Chuyện Châu bản triều Nguyễn thành Di sản thế giới - Kỳ cuối:

Bằng chứng chủ quyền quốc gia trưng ra thế giới

 Để lưu giữ trường tồn, Châu bản triều Nguyễn đã được số hóa
Để lưu giữ trường tồn, Châu bản triều Nguyễn đã được số hóa
TP - Buổi sáng một ngày tháng 5, Thạc sĩ Hà Văn Huề chuẩn bị bay Quảng Châu dự Phiên họp thứ 2, Hội nghị toàn thể lần thứ 6 của Ủy ban Chương trình Ký ức thế giới Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (MOWCAP) tổ chức tại Quảng Châu, Trung Quốc (từ ngày 13 đến 15/5/2014) với sự tham gia của 54 đại biểu đến từ 17 quốc gia theo lời mời của UNESCO.

Khi nâng chiếc va ly lên, bất đồ ông thấy một bên người tê bại. Chứng bệnh cũ xương khớp thi thoảng lại hành hạ ông, oái oăm lại xuất hiện đúng thời điểm này! Điềm xui, gở chăng?

Công việc được dồn lên vai hai người phụ nữ còn lại, bà Vũ Thị Minh Hương, Cục trưởng Cục Văn thư Lưu trữ Nhà nước và Ths. Nguyễn Thu Hoài, Trưởng phòng Sưu tầm Chỉnh lý tư liệu (STCLTL) Hán Nôm, Trung tâm Lưu trữ QG I.

Vững bụng tự tin vì công việc lập Hồ sơ Châu bản triều Nguyễn (CBTN) hết sức chu đáo cộng với các bước chuẩn bị chu tất nhưng nằm ở nhà, ông GĐ Huề vẫn cứ bồn chồn. Liệu hồ sơ gửi đi từ năm ngoái, các thành viên của MOWCAP tiếp cận nó như thế nào? Mỗi một chuyên gia cùng Hội đồng sẽ giải mã CBTN ra sao? Lại nữa, đại diện mỗi quốc gia có hồ sơ dự chỉ được quyền trình bày giải trình vỏn vẹn trong 5 phút? Đã đành, ông rất tin kinh nghiệm hoạt động đối ngoại trong lĩnh vực này cùng cung cách thể hiện tiếng Anh rất duyên dáng của bà Cục trưởng Cục Lưu trữ QG Vũ Thị Minh Hương…

Trưởng phòng Thu Hoài email từ Quảng Châu đêm 13/5, Hội đồng MOWCAP khai mạc phiên họp. 16 hồ sơ của 11 quốc gia đã được chọn. Trong đó có Việt Nam. Nội dung trình bày của bà Cục trưởng Minh Hương rất súc tích và đúng thời lượng quy định.

Sáng 14/5 họp trọng thể tại hội trường. Hội đồng phân tích mổ xẻ từng hồ sơ. Dừng lâu hơn ở những cái ấn tượng. Cho chiếu lên màn hình. Có hồ sơ Châu bản triều Nguyễn. Hồ sơ của Iran khấu đi khá thời gian vì Hội đồng thắc mắc gì đó về bản quyền? Hồ sơ CBTN không thấy hỏi gì?

Buổi sáng qua đi trong hồi hộp…

Buổi chiều, đến phần công bố kết quả. Lại hồi hộp hơn. Bởi hồ sơ của Australia, New Zealand, rồi Thailand. Malaysia… theo thứ tự tên quốc gia lần lượt được công bố trong âm thanh vỡ òa của niềm vui.

15 giờ 20 phút, giờ địa phương Quảng Châu. Vần V. Việt Nam đây rồi.

Với các giá trị nổi bật về mặt nội dung, hình thức và phong cách, hồ sơ Châu bản triều Nguyễn đã thuyết phục được Ban Tư vấn cũng như dành được đa số phiếu bầu của các nước thành viên tham dự Hội nghị. Ngoài việc lọt vào danh sách 16/21 hồ sơ đề cử, công trình CBTN của Việt Nam đã chính thức được công nhận là Di sản tư liệu Chương trình Ký ức thế giới Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO năm 2014.

Ngay đêm 14/5, truyền thông trong nước đưa đậm tin Châu bản triều Nguyễn trở thành Di sản thế giới cùng với báo chí quốc tế tiếp tục nổi trội tin tức thiên hạ phẫn nộ trước sự kiện Trung Quốc kéo giàn khoan Hải Dương 981 vào khu vực Hoàng Sa của Việt Nam.

