Bản tin 8H: Lãnh đạo ly khai Ukraine bất ngờ có mặt tại Minsk

Alexander Zakharchenko, lãnh đạo Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng. (Nguồn: AFP)
Alexander Zakharchenko, lãnh đạo Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng. (Nguồn: AFP)
TPO - Các nhà lãnh đạo tự xưng Alexander Zakharchenko của Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) và Igor Plotnitskyi của Cộng hòa Nhân dân Lugansk (LPR) đã hiện diện tại Minsk, nơi diễn ra cuộc gặp giữa các nhà lãnh đạo Nga, Ukraine, Đức, Pháp trong khuôn khổ "Bộ tứ Normandie".

Bộ trưởng Đinh La Thăng tại buổi làm việc với đoàn lãnh đạo Quốc hội sáng 11/2 cho biết, trong năm 2014 tai nạn giao thông tiếp tục giảm cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết và số người bị thương), lần đầu tiên sau nhiều năm tai nạn giao thông đã giảm xuống hơn 9.000 người. Mặc dù vậy, người đứng đầu ngành giao thông đánh giá, số người chết vẫn rất lớn đòi hỏi ngành giao thông và các địa phương cần phải tiếp tục nỗ lực hơn nữa để tai nạn giao thông tiếp tục giảm sâu trong năm 2015.


Khoảng 20 giờ 10 phút ngày 11/2 đã xảy ra vụ cháy cửa hàng và kho kim khí điện máy của doanh nghiệp Huỳnh Mai (do bà Đặng Huỳnh Mai làm chủ) tại số 10, đường công trường Bạch Đằng, phường 2, thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau. Vụ cháy thiêu rụi hoàn toàn cửa hàng và kho kim khí điện máy, gây thiệt hại lớn về tài sản và làm mất điện một số khu vực dân cư phường 2. Đến khoảng 21 giờ cùng ngày ngọn lửa đã được khống chế hoàn toàn, cứu cho hàng chục doanh nghiệp liền kề trên địa bàn phường.


Tính đến 18 giờ ngày 11/2 (giờ Hàn Quốc), đã có hai người bị chết và 63 người khác bị thương trong vụ tai nạn đâm xe liên hoàn trên đường cao tốc từ thủ đô Seoul đến sân bay quốc tế Incheon. Bước đầu cảnh sát Seoul đã thông báo với Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc có hai người Việt Nam bị thương trong vụ tai nạn trên là hai phụ nữ khoảng tầm 30 tuổi. Theo thông tin từ lực lượng cứu hỏa, một trong hai nạn nhân người Việt Nam đang trong tình trạng nghiêm trọng.


4 nhà lãnh đạo gồm Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko, Tổng thống Nga Vladimir Putin, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Francois Hollande đang tiến hành đàm phán hòa bình tại thủ đô Minsk của Belarus bàn về cuộc khủng hoảng Ukraine ngày 11/2 và lên kế hoạch ký một tuyên bố chung ủng hộ chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine.


Các nhà lãnh đạo tự xưng Alexander Zakharchenko của Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) và Igor Plotnitskyi của Cộng hòa Nhân dân Lugansk (LPR) đã hiện diện tại Minsk, nơi diễn ra cuộc gặp giữa các nhà lãnh đạo Nga, Ukraine, Đức, Pháp trong khuôn khổ "Bộ tứ Normandie". Nguồn tin trên tiết lộ: "Zakharchenko và Plotnitskyi đã hiện diện ở Minsk. Nếu cuộc đàm phán các các lãnh đạo Bộ tứ Normandie thành công, dự kiến các nhà lãnh đạo DPR và LPR sẽ ký vào văn kiện cuối cùng".


Ngày 11/2, Tư lệnh Lục quân Mỹ tại châu Âu, Trung tướng Mỹ Ben Hodges cho rằng quân đội Nga đã trực tiếp nhúng tay vào cuộc giao tranh ở khu vực Debaltseve, miền Đông Ukraine, và nếu cuộc tấn công này thành công thì họ có thể chuyển hướng chú ý sang thành phố cảng chiến lược Mariupol. Tướng Hodges còn cho biết Nga có 10 tiểu đoàn lính đóng ở gần biên giới phía Đông Ukraine.


Ngày 11/2, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho rằng không thể giải quyết cuộc khủng hoảng ở Ukraine bằng biện pháp quân sự. Ông Lavrov phát biểu sau cuộc gặp với Ngoại trưởng Hy Lạp Nikos Kotzias, nhất trí rằng không thể giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine bằng biện pháp quân sự. Con đường tới hòa bình nằm trong khuôn khổ cuộc đối thoại trực tiếp giữa giới chức Kiev và những người muốn bảo vệ lãnh thổ của họ ở miền Đông Nam Ukraine.


Phát biểu sau khi yêu cầu Quốc hội Mỹ hậu thuẫn dự luật đề nghị được trao Quyền Sử dụng Lực lượng Quân sự (AUMF), Tổng thống Barack Obama khẳng định liên quân do Mỹ chỉ huy chống nhóm cực đoan Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đang "ở thế tấn công" và sẽ giành chiến thắng. Ông Obama cho biết Mỹ "không nên bị cuốn trở lại một cuộc chiến trên bộ kéo dài khác ở Trung Đông" song lưu ý rằng ông sẵn sàng triển khai lực lượng đặc nhiệm Mỹ trong những trường hợp cụ thể.


Ngày 11/2, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ thông báo đã bắt giữ một công dân nước này và 13 người nước ngoài đang tìm cách vượt biên sang Syria để gia nhập tổ chức cực đoan Nhà nước Hồi giáo (IS). Theo tuyên bố trên, lực lượng an ninh Thổ Nhĩ Kỳ đã thực hiện vụ bắt giữ tại huyện Oguzeli, tỉnh miền Nam Gaziantep. Công dân Thổ Nhĩ Kỳ đã được thả sau quá trình thẩm vấn trong khi 13 người nước ngoài được đưa tới sở cảnh sát Gaziantep để trục xuất.


Hôm 11/2, Tòa thánh Vatican đã lên tiếng phủ nhận tin nói Giáo hoàng Francis I có thể đã trở thành mục tiêu ám sát trong thời gian Ngài viếng thăm Philippines hồi tháng 1 vừa qua. Theo người phát ngôn của Vatican, Cha Federico Lombardi, các thông tin nói rằng có những âm mưu nhằm ám sát Giáo hoàng ở Manila trong chuyến thăm của Ngài từ ngày 15-19/1 vừa qua là "không có cơ sở". Người phát ngôn của Tổng thống Philippines Benigno Aquino cũng cho rằng những thông tin như vậy là không có tính xác thực.

MỚI - NÓNG