Bằng chứng chủ quyền của Việt Nam có từ rất lâu

Bằng chứng chủ quyền của Việt Nam có từ rất lâu
TP - Nhà sử học Dương Trung Quốc cho biết, bằng chứng lịch sử về chủ quyền biển đảo của Việt Nam đã có từ rất lâu, cả về mặt bản đồ và cứ liệu lịch sử.

> Bản đồ khẳng định Trường Sa, Hoàng Sa của Việt Nam

Ông Quốc nói: Bản đồ Trung Quốc 1904 phản ánh nhận thức của nhà Thanh (Trung Quốc) về lãnh thổ của họ. Bản đồ là ngôn ngữ, công cụ khá đặc thù thể hiện nhận thức về lãnh thổ. Đây còn là một cổ vật cho nên nó rất có giá trị lịch sử.

Những bằng chứng lịch sử thể hiện chủ quyền của chúng ta trên biển có từ khi nào, thưa ông?

Việc thể hiện chủ quyền của người Trung Quốc trên biển rất muộn. Nhưng bằng chứng về chủ quyền của chúng ta thì đã có từ rất lâu rồi. Về bản đồ học, bản đồ Trung Quốc năm 1904 đánh giá lãnh thổ của họ chỉ đến đảo Hải Nam, không nhắc gì Biển Đông, quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.

Trong khi đó, ít nhất là từ năm 1834, chúng ta đã có Đại Nam nhất thống toàn đồ của Minh Mạng thể hiện bằng ngôn ngữ bản đồ rất rõ dải Vạn Lý Trường Sa ngoài Biển Đông.

Đó là bằng chứng để mình đấu tranh với Trung Quốc về bằng chứng lịch sử. Chúng ta còn có nhiều bằng chứng lịch sử thể hiện chủ quyền khác, bản đồ chỉ là một công cụ.

Cụ Nguyễn Đình Đầu có cả một bộ sưu tập bản đồ về vấn đề này và cụ đã trao cho Nhà nước. Các cơ quan có trách nhiệm cũng đã có những sưu tập có giá trị. Chúng ta thúc đẩy ý thức đó để đóng góp nhiều hơn cho cơ sở khoa học của việc đòi lại chủ quyền.

Tuy nhiên, cần lưu ý, vấn đề về biển cực kỳ phức tạp, địa hình biển khác đất liền. Cho nên một căn cứ hết sức quan trọng chính là những cam kết quốc tế, điều ước quốc tế về Luật Biển. Đối với các khu vực đang có tranh chấp, phải dựa trên cam kết chung khu vực như tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông.

Ở góc độ lịch sử, ngoài bản đồ, chúng ta cần dựa vào những bằng chứng lịch sử gì để khẳng định chủ quyền?

Bằng chứng chủ quyền có rất nhiều yếu tố. Cái cần tôn trọng đầu tiên là yếu tố lịch sử. Lịch sử cho thấy, Việt Nam thể hiện chủ quyền của mình từ rất lâu rồi. Nguyên tắc là phải thể hiện chủ quyền bằng hành vi.

Thí dụ, các Chúa Nguyễn hằng năm đều cử các đội ra Hoàng Sa. Điều này được ghi trong sử sách không những của Việt Nam mà trong cả một số tài liệu nước ngoài.

Đấy là hành vi thể hiện là chúng ta đã thực hiện chủ quyền ở các quần đảo này. Hay thời thuộc địa, người Pháp lúc đó đã thể hiện chủ quyền bằng việc xây dựng hệ thống đèn biển, công trình khí tượng, vô tuyến điện trên các đảo.

Và ngay từ thời vua Gia Long, chúng ta đã ra cắm mốc chủ quyền trên đảo Hoàng Sa…Những yếu tố đó thể hiện rằng, chúng ta đã khẳng định chủ quyền trước những người khác.

Chúng ta kiên quyết bảo vệ chủ quyền vì đó là vấn đề thiêng liêng nhưng phải có giải pháp phù hợp, giải quyết hài hòa các mối quan hệ trên cơ sở lợi ích chung của các quốc gia.

Một trong những cách ứng xử khôn ngoan trong việc bảo vệ chủ quyền là chúng ta quan tâm tới lợi ích chung. Chúng ta phải vừa quan tâm đến lợi ích chung vừa bảo vệ lợi ích riêng.

Chúng ta không chỉ nói đến chủ quyền mà lâu dài hơn là khai thác phát triển kinh tế biển một cách hài hòa. Vì thế, Luật Biển không chỉ có ý nghĩa pháp lý về chủ quyền mà còn là hành lang pháp lý để khai thác, phát triển kinh tế biển.

Nguyễn Tuấn

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG