Báo chí đang bị mạng xã hội 'cạnh tranh'

Các đại biểu trình bày tham luận tại buổi tọa đàm. Ảnh Việt Văn
Các đại biểu trình bày tham luận tại buổi tọa đàm. Ảnh Việt Văn
TPO - Theo ông Lê Tiền Tuyến, Phó tổng Biên tập báo Sài Gòn Giải phóng, điểm “chết người” hiện nay là việc săn tin, đưa tin theo mạng xã hội một cách thiếu kiểm chứng, nhất là những người làm báo trẻ mới vào nghề...

Tại buổi tọa đàm “Đạo đức nghề nghiệp của người làm báo trong giai đoạn hiện nay” do Ban Tuyên giáo Thành ủy, Sở Thông tin- Truyền thông và Hội Nhà báo TPHCM tổ chức ngày 24/10, ông Lê Tiền Tuyến, Phó tổng Biên tập báo Sài Gòn Giải phóng cho rằng, ngày nay báo chí truyền thống không còn độc quyền trong cung cấp thông tin. Bạn đọc, người dân cùng một lúc tiếp cận, lựa chọn nhiều loại hình truyền thông từ báo chí đến mạng xã hội một cách nhanh nhất, tiện ích nhất để thỏa mãn nhu cầu tiếp cận thông tin.

Mạng xã hội càng ngày càng phát triển đã đưa báo chí chính thống vào cuộc đua khốc liệt trong việc cạnh tranh thông tin… Ngoài mặt ưu điểm, ông Tuyến đánh giá mạng xã hội là nơi phát tán các thông tin không chính xác, sai sự thật,… hoặc thiếu kiểm chứng.

Theo ông Tuyến, điểm “chết người” hiện nay là việc săn tin, đưa tin theo mạng xã hội một cách thiếu kiểm chứng, nhất là những người làm báo trẻ mới vào nghề và một số báo điện tử làm rối loạn thông tin.

Báo chí đang bị mạng xã hội 'cạnh tranh' ảnh 1 Bà Phạm Phương Thảo trao đổi với ông Tất Thành Cang, Phó Bí thư thường trực Thành ủy TPHCM trao đổi tại hội thảo. Ảnh Việt Văn

Nói về các bài viết đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng tác động đến dư luận, tâm tư, tình cảm người dân trong xã hội, bà Phạm Phương Thảo, nguyên Phó Bí thư Thành uỷ, nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM cho rằng nên đòi hỏi tính khách quan, trung thực, viết đúng sự thật với thái độ xây dựng, tích cực, nhân văn.

“Không viết quá đà, không tiết lộ danh tính người tố cáo,… Mọi sự phê phán cũng nhằm để sửa đổi, làm cho tốt hơn chứ không nhằm để vùi dập, triệt tiêu con người”, bà Thảo nói.

Bên cạnh đó, nhiều đại biểu cho rằng chính các tin tức không chân thực, thiếu kiểm chứng đã tác động xấu đến vai trò, uy tín của báo chí, làm suy giảm lòng tin của công chúng đối với báo chí, làm tổn hại đến lợi ích của đất nước và cộng đồng. Điều này cho thấy vấn đề đạo đức của những người làm báo trở nên nóng bỏng, không còn là khuyến cáo mà là cảnh báo đối với cơ quan báo chí chính thống.

Bà Thân Thị Thư, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM nhấn mạnh đến việc chú trọng hơn nữa trong giáo dục, rèn luyện đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm xã hội đối với đội ngũ người làm báo.

“Khi đã lựa chọn nghề báo thì phải “mắt sáng, lòng trong, bút sắc”, phải nhận thức về trách nhiệm xã hội, về sự trung thực, bảo vệ lẽ phải, tôn trọng và chấp hành pháp luật”, bà Thư nói.

MỚI - NÓNG
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
TPO - Triển lãm "Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại" giới thiệu khoảng 100 tài liệu, hình ảnh có nội dung cô đọng, ấn tượng nhất về sự ra đời của “tuyến lửa” Trường Sơn - nơi luôn rung chuyển, bị cày xới và hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn, chất độc hóa học của kẻ thù.