Thủ tướng chính phủ yêu cầu:

Bằng mọi cách ngăn chặn dịch tiêu chảy cấp

Bằng mọi cách ngăn chặn dịch tiêu chảy cấp
TP - Hôm qua (12/4), trong buổi làm việc với các Bộ Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông Vận tải, Thông tin – truyền thông, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định tất cả các ban ngành phải vào cuộc, nỗ lực phòng dịch tiêu chảy cấp, nếu không hậu quả rất khó lường.
Bằng mọi cách ngăn chặn dịch tiêu chảy cấp ảnh 1
Chỉ có 100/1.000 toa tàu hỏa  được trang bị hệ thống nhà vệ sinh tự hoại  Ảnh: Phạm Yên

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, dịch tiêu chảy cấp hiện nay đã lan ra rộng hơn so với đợt một, nếu không nỗ lực phòng chống thì không loại trừ khả năng thành dịch lớn trên diện rộng.

Thủ tướng nhấn mạnh mặc dù vấn đề nước sạch, nhà vệ sinh ở nông thôn tuy chưa thể giải quyết ngay, nhưng trước mắt, cần dập dịch tại ngõ, ngăn chặn tận gốc bằng các biện pháp ăn chín, uống sôi, rửa tay sạch.

Ở đợt dịch tiêu chảy cấp thứ ba này, phạm vi dịch xuất hiện đã rộng hơn đợt một, vì vậy không loại trừ khả năng dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm lan rộng. 

Tại Hà Nội, địa phương có nhiều bệnh nhân tả nhất, TS Lê Anh Tuấn – Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, cho hay bệnh nhân tiêu chảy nhập viện tại Hà Nội đang có xu hướng giảm dần. Cụ thể ngày 11/4, chỉ có 30 bệnh nhân tiêu chảy cấp nhập viện thay vì 90 bệnh nhân/ngày  trước đó.

Tổng số bệnh nhân tiêu chảy phát hiện ở Hà Nội trong đợt dịch thứ 3 cho đến nay là 806 người, trong đó 44 ca tả. Nhằm ngăn chặn số ca mắc tả cũng như hạn chế nguồn lây từ môi trường, ngày 12/4, Chủ tịch TP Hà Nội đã đi kiểm tra công tác vệ sinh môi trường ở các hồ tại Hà Nội.

Theo thống kê của Bộ Y tế, tính đến ngày 12/4 trên cả nước đã có 1.335 người bị tiêu chảy cấp, trong đó 136 trường hợp dương tính với phẩy khuẩn tả. Số bệnh nhân tiêu chảy cấp tập trung tại 18 tỉnh, thành phố.

TS Trịnh Quân Huấn - Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết tại những địa phương đã có dịch, vi khuẩn tả không chỉ tồn tại trong cơ thể bệnh nhân mà còn có trong người lành mang vi khuẩn, nguồn nước bề mặt, thức ăn, người dân vùng nông thôn vẫn sử dụng nước bề mặt (ao, hồ, kênh sông…) bị ô nhiễm cho sinh hoạt, tưới rau; vệ sinh an toàn thực phẩm tại các khu vực chợ, dịch vụ thức ăn đường phố chưa bảo đảm…

Với những yếu tố thuận lợi để vi khuẩn phát triển như hiện nay, TS Huấn dự báo dịch tả sẽ lan rộng ra nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Hiện nay, vấn đề an toàn thực phẩm đường phố là quan trọng nhất do người dân vẫn thờ ơ với cảnh báo của ngành y tế, vẫn ăn rau sống, thực phẩm không an toàn… Đặc biệt, phần lớn bệnh nhân mắc tả ở nhiều tỉnh thành là do ăn thực phẩm đường phố ở Hà Nội.

Bằng mọi cách ngăn chặn dịch tiêu chảy cấp ảnh 2

Một đoạn kênh Đan Hoài, chạy qua huyện Hoài Đức, Hà Tây. Theo Bộ Y tế, mẫu nước tại đây có khuẩn tả. Ảnh: Phạm Yên

TS Nguyễn Trần Hiển - Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ T.Ư cho biết khi ăn các loại thực phẩm có nguy cơ, khả năng bị nhiễm vi khuẩn tả cũng cao hơn nhiều, thịt chó (21 lần), mắm tôm (5,6 lần), rau sống, tiết canh, lòng lợn 2 – 4 lần.