Tôi bất giác nhớ đến một phần quan trọng trong CBTN là Hoàng Sa, là Trường Sa. Nội dung các Châu bản ghi nhiệm vụ cụ thể của công tác Hoàng Sa. Nói rõ việc đi cắm mốc chủ quyền thành lệ hằng năm. Và nội dung Châu bản cũng nói rõ cách tổ chức thủy quân đi công tác Hoàng Sa ra sao.

Bằng chứng chủ quyền quốc gia trưng ra thế giới ảnh 1

Một bản Châu bản triều Nguyễn

Giá trị lịch sử có lẽ phải kể đến những Châu bản do chính bút phê của vua Minh Mạng về chủ quyền quốc gia lãnh hải. Lâu nay Trung tâm lưu trữ quốc gia I của ông Huề đang có trọng trách lẫn vinh dự cất giữ thứ vũ khí sắc bén lợi hại - những cứ liệu bằng chứng để minh chứng chủ quyền quốc gia lãnh hải này đây.

Tôi không được phép rờ tay vào những quý vật - những tờ Châu bản đương được cất giữ mà đành bằng lòng với những tờ Châu bản được số hóa.

Châu bản tấu của Bộ Công ngày 21 tháng 6 năm Minh Mạng thứ 19 (năm 1838) về việc cử người đến Hoàng Sa đo đạc

Bộ thần đã hỏi qua các viên đó là trình bày lần này đã đến được 25 đảo thuộc 3 vùng trong đó có 12 hòn đảo đoàn đến kiểm tra lại còn 13 đảo đoàn chưa đến. Theo viên dẫn đường Võ Văn Hùng thì toàn bộ xứ Hoàng Sa có có bốn vùng, lần khảo sát này được ba vùng còn một vùng phía Nam. Nơi này cách nơi kia khá xa. Gió nam lại thổi mạnh việc khởi hành tới đó không tiện đợi gió thuận thì muộn vậy xin đợi đến năm sau. Lại xem xét bốn bản đồ đem về, có ba bức vẽ riêng từng vùng, một bức vẽ chung. Cùng một bản nhật ký chưa được tu sửa hoàn chỉnh xin cho Bộ thần thẩm tra kỹ và sức cho nhà chỉnh sửa hoàn thiện để dâng trình.

Trong tờ Châu bản số 245, số thứ tự 161 quyển 057 Triều Minh Mạng cũng ghi việc sai phái quân đội đi đo đạc Hoàng Sa

Ngoài ra binh dân trong hàng ngũ phải xông pha đường biển cũng gian lao nên thưởng cấp. Lại phạm binh Trương Viết Soái thuộc giám thành trước can tội sơ ý trong khi đôn đốc làm thuốc súng bị trảm giam hậu. Năm ngoái từng phái đi Hoàng Sa và thành Gia Định nay lại phái theo cùng đi đo đạc. Tuy đã qua 11 nơi vẽ bản đồ chưa chu đáo nhưng qua nhiều lần khổ sai cũng thuộc loại có biết chút xấu hổ mà phấn đấu. Gia ân cho Trương Viết Soái được lập tức phóng thích vẫn giao cho vệ giám thành làm lính để sau sẽ tùy việc sai phái chuộc tội. Lại phụng xét binh đinh tại hàng ngũ 22 tên dân phu 31 tên đều gom lại trình bày cho rõ ràng; Châu điểm.

v.v... và... v.v...

Lời văn trong những bản tâu trình lên vua Minh Mạng có thể biên tập lẫn gọt giũa cho tròn trặn, thuận tai hơn nhưng xin phép độc giả cứ biên nguyên như thế từ bản dịch của Trung Tâm lưu trữ. Trúc trắc như công việc ra Hoàng Sa thời ấy của những dân binh, đinh binh cùng cai đội nó vất vả gian nan đến như thế nào! Những lời văn chất phác thực như cái việc đã có người chểnh mảng sơ suất, đã có người ngại khó đã bỏ trốn hoặc thoái thác nhiệm vụ. Vậy nên dân binh, đinh binh ở Lý Sơn, Quảng Ngãi mỗi lần chuẩn bị ra Hoàng Sa làm nhiệm vụ theo lệnh vua đã phải làm động thái khao lề thế lính. Như na ná một lễ truy điệu sống, truy điệu trước. Mỗi một thuyền sáu người, lại chuẩn bị trước cả những áo tơi nẹp tre dụng cụ bó xác cho chính mình. Hằng bao năm như thế, danh dự của dân đinh, đinh binh trước nhiệm vụ chủ quyền biển đảo thiêng liêng chưa bao giờ dám khinh suất phai nhạt!

Những châu điểm châu phê thời ấy đã toát yếu lên biệt nhỡn vời vợi xa của vua Minh Mạng về cương vực chủ quyền quốc gia. Có thể nói đó là vị vua Đại Việt đã thấu suốt, đã chia ở thì tương lai cho hậu thế đề phòng cái động từ xâm lược hiếp đáp. Mà Hoàng Sa, nơi thềm lục địa của Tổ quốc nơi gần nhất với đất liền. Hơi nôm na, theo kết luận của Tiến sĩ A. Kemp, Giám đốc Viện Hải học Đông Dương, nếu mực nước biển hạ xuống chừng 600m - 700m, thì Hoàng Sa và Trường Sa sẽ dính vào Việt Nam như một khối thịt liền!

Mà thuở ấy, vua Minh Mạng cùng quần thần có đâu ra những thiết bị đo đạc biển cùng thềm lục địa nhưng bằng trực giác, bằng cảnh giác từng ngấm vào máu của con dân Đại Việt đã thấy trước, đã nhỡn tiền điều hợp pháp hợp hiến đó.

Lẩn mẩn nghĩ tiếp, nghĩ thêm cái biệt nhỡn của Chúa của vua nhà Nguyễn dường như đã trù liệu cho hậu thế cái hướng cùng vị trí quần cư? Rằng dân tộc mình, nạn nhân mãn thì chưa dám bàn nhưng cứ cái đà kế tổ tông chi nghiệp sinh nở thế này thì mai kia dân số vài trăm vài ngàn triệu, cái việc ong san bọng là tất nhiên, nhưng những cuộc di dân còn biết nhoai về hướng nào ngoài phải dứt khoát nhao ra hướng biển.

Cái chấm son cùng cụm từ tri đạo liễu (đã xem đã biết) của vua Minh Mạng trên các tờ Châu bản thuở xa ấy về những đội hùng binh Hoàng Sa, Trường Sa như một nét chủ đạo trong bản đồ quy hoạch cho hậu thế Đại Nam vậy! (Năm Mậu Tuất, 1838, Vua Minh Mạng cho đổi tên nước thành Đại Nam).

Việc UNESCO của Liên Hiệp Quốc công nhận Châu bản triều Nguyễn (trong đó rành rẽ những bằng chứng về chủ quyền Đại Việt ở Hoàng Sa, Trường Sa dưới triều vua Minh Mạng, Thiệu Trị) là Di sản Văn hóa nhân loại dường như là động thái là thủ tục đầu tiên của quốc tế cùng công luận đương bước đầu tiếp nhận đòi hỏi chủ quyền chính đáng của lương dân nước Việt.

Và cũng là thông điệp nhanh nhạy mách nước cho việc bất đắc dĩ mai kia Việt Nam phải đưa hồ sơ Hoàng Sa ra Tòa án quốc tế một cách rành rẽ thuyết phục chứ không để Trung Quốc cứ bai bải lẫn bừa bãi cái điệp khúc bất khả tranh nghị (không thể bàn cãi) mãi được?

Tờ Châu bản số 092 số thứ tự 070 quyển 054 triều Minh Mạng ghi việc sai phái quân đội ra Hoàng Sa đo đạc và vẽ bản đồ nhưng vì chậm trễ nên bị trách tội. Chúng thần là Hồ Tôn Quyền, Hoàng Quýnh ở Nội các phụng thượng dụ: Viên được phái ra Hoàng Sa là cai đội Phạm Văn Nguyên trở về chậm trễ vừa qua đã chỉ giao cho Bộ trị tội. Nhưng đã tra chưa thấy rõ có tội tình riêng. Vả lại lần đó phải đi ra biển đã hoàn thành công việc lẽ ra được dự thưởng chỉ có quản viên Phạm Văn Nguyên lúc về lại dám tự ý giữ chức thật là không hợp. Trước đây đã có chỉ cách chức giam cùm nay truyền đánh ngay 80 gậy và gia ân khai phục nguyên chức. Vẽ bản đồ chưa được rõ ràng là các giám thành Trần Văn Vân Nguyễn Văn Tiện và Nguyễn Văn Hoằng đều đánh 80 gậy chuẩn cho thả tất cả. Hai tên hướng dẫn là Vũ Văn Hùng, Phạm Văn Sinh đều thưởng cho 3 mai tiền bằng bạc hạng nhỏ...

>> Kỳ trước: Trân kỳ báu vật quốc gia

MỚI - NÓNG