Bản thu âm quốc ca sai nhạc

Bản thu âm quốc ca sai nhạc
Khi các tuyển thủ chúng ta đặt tay lên tim hát quốc ca ở đấu trường quốc tế, họ không biết rằng trong giai điệu của bài quốc ca có một nốt nhạc lạc điệu.
Bản thu âm quốc ca sai nhạc ảnh 1

Nốt nhạc lạc điệu này sai so với văn bản gốc của bài quốc ca Việt Nam đang được lưu hành. Nốt nhạc này nằm trong bản thu âm bài quốc ca Việt Nam mà Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) dùng trong một số trận bóng đá quốc tế tại Việt Nam và Seagames 23.

Trong bản quốc ca Việt Nam, những nốt nhạc ở câu nhạc có lời ca “thắng gian lao cùng nhau lập chiến khu” có sự khác biệt. Bản gốc là ré, do, sib, fa, la, la, do, sib, còn bản thu âm của VFF dùng ré, do, sib, fa, la, sib, do, sib. Nốt la được diễn tấu thay bằng sib.

Hành trình tìm nguồn gốc bản thu âm

Một quan chức tại Uỷ ban Thể dục Thể thao (UBTDTT) nói , UBTDTT có cung cấp cho các đơn vị trong ngành (trong đó có VFF) bản nhạc quốc ca. Đây là bản nhạc chúng tôi chọn lọc từ các đĩa nhạc nghi lễ mua ở Hồ Gươm Audio (Hà Nội) và không nhớ rõ là đĩa nào.

Tại cửa hàng của Hồ Gươm Audio (Hà Nội) và tại cửa hàng Vafaco (đại lý của Hồ Gươm Audio tại thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM), chúng tôi mua hai đĩa nhạc nghi lễ do Đông Hải Audio – Video và Hãng phim Bông Sen Saigon Audio sản xuất. Nhưng các bản quốc ca ViệtNam trong những đĩa này không phải bản thu âm mà chúng tôi tìm kiếm.

Tại TPHCM, chúngtôi mua một số đĩa nhạc nghi lễ khác như của hãng phim Phương Nam, trung tâm băng nhạc trẻ, Đông Hải Audio – Video (bìa đĩa khác song nội dung giống như đĩa bán tại Hà Nội). Tuy nhiên, bản quốc ca với nốt nhạc lạc điệu vẫn bặt âm vô tín..

Lần thứ hai chúng tôi liên lạc với UBTDTT. Ông Phùng Huy Cẩn (Vụ Pháp chế) cho biết khi chuẩn bị cho Seagames 23, UBTDTT có nhờ Điện ảnh Thể thao Việt Nam (đơn vị trực thuộc UB TDTT) lo đĩa nhạc quốc ca Việt Nam Seagames.

Ông Nguyễn Xuân Vinh (Giám đốc Điện ảnh Thể thao Việt Nam) nói đĩa nhạc quốc ca thực hiện cho UBTDTT là bản thu lại từ minimize disc mượn của Đoàn Quân nhạc Quân đội Nhân dân Việt Nam, đóng gần Ngã Tư Sở (Hà Nội).

Trung tá Bùi Xuân Đát, phó trưởng phòng chuyên môn âm nhạc của đoàn nghi lễ 178 thuộc Quân khu Thủ đô (mọi người thường gọi là Đoàn Quân nhạc Quân đội Nhân dân Việt Nam), cung cấp bản tổng phổ và một CD thu âm bản quốc ca Việt Nam do đoàn trình tấu. Nhưng đây cũng không phải là bản thu âm mà chúng tôi cần tìm.

Chủ nhân bản thu âm vẫn là một ẩn số

Tổng Thư ký VFF Trần Quốc Tuấn giới thiệu chúng tôi với ông Lê Hoài Anh, chánh văn phòng, người biết rất rõ về bản quốc ca Việt Nam dùng trong các trận bóng đá quốc tế.

Ông Anh kể, tháng 2/2003 ông được mời làm điều phối viên cho liên hoan bóng đá U14 Đông Nam Á tổ chức tại Bangkok (Thái Lan).

Một đồng nghiệp người Thái, cộng tác viên của ban tổ chức, khi phát thử các bản quốc ca (trong đó có quốc ca Việt Nam) giới thiệu cho ông Anh một bản quốc ca Việt Nam trong đĩa nhạc có rất nhiều quốc ca của các nước trên thế giới mà anh ta đang sở hữu. Anh này nói rằng bản này hay hơn bản mà đoàn Việt Nam đang dùng.

Bản thân ông Anh cũng cảm thấy hay hơn nên đem đĩa nhạc mà người bạn Thái tặng về nước và dùng cho tất cả các trận bóng đá quốc tế kể từ trận chung kết bóng đá nam ở Seagames 22 (trận Việt Nam – Thái Lan) cho đến nay.

Ông Lê Hoài Anh cũng không biết bản thu âm này do ai phối khí, dàn nhạc nào trình tấu để thu âm. Đến đây, lai lịch bản thu âm rất rõ. Chỉ có chủ nhân của nó vẫn chưa biết là ai.

Trong nhiều bản thu âm quốc ca Việt Nam đang lưu hành, bản thu âm quốc ca,người đã tặng cho ông Anh, là một trong số những bản có phần phối khí hay. Tuy nhiên, bản này lại sai một nốt nhạc.

Theo Thể thao Văn hoá

MỚI - NÓNG