Bánh mì “giải cứu” thanh long

Người dân xếp hàng mua bánh mì thanh long trên đường Nguyễn Trãi (Q.5) trưa 18/2
Người dân xếp hàng mua bánh mì thanh long trên đường Nguyễn Trãi (Q.5) trưa 18/2
TP - Cứ 20 phút là một mẻ bánh mì thanh long “giải cứu nông sản Việt” ra lò, trong “một nốt nhạc” khách tranh nhau mua sạch. 

Xếp hàng dài gần cả trăm mét dưới cái nắng 35 độ ở Sài Gòn, chờ 20-30 phút mới đến lượt, mỗi người chỉ được mua 5 chiếc bánh mì… Cầm được bánh trên tay, ai cũng mỉm cười “cám ơn”. Vỏ bánh nhuộm màu hồng tự nhiên của thanh long ruột đỏ. Bánh mì nóng, giòn, xốp, thơm nhẹ hương thanh long, ăn kèm phô mai, xúc xích hoặc chấm sữa đặc đủ lót dạ bữa sáng. Đây là số thanh long được “giải cứu” trong khoảng 30.000 tấn bị ùn ứ tại Long An do không kịp xuất sang Trung Quốc vì dịch Covid-19.

11h trưa 18/2, tiệm bánh ABC Bakery trên đường Nguyễn Trãi (Q.5), dòng người rồng rắn xếp hàng dài. Khách đeo khẩu trang kín mít, nhưng ánh mắt lộ rõ vẻ háo hức, mong chờ “xí” phần mẻ bánh mì thanh long nóng hổi sắp ra lò. Chị Thanh Liên (30 tuổi) nhà tận Q.Tân Bình cũng chạy xe đến Q.5, xếp hàng. Chị bảo:“Hôm trước được người bạn mời bánh mì thanh long, vị rất lạ nên tò mò. Đặc biệt khi biết sản phẩm bán ra mang ý nghĩa “giải cứu” nông sản nên phải tìm đến cửa hàng mua cho bằng được. Giải cứu thanh long theo cách này thật thú vị!”.

Trong thời gian chờ đợi, nhân viên mời mọi người dùng thử bánh, những cái gật đầu tán thưởng, tiếng cười và lời nhận xét “vị ngon, lạ nữa”. Bà Minh Tuyết (65 tuổi, Q.10) chia sẻ: “Bánh mì thanh long có vị độc đáo, vị chua nhẹ, hạt thanh long lẫn vào giòn và ngậy như hạt mè đen, đặc biệt bánh mì có màu sắc bắt mắt”. Đứng xếp hàng chờ mua bánh mì thanh long, ông Minh (Q.Gò Vấp) cho biết: “Chiều hôm qua tôi chạy ra trễ người ta bán hết rồi nên sáng nay phải chạy lại lượt nữa để mua bánh. Tôi muốn mua bánh mì thanh long, phần vì tò mò về loại bánh mới này, phần vì muốn ủng hộ nông dân trong giai đoạn khó khăn”.

Bên trong cửa hàng, nhân viên làm việc không ngơi tay, các công đoạn chọn thanh long, tạo bột, nhào bột... làm hoàn toàn thủ công nên để ra lò một mẻ bánh mì hơn 100 cái mất chừng 20 phút. Bánh mì thanh long có 2 loại: Loại thường có giá 6.000 đồng/chiếc; loại nhân phô mai, thêm khoai môn có giá 20.000 đồng/chiếc. Bánh mới ra lò khách đã mua sạch.

Ai nghĩ ra bánh mì thanh long?

“Cha đẻ” của bánh mì thanh long là ông Kao Siêu Lực, Tổng Giám đốc Công ty bánh kẹo Á Châu - ABC. Ông kể, hai tuần trước khi đi miền Tây thấy thanh long chín đầy ruộng, dừng chân hỏi chuyện, nghe nông dân than không bán được hàng do ảnh hưởng của dịch Covid- 19, ông nảy ra ý nghĩ muốn làm gì đó.

Suốt chuyến đi, ông suy nghĩ về việc tạo ra một loại bánh mì mới làm từ thanh long, góp phần tiêu thụ cho nông dân, đồng thời cũng làm phong phú thêm thực đơn thương hiệu bánh của mình. Mang ý tưởng đó về TPHCM, sau khi bàn với một số đầu bếp, ông Lực và cộng sự bắt tay vào thực hiện loại bánh mì mới toanh này. “Tôi mất 3 ngày để nghiên cứu công thức và thử nghiệm, sau rất nhiều lần cũng ra được kết quả như ý. Sản phẩm ra lò có màu đậm hơn bánh mì thường, có vị ngọt tự nhiên của trái cây và mùi thơm của thanh long”, ông Lực nói.

