy họ đã thắng thầu và mua được bản quyền.

Khi FPT đã mua được bản quyền thì VTV đứng trước hai lựa chọn: thứ nhất là cố gắng mua lại từ FPT để nhân dân được xem; thứ hai là không mua vì không đủ tiền. Và VTV đã chọn cách đứng về khán giả”.

Một nguồn tin chính thức từ VTV cho biết, thời gian thương lượng giữa VTV và FPT đã diễn ra khá lâu và căng thẳng, cuối cùng FPT đã tỏ ra thiện chí và “báo cáo thật” với VTV là họ đã phải chịu những chi phí khá lớn để có được bản quyền, vì vậy VTV và HTV cần tạo điều kiện về khả năng quảng cáo để FPT bù đắp lại chi phí...

Ông Trần Đăng Tuấn khẳng định: “Quá trình thương lượng không có gì bí mật, không có sự tính toán coi bản quyền World Cup như một cơ hội về mặt kinh tế. Thực ra, theo tôi dự đoán số tiền quảng cáo thu được từ mỗi trận bóng đá của World Cup sẽ khó mà bù đắp được chi phí bỏ ra (để hoà vốn FPT cần thu được khoảng 700 triệu tiền quảng cáo/trận-PV).

Ông Tuấn cũng cho biết thêm: “Đài truyền hình VN  đã trả khoảng 1,5 triệu USD để dự thầu và không thắng. Còn sau đó VTV dành cho FPT quyền quảng cáo tương đương với 32 tỷ đồng (hơn 2 triệu USD-PV). Nhưng hai con số này rất khác nhau và không thể so sánh, 32 tỷ đồng đó chỉ là giá trị khả năng quảng cáo, còn trường hợp 1,5 triệu USD kia nếu VTV thắng thầu thì phải chi tiền mặt.

Vấn đề là VTV đã trả 1,5 triệu USD và VTV không thắng thầu, quả thực mới đầu chúng tôi nghĩ là chúng tôi sẽ thắng thầu, nhưng thực tế là nhiều nơi khác họ trả cao hơn và FPT trả cao nhất. Vụ này rất giản dị, VTV rất trong sáng, hậu trường không có vấn đề gì cả”.

Đối với vấn đề các đài truyền hình địa phương tiếp sóng chương trình World Cup 2006, theo ông Trần Đăng Tuấn thì VTV không đặt ra vấn đề bản quyền hay ngăn cản. Tuy nhiên, chỉ có yêu cầu là đã truyền thì phải truyền trọn vẹn không được cắt xén, đó là luật bản quyền, không được truyền chương trình của truyền hình VN để tiện thể...kinh doanh trên sóng của truyền hình VN.

Luật sư Trần Vũ Hải nhận định: “Cái khó của VTV có thể do họ là một cơ quan nhà nước nên ban đầu khó trả giá cao, họ có thể chỉ phải trả giá cao nếu bị bắt bí, còn nếu họ có quyền lựa chọn họ vẫn có thể trả giá thấp.

 Vụ việc này cho thấy nhiều Cty VN  hoàn toàn có tiềm năng để đột phá. Tại sao chúng ta không nghĩ rằng chúng ta sẽ trở thành nhà cung cấp nội dung có bản quyền trong khu vực, bằng bản quyền để quảng cáo bán hàng cho mình...”.

MỚI - NÓNG