Xét nghiệm của Viện Vệ sinh Dịch tễ T.Ư cho thấy 18/383 mẫu nước bề mặt ở vùng có dịch phát hiện vi khuẩn tả: hồ thả cá ở Đại Áng (Thanh Trì), cống thải ở Mai Dịch, nước rửa tay người bán thịt chó ở Tân Mai (Hà Nội), Lũng Kênh (Đức Giang, Hà Tây), sông Nhuệ, ao ở Vĩnh Thịnh, Vĩnh Lộc, Thanh Hoá…

4/384 mẫu rau sống phát hiện có vi khuẩn tả. Hầu hết rau sống, kể cả rau ăn ngay đều nhiễm vi khuẩn đường ruột E.Coli, Coliform, Cl.perfringens. Phát hiện một mẫu thịt chó chín để nguội nhiễm vi khuẩn tả.

Cho đến nay hầu hết những người bị nhiễm vi khuẩn tả, và phần lớn người bị tiêu chảy cấp đều là lao động phổ thông. Đây được cho là những người thường hay ăn uống tại các quán ăn đường phố do hoàn cảnh không thể tự nấu ăn tại nhà.

Hà Nội, Hà Tây, Hải Phòng, Bắc Ninh, Bắc Giang, Phú Thọ, Thanh Hoá, Nam Định, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Hải Dương, Ninh Bình, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Hưng Yên, Thái Bình, Quảng Bình và TP.HCM là các tỉnh đã có bệnh nhân nhiễm phẩy khuẩn tả. Hai tỉnh mới xuất hiện bệnh nhân là Hưng Yên và Thái Bình.

Đứng sau vấn đề thực phẩm không an toàn dễ gây dịch, ngành y tế còn lo ngại chuyện vi khuẩn phát tán qua đường vận chuyển hành khách của ô tô, tàu hoả. Tỷ lệ người lành mang vi khuẩn tả được xác định khoảng 17%. Hiện nay, mỗi ngày có 15 đoàn tàu Bắc Nam đi lại, mỗi đoàn tàu chở khoảng 3.000 hành khách đi qua 22 tỉnh/thành phố.

Trong khi đó, chỉ có 100/1.000 toa tàu được trang bị hệ thống nhà vệ sinh tự hoại. Số tàu hoả còn lại, hành khách được quyền vô tư xả chất thải xuống ao, hồ, đất mà đoàn tàu, ô tô chạy qua. Để ngăn chặn dịch bệnh lây lan bằng đường vận tải trong điều kiện hiện nay, chỉ có cách các ga tàu, bến xe, bến thuỷ cần có nhân viên y tế để nếu phát hiện bệnh nhân tiêu chảy, phải khoanh vùng dập tắt ngay nguồn lây.

Thứ trưởng Trịnh Quân Huấn cho hay, ưu tiên hàng đầu là cắt đường lây bệnh từ thực phẩm sang người. Đối với những cửa hàng kinh doanh thực phẩm cần được kiểm tra, chấn chỉnh, sẵn sàng rút số giấy phép, đóng cửa nếu tiếp tục kinh doanh thực phẩm không đảm bảo an toàn vệ sinh.

Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần tổ chức các đợt vận động các cơ sở thức ăn đường phố không bán rau sống. Đồng thời cắm biển báo nhiễm vi khuẩn tả tại các khu vực đã phát hiện nhiễm vi khuẩn tả (nhất là hồ, ao, mương, sông) để người dân biết.

Khoanh vùng các khu vực ổ dịch, điều trị dự phòng cho người tiếp xúc trực tiếp, người lành mang trùng; điều trị kịp thời cho người bệnh, thành lập các đội cấp cứu, tổ điều trị tại chỗ, hạn chế di chuyển người bệnh. Tập trung tuyên truyền nhằm thay đổi hành vi ăn uống không hợp vệ sinh của người dân.

Sau khi nghe báo cáo của Bộ Y tế, Sở Y tế bốn tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hà Tây, Thanh Hoá, Hải Phòng và các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Thông tin truyền thông, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phát biểu ý kiến chỉ đạo.

Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành cần nhận thức rõ tính cấp bách, nguy hiểm của dịch để đề cao trách nhiệm trước cộng đồng, có sự chỉ đạo quyết liệt và phối hợp đồng bộ hơn nhằm sớm dập được dịch trên địa bàn. Tập trung ngăn chặn, kiểm soát chặt vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, nhất là thức ăn đường phố; vệ sinh môi trường hạn chế thấp nhất nguồn lây lan. Các ngành cần sớm xây dựng quy trình hướng dẫn người dân trồng, vận chuyển, chế biến thực phẩm an toàn.

MỚI - NÓNG