Báo cáo về động đất sơ sài và trùng lặp

Báo cáo về động đất sơ sài và trùng lặp
TP - Ngoài báo cáo của thủy điện Sông Tranh 2, ít nhất có thêm 2 bản báo cáo đánh giá tác động môi trường của thủy điện A Vương 1 và Đak Mi 4 đều đề cập rất ít về nguy cơ động đất. Sự trùng lặp trong đánh giá về động đất cũng khiến dấy lên nghi ngờ có sự “sao chép” lẫn nhau?

> “Dân hãy yên tâm sống!”

Đập thủy điện Sông Tranh 2 (ảnh lớn), quan trắc thu thập số liệu (ảnh nhỏ, trên) và dọn dẹp trong hầm đập thủy điện Sông Tranh 2 Ảnh: Nguyễn Thành
Đập thủy điện Sông Tranh 2 (ảnh lớn), quan trắc thu thập số liệu (ảnh nhỏ, trên) và dọn dẹp trong hầm đập thủy điện Sông Tranh 2.  Ảnh: Nguyễn Thành .

Sông Tranh 2: “Không có động đất kích thích”!?

Đó là khẳng định trong Báo cáo đánh giá tác động môi trường của công trình thủy điện Sông Tranh 2 được Tập đoàn điện lực Việt Nam lập khi xây dựng công trình này.

Báo cáo dày gần 200 trang. Trong đó, mục IV.2.1.5 “Đánh giá động đất kích thích khi xây dựng dự án” chỉ dài vỏn vẹn khoảng 20 dòng, ghi rõ: “Kết quả của báo cáo “Đánh giá độ nguy hiểm động đất ở khu vực công trình thủy điện Sông Tranh 2” do Viện vật lý Địa cầu - Viện Khoa học và công nghệ Việt Nam lập tháng 8-2005 cho thấy: Gia tốc dao động nền cực đại với xác suất xuất hiện không vượt quá 10% trong vòng 20,50,100,200 và 500 năm…

Chấn động cực đại có thể xảy ra ở khu vực nhà máy là Imax = 7 (thang MSK - 64) và amax = 150cm/s2. Chấn động này do động đất cực đại M=5,5 có thể phát sinh trên đới đứt gãy Hưng Nhượng - Tà Vi và Trà Bồng gây ra”.

Đáng nói, cơ sở để báo cáo khẳng định chắc nịch rằng “không có động đất kích thích tại Sông Tranh 2” chỉ dựa vào công trình “Phân tích các hướng dẫn đánh giá tác động môi trường của các dự án thủy điện” năm 2002 của tác giả Lê Trần Chấn (Viện Địa lý).

Theo ông Chấn, điều kiện để hồ chứa thủy điện có khả năng gây động đất kích thích là: “Dung tích hồ chứa phải đạt trên 1 tỷ m3, vùng hồ chứa có chiều cao cột nước tối thiểu là 100m và trong điều kiện đất đá vùng hồ và khu vực lân cận bị chia cắt bởi các đới đứt gãy kiến tạo và phân dị mạnh”.

Chỉ có như vậy, báo cáo trên kết luận: “Theo điều kiện trên và so sánh các thông số hồ chứa và đập dâng, điều kiện các đới đứt gãy địa chất và hiện trạng khả năng cực đại xuất hiện động đất ở vùng dự án có thể đánh giá hồ thủy điện Sông Tranh 2 khi tích nước sẽ không có khả năng gây động đất kích thích, không gây rủi ro môi trường”!?

Mặc dù vậy, mới đây sau khi động đất liên tục xảy ra tại đây, TS Lê Huy Minh - Phó viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu - cũng là 1 thành viên trong Ban “Đánh giá nguy hiểm động đất Thủy điện Sông Tranh 2” tham gia xây dựng báo cáo trên (tháng 8-2005), lại khẳng định động đất ở Bắc Trà My là động đất kích thích do đập Sông Tranh 2 tích nước!

