Bán thuốc không đơn: Cấm... vẫn bán

Bán thuốc không đơn: Cấm... vẫn bán
Nếu như quy định của ngành y tế về việc các loại thuốc chỉ được bán theo đơn của bác sĩ được thực hiện nghiêm túc, thì sẽ không có chuyện người bệnh đua nhau đi mua thuốc Aslem chữa ung thư và tạo nên cơn sốt giá.
Bán thuốc không đơn: Cấm... vẫn bán ảnh 1
Mua bán thuốc tân dược tại các cửa hàng trên đường Quốc Tử Giám, HN (chụp lúc 15h30 ngày 5.3.2008 - ảnh chỉ có tính minh hoạ).

Việc bán thuốc và mua thuốc chữa bệnh quá dễ dãi đã diễn ra trong nhiều năm, song ngành y tế vẫn chẳng mấy quan tâm.

Mua thuốc dễ... như mua rau

Chuyện thường gặp ở các hiệu thuốc là khách hàng chỉ cần nói tên thuốc cần mua, hoặc kể bệnh với người bán thuốc thì ngay lập tức sẽ được đáp ứng.

Những câu hỏi mà người bán thuốc luôn lặp đi lặp lại với mọi khách hàng là bị bệnh gì? đau ở đâu?... rồi đưa cho người mua vài ba loại thuốc, trong đó không thể thiếu thuốc kháng sinh. Quy trình khám bệnh và bán thuốc của người dược sĩ chỉ diễn ra trong vòng 5-7 phút.

Vào những hiệu thuốc nằm trên phố Hai Bà Trưng, Tràng Thi (Hà Nội) - nơi được mệnh danh là nơi bán các loại thuốc biệt dược và cả những loại thuốc "quý hiếm" - người mua có thể mua được mọi thứ!

Ngày 5.3, theo quan sát của phóng viên, tại một nhà thuốc trên phố Hai Bà Trưng, chỉ trong vòng 15 phút có 3 bệnh nhân vào mua các loại thuốc chữa bệnh đái tháo đường, thuốc trị bệnh cao huyết áp, thuốc kháng sinh... đều không có đơn của bác sĩ, nhưng người bán thuốc vẫn bán như thường.

Một phụ nữ vào hỏi mua một loại thuốc chữa ung thư dạng tiêm do Châu Âu sản xuất với giá bán 2 triệu đồng/ống mà không có đơn của thầy thuốc, nhưng vẫn mua được một cách dễ dàng.

Trao đổi với phóng viên Lao Động, chủ một cửa hàng thuốc tại phố Tràng Thi nói: "Bây giờ thuốc gì cũng có bán, người bệnh muốn mua loại thuốc nào cũng được hết, có đơn của bác sĩ thì tốt, nếu không có thì cũng chẳng sao... Chỉ cần bán được nhiều hàng là mừng rồi".

Theo ước tính của một vài hiệu thuốc thì số người đến mua thuốc có đơn của bác sĩ chỉ chiếm khoảng 20-30%, còn lại là những người mua thuốc tự do. Thuốc kháng sinh là loại thuốc có số người mua không có đơn nhiều nhất, kế đến là thuốc tiêu hoá, tim mạch, nội tiết, ung thư...

Người mua thuốc thường đọc tên thuốc hoặc đưa tên thuốc ghi trên một tờ giấy cho người bán là có thể mua được bất cứ loại thuốc nào như đi mua mớ rau ngoài chợ. Chỉ có hai nhóm thuốc gây nghiện và thuốc hướng tâm thần - do được quản lý chặt chẽ - nên các nhà thuốc chỉ bán khi có đơn của bác sĩ và phải lưu đơn thuốc.

Có cũng như không!

Bán thuốc không đơn: Cấm... vẫn bán ảnh 2
Mua bán thuốc tân dược tại các cửa hàng trên đường Quốc Tử Giám (HN) - chụp lúc 15h30 ngày 5.3.2008.

Tháng 5.2003, Bộ Y tế ban hành "Quy chế kê đơn thuốc và bán thuốc theo đơn". Quy chế này quy định rõ các nhóm thuốc phải bán theo đơn là: Thuốc gây nghiện, thuốc hướng tâm thần, thuốc độc A,B, thuốc kháng sinh, tim mạch, nội tiết, ung thư....Và người bán thuốc không được bán các thuốc kê đơn mà không có đơn của bác sĩ.

Đây là một quy định rất rõ ràng và sẽ là căn cứ để lập lại trật tự việc bán thuốc trên thị trường. Thế nhưng, cho đến nay, khi mà sự kiện thuốc ung thư Aslem bùng lên, mới ngỡ ra rằng các quy định mà Bộ Y tế ban ra vẫn chỉ nằm yên trên giấy.

Chuyện bán mọi loại thuốc không cần có đơn vẫn ngang nhiên tồn tại. Không chỉ các nhà thuốc tư nhân, mà ngay cả những nhà thuốc bệnh viện cũng vi phạm điều cấm. Điển hình là trong "cơn sốt" thuốc Aslem, tại nhà thuốc Bệnh viện K có cảnh tượng người bệnh chen chúc xếp hàng mua Aslem mà không hề có đơn thuốc nào của bác sĩ.

Sau 5 năm quy chế nói trên ra đời, sự lộn xộn trong bán thuốc vẫn y nguyên. Khi hỏi về vấn đề này, một quan chức của ngành y tế cho rằng việc thanh - kiểm tra chưa hiệu quả. Rõ ràng là ngành y tế đang "yếu" thực hiện các quy chế.

Đến lúc này, khi mà sự lộn xộn trong việc mua, bán thuốc chữa bệnh đã lên đến đỉnh điểm, ngày 4.3.2008, Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang mới lại thông báo sẽ sớm ban hành một quy chế kê đơn và bán thuốc theo đơn mới, chặt chẽ hơn để lập lại trật tự trên thị trường thuốc chữa bệnh.

Theo Ngọc Phương
 Lao động

MỚI - NÓNG