Giai đoạn đầu, công ty mua 1 tấn thanh long, xay nhuyễn bảo quản đông lạnh để dùng dần. Khi vận hành đều đặn, dự kiến mỗi ngày công ty sử dụng 200kg thanh long. Hiện đã có 4 loại bánh ra đời từ nguyên liệu thanh long, đó là bánh mì thanh long khoai môn, bánh thanh long phô mai, bánh kem thanh long, bánh mì baguette thanh long và hứa hẹn sẽ có thêm nhiều sản phẩm từ trái thanh long ruột đỏ. Bánh mì thanh long hiện được bán với giá 6.000 đồng/ổ. Với giá bán này, công ty chưa tính lời lỗ mà chủ yếu giới thiệu sản phẩm mới.

Không giấu nghề, ông Lực tiết lộ công thức cứ 5kg bột dùng khoảng 1,4 kg thanh long ruột đỏ (lượng thanh long này có thể thay 60% lượng nước nhào bột). Thêm sữa, bột, đường, men vào nhồi 6 phút chậm, 2 phút nhanh, rồi ủ bột trong vòng 3 tiếng đồng hồ. Bánh mì có trọng lượng 120g sẽ nướng ở nhiệt độ 170-180 độ C trong 20 phút. Ông bảo, muốn mọi người đều có thể làm loại bánh mì này, giúp giải cứu nông dân đang phải bán đổ bán tháo thanh long vì không xuất khẩu được.

Ngoài thanh long, ông Kao Siêu Lực cho hay, nhiều loại nông sản Việt Nam có thể làm bánh ngọt như khoai môn, khoai lang, củ dền… Đặc biệt, sầu riêng rất ngon có thể khai thác trở thành thế mạnh, hương vị đặc trưng của Việt Nam.

Người người làm bánh

Đu theo hot trend “bánh mì thanh long”, những ngày gần đây, dân mạng khoe thành quả là những chiếc bánh mì làm từ thanh long. Facebooker Hanhcake khoe mẻ bánh đầu tiên làm từ thanh long: “Bánh rất ngon lại nhìn dễ thương nữa. Tuy khá khó làm vì phải cân đối lượng trái cây trong từng mẻ bánh, nhưng làm thành công, cảm giác đã lắm cả nhà nhé!”. Kèm với đó hình ảnh những chiếc bánh hồng, bài viết thu hút đã ngàn bình luận và cả trăm đơn hàng.

Từ công thức của ông Kao Siêu Lực, lò bánh mì Thanh Thủy của ông Trần Phúc Thuận (Bình Thuận) tung ra nhiều loại bánh mì làm từ nguyên liệu trái thanh long tỉnh nhà. Ông Thuận cho biết, đã bắt tay vào sản xuất bánh mì thanh long từ ngày 14/2. Trừ ngày đầu tiên bán được ít vì chưa ai biết, đến ngày thứ hai, bà con nghe tiếng ùn ùn kéo đến mua. Giờ bánh mì thanh long của ông “cháy hàng”, làm ra không kịp đáp ứng nhu cầu của khách. “Chúng tôi dự định kêu gọi các lò bánh mì trong tỉnh mở ra làm bánh mì thanh long, giúp đỡ phần nào đầu ra cho trái thanh long”, ông Thuận nói.

Mới đây, một hệ thống bánh pizza tại Hà Nội bán những chiếc bánh pizza đế màu hồng tươi được làm từ thanh long ruột đỏ với mức giá 55.000 đồng/chiếc. Đại diện hệ thống này cho hay, lý do họ làm pizza thanh long bắt nguồn từ những chiến dịch giải cứu nông sản Việt.

Bánh mì “giải cứu” thanh long ảnh 1 Những chiếc bánh mì thanh long góp phần giải cứu nông sản Việt bị ùn ứ do dịch Covid-19

 Không giấu nghề, ông Lực tiết lộ công thức cứ 5kg bột thì dùng khoảng 1,4 kg thanh long ruột đỏ (lượng thanh long này có thể thay 60% lượng nước nhào bột). Thêm sữa, bột, đường, men vào nhồi 6 phút chậm, 2 phút nhanh, rồi ủ bột trong vòng 3 tiếng đồng hồ. Bánh mì có trọng lượng 120g sẽ nướng ở nhiệt độ 17AC0-180 độ C trong vòng 20 phút. Ông bảo, muốn mọi người đều có thể làm loại bánh mì này, giúp giải cứu nông dân đang phải bán đổ bán tháo thanh long vì không xuất khẩu được.

MỚI - NÓNG
Giá vé máy bay tiếp tục đắt đỏ?
Giá vé máy bay tiếp tục đắt đỏ?
TPO - “Giá vé sẽ tiếp tục ở mức đắt đỏ, dù có thể giảm nhẹ bởi nguồn cung hạ nhiệt trong mùa thấp điểm. Chi phí vận hành cao do giá dầu, nhân sự khiến giá vé máy bay khó giảm sâu" - ông John Grant - trưởng nhóm phân tích của công ty dữ liệu du lịch OAG - dự báo.