Hiện tượng bất thường ở Sa Pa, Lào Cai:

Bão cạn Ô Quý Hồ giật cấp 9

Bão cạn Ô Quý Hồ giật cấp 9
TP - Từ ngày 22-2, khu du lịch Sa Pa (Lào Cai) xuất hiện một đợt gió địa phương cực mạnh mang tên gió Ô Quý Hồ. Đặc biệt, giữa tuần, đợt gió hình thành trên đất liền này đạt đến cấp 9, tốc độ của một cơn bão mạnh vốn chỉ thấy trên biển.
Bão cạn Ô Quý Hồ giật cấp 9 ảnh 1
Bão cạn Ô Quý Hồ khiến khô hanh nặng thêm, gây ra hoả hoạn hiếm có ở VQG Hoàng Liên

Chị Lê Thị Liên, công tác tại trạm khí tượng Sa Pa từ năm 1987, hiện là trạm trưởng, nhận xét: “Tôi làm quan trắc viên khí tượng đã 23 năm, chứng khiến nhiều đợt gió Ô Quý Hồ thổi. Nhưng, lâu lắm mới thấy Sa Pa xảy ra gió địa phương có tốc độ lớn như vậy. Những hôm gió thổi, bầu trời quang mây. Ngày nắng chang chang, độ ẩm thấp, gió giật từng cơn. Mỗi khi ra vườn khí tượng để thu thập số liệu, gặp gió thổi mạnh, việc di chuyển cực kỳ vất vả”.

Trạm khí tượng Sa Pa quan trắc được độ ẩm trung bình những ngày qua xuống thấp, dao động trong khoảng 50 - 55%, độ ẩm thấp nhất giảm tới 35-40%. Tiết trời ấm khô, gió thổi mạnh và tăng dần.

Ngày 22 - 2, ghi nhận được tốc độ gió mạnh nhất đạt 12m/s, tương đương với cấp 6. Sang ngày 24-2, tốc độ gió giật tới cấp 9 (23-25m/s).

Thời gian qua, tiết trời Sa Pa rất ấm khô, đẩy các cánh rừng tại địa phương lên cấp báo động cháy cao, hỏa hoạn sẵn sàng bùng phát khi có điều kiện. Có thời điểm, nhiệt độ tại Sa Pa quan trắc được còn cao hơn nhiệt độ tại thành phố Lào Cai, trong khi Sa Pa ở vị trí cao hơn Lào Cai xấp xỉ 1.500m.

Gió Ô Quý Hồ không chỉ ảnh hưởng đến thị trấn Sa Pa mà còn lan tỏa đến các vùng phụ cận như xã San Sả Hồ, Sa Pả, Tả Phìn, Bản Khoang. Xa hơn nữa là xã Trung Chải, Tả Van, và Bản Hồ.

Đặc trưng cơ bản của gió Ô Quý Hồ là hướng gió chỉ dao động trong phạm vi từ tây bắc đến tây nam, tốc độ gió tối thiểu từ cấp 4-5 trở lên, độ ẩm thấp nhất đều dưới 50%, chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm nhỏ (do ban đêm trời vẫn ấm nóng).

Quần áo giặt treo trong nhà cũng khô cong

Gió Ô Quý Hồ thổi liên tục nhiều ngày, tốc độ mạnh nhiều khi như gió trong áp thấp nhiệt đới hoặc gió bão. Vốn đã khô lại kèm theo gió mạnh liên tục dài ngày, gió Ô Quý Hồ càng gây thời tiết khô hanh khốc liệt. Những ngày có gió thổi, quần áo giặt xong chỉ cần treo trong nhà cũng khô cong.

Gió Ô Quý Hồ là một loại gió địa phương có đặc tính khô nóng khá mạnh. Từ phía tỉnh Lai Châu thổi qua đèo Ô Quý Hồ rồi tràn xuống thị trấn Sa Pa, chúng xuất hiện từ đầu mùa đông năm trước và tồn tại đến đầu mùa hạ năm sau.

Có thời điểm, nhiệt độ tại Sa Pa quan trắc được còn cao hơn nhiệt độ tại thành phố Lào Cai, trong khi Sa Pa ở vị trí cao hơn Lào Cai xấp xỉ 1.500m. 

Hàng năm, Sa Pa có khoảng mười đợt gió Ô Quý Hồ ảnh hưởng. Thường vào giữa mùa đông, các đợt gió Ô Quý Hồ xuất hiện thưa hơn. Nhưng mỗi khi xuất hiện vào đầu mùa đông hoặc mùa hạ, cường độ lại mạnh hơn. 

Tác hại của gió Ô Quý Hồ khá nghiêm trọng, những cơn gió giật mạnh có thể làm tốc ngói mái nhà, bẻ gẫy cành cây, ảnh hưởng lớn đến cây trồng, đặc biệt khi các loại hoa quả, rau ăn như đào, mận hậu, lê, xu hào, bắp cải đang trong thời kỳ ra hoa. Nếu gặp gió Ô Quý Hồ ấm khô thổi, các bào tử phấn hoa dễ bị teo tóp, không thụ phấn được, sản lượng cây trồng giảm rõ rệt, có vụ mất tới 40-60%.

Bà Nguyễn Thị Duy 83 tuổi, sinh ra và lớn lên tại đèo Ô Quý Hồ, bộc bạch: “Thông thường, 8-10 năm mới lại xuất hiện gió thổi mạnh như gió bão. Chúng tôi ở đây phải làm nhà xây, nhà gỗ chắc chắn mới trụ được với gió. Nhà tạm làm bằng tre nứa phải đóng cọc bốn phía, dùng dây thép buộc vào các góc nhà néo chặt mới đứng vững được.

Nhà lợp bằng cỏ tranh, giấy dầu phải đan phên  phủ kín mái, néo chặt, để tránh gió mạnh làm tốc mái. Nhà lợp bằng ngói Sông Cầu thì phải dùng xi cát mác cao trát miết nơi tiếp giáp, cho ngói liên kết thành một mảng lớn để phòng gió giật. Các vườn trồng rau phải che chắn cẩn thận phòng gió lớn”.

Gió mạnh kèm hanh khô nặng còn gián tiếp sinh các vụ cháy rừng. Từ ngày 29-1 đến 11-2, Sa Pa xuất hiện một đợt gió Ô Quý Hồ mạnh, tốc độ gió cực đại đạt cấp 8-9, khiến vụ cháy ở Vườn Quốc gia Hoàng Liên thêm dữ dội và kéo dài, thiêu trụi 750 ha rừng.  

MỚI - NÓNG