Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân:

Báo chí đã có đóng góp to lớn trong sự nghiệp đổi mới

Báo chí đã có đóng góp to lớn trong sự nghiệp đổi mới
TP - “Thay mặt Chính phủ, tôi cảm ơn sự đóng góp to lớn của báo chí trong sự nghiệp đổi mới của đất nước”- Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân phát biểu.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã phát biểu tại Hội nghị toàn quốc “Tổng kết 8 năm thi hành Luật Báo chí; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí”, do Bộ Thông tin-Truyền thông tổ chức hôm qua (24/12) tại Hà Nội.

Lãnh đạo Ban Tuyên giáo T.Ư, Bộ TT-TT và lãnh đạo các tỉnh, thành cùng lãnh đạo các cơ quan báo chí tham dự.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định: 8 năm vừa qua thực hiện Luật báo chí, báo chí Việt Nam đã đồng hành cùng với dân tộc trong giai đoạn hết sức có ý nghĩa, nhạy cảm và đầy thách thức của đất nước, của dân tộc.

Chính phủ và nhân dân mong đợi ở sự phát triển không ngừng hơn nữa của báo chí.

Đây là thời gian báo chí đã thực hiện vai trò của mình với những kiểm nghiệm quan trọng của 21 năm đổi mới của đất nước. Định hướng cho báo chí trong thời gian tới, Phó Thủ tướng cho rằng, đặc điểm hoạt động của báo chí là sản phẩm báo chí chi phối nhận thức tình cảm của xã hội vì vậy trách nhiệm của các cơ quan báo chí, nhà báo và lãnh đạo quản lý báo chí rất cao.

Chất lượng của đội ngũ nhà báo và quản lý báo chí có ý nghĩa quyết định. Đặc thù của báo chí là phải cạnh tranh, có chia sẻ thông tin, có sáng kiến và có nét riêng nhưng trên tiêu thức chung là thông tin trung thực tình hình trong nước và thế giới phù hợp với lợi ích của Nhà nước và nhân dân; phải phản ánh và hướng dẫn dư luận xã hội…

Cả nước có 702 cơ quan báo chí và 15.000 nhà báo được cấp thẻ

Hiện, cả nước có 702 cơ quan báo chí ở các loại hình báo in, phát thanh truyền hình, báo điện tử. Trong đó, báo in có 634 cơ quan với 813 ấn phẩm, gồm 174 báo (trung ương: 73; địa phương: 101); 459 tạp chí (trung ương: 353; địa phương: 106); một Hãng thông tấn quốc gia. Phát thanh-Truyền hình có  67 đài phát thanh, truyền hình (trung ương: 2; địa phương: 65); 1 Đài truyền hình kỹ thuật số mặt đất…

Có 10 báo điện tử, 130 trang tin điện tử của các cơ quan báo chí và hàng ngàn  trang web có nội dung cung cấp thông tin. Số lượng  nhà báo được cấp thẻ đã tăng từ 8.000 (năm 1999) lên 15.000 hiện nay.

Nguồn: Bộ Thông tin-Truyền thông

Phó Thủ tướng đề nghị các đại biểu  tập trung thảo luận về 4 vấn đề cơ bản để việc bổ sung, sửa đổi Luật báo chí gắn với thực tế phát triển báo chí trong xu thế hội nhập.

Đó là: nâng cao chất lượng đội ngũ phóng viên và người quản lý; nâng cao chất lượng tờ báo, sản phẩm báo chí để mỗi cơ quan báo chí có nét riêng, cạnh tranh lành mạnh; vai trò hướng dẫn dư luận xã hội của báo chí; các loại hình báo chí, đặc biệt là sự ra đời và phát triển của loại hình báo chí mới.

Báo cáo tổng kết 8 năm thi hành Luật Báo chí của Bộ Thông tin-Truyền thông cho thấy: Sau 8 năm, báo chí Việt Nam có bước phát triển vượt bậc về số lượng và chất lượng.

Thông qua các loại hình báo chí, các chủ trương đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước nhanh chóng được chuyển tải đến các tầng lớp nhân dân, đáp ứng nhu cầu văn hóa, nâng cao dân trí, giải trí của nhân dân, giới thiệu với các dân tộc và bạn bè trên thế giới về đất nước, con người Việt Nam, về thành tựu của công cuộc đổi mới.

Báo chí đã tích cực giới thiệu những nhân tố mới, người tốt, việc tốt, đấu tranh phê phán các hiện tượng tiêu cực, tham nhũng, phê phán quan điểm sai trái, thù địch... thực hiện này càng tốt hơn chức năng là cơ quan ngôn luận của Đảng, cơ quan Nhà nước, các tổ chức chính trị-xã hội, xã hội nghề nghiệp và là diễn đàn của nhân dân.

Trong khuôn khổ Luật Báo chí 1999, một số cơ quan báo chí đã cố găng vươn lên, tăng nhanh số lượng phát hành, cân đối thu chi, nhiều tờ báo nộp ngân sách cho Nhà nước  khá lớn…

Tuy nhiên, sau 8 năm thi hành luật, vẫn tồn tại những biểu hiện chưa nghiêm túc, thậm chí vi phạm Luật báo chí của một số người làm báo và cơ quan báo chí. Thông tin sai sự thật vẫn tiếp tục diễn ra nhưng chậm khắc phục, thể hiện chủ yếu ở mảng bài viết về các vụ án; thông tin xâm phạm bí mật đời tư công dân, thông tin thiếu nhạy cảm về chính trị; thông tin dung tục, chạy theo thị hiếu của một bộ phận nhân dân, làm giảm tính định hướng, tính giáo dục và tính thẩm mỹ của báo chí…

Một số cơ quan báo chí, trong đó có một số đài truyền hình vi phạm quy định trong hoạt động quảng cáo...

Tham luận của  các đại biểu đã thẳng thắn chỉ ra nguyên nhân của những tồn tại trong hoạt động báo chí thời gian vừa qua là: công tác quản lý báo chí chưa theo kịp tốc độ phát triển hoạt động báo chí trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế; công tác tuyên truyền về Luật báo chí chưa thực sự sâu rộng... 

Một số đại biểu đề nghị phải bổ sung quy định hoạt động của loại hình báo chí mới là báo điện tử, website cá nhân, blog cá nhân; sửa đổi  thuế thu nhập doanh nghiệp đối với báo chí; phân định rõ giữa cơ quan hoạt động báo chí và cơ quan hoạt động lĩnh vực quảng, truyền thông; công tác quy hoạch, bổ nhiệm, miễn nhiệm cán bộ chủ chốt của báo chí; ban hành quy chế người phát ngôn và cung cấp thông tin...

MỚI - NÓNG
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
TPO - Triển lãm "Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại" giới thiệu khoảng 100 tài liệu, hình ảnh có nội dung cô đọng, ấn tượng nhất về sự ra đời của “tuyến lửa” Trường Sơn - nơi luôn rung chuyển, bị cày xới và hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn, chất độc hóa học của kẻ thù.