Hoài nghi về sự trùng lặp

Quan trắc thu thập số liệu trong hầm của đập thủy điện Sông Tranh 2. Ảnh: Nguyễn Thành
Quan trắc thu thập số liệu trong hầm của đập thủy điện Sông Tranh 2.  Ảnh: Nguyễn Thành.

Mục IV.2.1.5 “Đánh giá động đất kích thích khi xây dựng dự án” Sông Tranh 2 chỉ dài vỏn vẹn khoảng 20 dòng.

Sở TN&MT tỉnh Quảng Nam đang lưu giữ các Báo cáo đánh giá tác động môi trường của EVN khi xây dựng các nhà máy thủy điện tại địa phương. Một lãnh đạo Sở đối chiếu các đánh giá và nhận định về động đất, động đất kích thích trong các báo cáo trên, tỏ ra nghi ngờ có sự “sao chép thông tin” lẫn nhau.

Tiếp cận 2 báo cáo tác động môi trường của hai thủy điện A Vương 1 và Đakmi 4, phần đánh giá tác động của 2 công trình này đều có nét tương đồng.

Báo cáo tác động môi trường của thủy điện A Vương 1 (thực hiện năm 2004), ghi: “Theo Viện Vật lý Địa cầu, toàn bộ khu vực có khả năng gây chấn cấp Mmax = 5,5 ở độ sâu 10-15 km, gây chấn động cực đại tại chấn tâm Io = 7 (theo thang chấn quốc tế) với xác suất 10% trong vòng 1.000 năm (chu kỳ lặp lại 950 năm).

Mặt khác theo thống kê về động đất kích thích tại các hồ lớn trên thế giới, những hồ gây ra động đất kích thích là những hồ có độ sâu trên 90m và dung tích hồ lớn hơn 1 tỷ m3.

Hồ chứa thủy điện A Vương 1 có sâu nhất ngay khu vực tuyến đập <80m, dung tích hồ chứa <400 triệu m3 nước. Như vậy hồ chứa A Vương 1 ít có khả năng phát sinh các trận động đất kích thích. Vì vậy vấn đề động đất ở đây không đáng lo ngại”.

Báo cáo tác động của công trình thủy điện Đak Mi 4 (thực hiện năm 2005), ghi: “Theo bản đồ kiến tạo và phân vùng động đất của Viện Vật lý Địa cầu lập năm 2002, công trình thủy điện Đak Mi 4 thuộc miền nền cổ và các đới đứt gãy sâu bao quanh.

Phía Bắc có đới đứt gãy Tam Kỳ - Phước Sơn cách công trình khoảng 10km, phía Tây có đới đứt gãy Trường Sơn cách công trình 6km, phía Nam có đới đứt gãy Trà Bồng, cách công trình khoảng 10 - 15 km. Dọc theo các đới đứt gãy này có khả năng phát sinh ra động đất...

Khu đầu mối cũng như hồ chứa nằm trong vùng ảnh hưởng của các đới đứt gãy trên nên đều có cấp động đất phông là 7 (thang đo MSK - 64), với gia tốc ngang cực đại là 0,12 - 0,15 g, với xác suất 10% trong vòng 1.000 năm, với chu kỳ lặp lại là 950 năm; nghĩa là trong vòng 1.000 năm có thể xảy ra một lần động đất với cường độ cực đại”.

Ông Dương Chí Công - Giám đốc Sở TN&MT Quảng Nam, cho biết: “Các báo cáo đánh giá tác động môi trường của các công trình thủy điện lớn trên địa bàn đều do cấp Bộ phê duyệt, Sở không tham gia và không đủ chuyên môn để thẩm định về các vấn đề liên quan động đất”.

Về nhận định các báo cáo môi trường về động đất có sao chép hay không, ông Công cho rằng: đó là tính toán của các nhà khoa học và cần người có chuyên môn xem xét, đánh giá lại các báo cáo này. Tuy nhiên ông Công cũng tỏ ra nghi ngờ có sự sao chép.

Mục IV.2.1.5 “Đánh giá động đất kích thích khi xây dựng dự án” Sông Tranh 2 chỉ dài vỏn vẹn khoảng 20 dòng.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG