Báo chí không đơn độc trong cuộc chiến chống tham nhũng

Ông Hồ Quang Lợi
Ông Hồ Quang Lợi
TPO - Sáng 29/12, Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức họp báo, thông báo kết quả Giải báo chí toàn quốc “Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí” lần thứ Nhất.

Sau 1 năm phát động, Giải đã nhận được sự tham gia tích cực của các cơ quan thông tấn, báo chí trong cả nước, với 1.126 tác phẩm báo chí phản ánh về đề tài tham nhũng, lãng phí trên các phương tiện thông tin đại chúng. Sau khi chấm sơ khảo, Hội đồng chung khảo đã chọn ra 32 tác phẩm xuất sắc nhất để trao 2 giải A, 7 giải B, 10 giải C và 13 giải khuyến khích ở các thể loại báo in, báo điện tử, truyền hình và phát thanh.

Ông Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội nhà báo Việt Nam cho biết, Giải báo chí này trực tiếp phục vụ công cuộc phòng chống tham nhũng lãng phí theo tinh thần của Nghị quyết T.Ư 4 khóa 11 và Nghị quyết T.Ư 4 khóa 12 về chống suy thoái tư tưởng đạo đức chính trị, lối sống, chống tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ, trong đó công tác phòng chống lãng phí là nhiệm vụ trọng tâm và hết sức khó khăn. Từ đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, động viên các tầng lớp nhân dân tích cực phòng chống tham nhũng, lãng phí.

Theo ông Lợi, báo chí đấu tranh chống tham nhũng nhận được sự khích lệ của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, được sự ủng hộ của các tầng lớp nhân dân, được sự bảo vệ của đồng chí, đồng nghiệp, của các cơ quan bảo vệ pháp luật.

“Nếu không có như thế, chúng ta không thể nào dấn thân vào được. Tôi từng làm lãnh đạo báo, tôi biết khi phân công anh em đi làm việc gì đó phức tạp thì “người lính” đi ra mặt trận phải cảm thấy được phía sau lưng có thủ trưởng, đồng đội, đồng nghiệp làm chỗ dựa mới tiến lên phía trước được”, ông Lợi nói.

Theo ông Lợi, nhiều cơ quan báo chí khi quyết định tham gia một vụ việc nào đó đều xác định như một trận đánh thực sự và tổ chức rất bài bản. “Không để cho người làm báo đơn thương độc mã, chịu rất nhiều hiểm nguy mà không có hình thức bảo vệ. Nói về tổng thể, các nhà báo của chúng ta không cô đơn”, ông Lợi nói thêm.

Phó Chủ tịch Thường trực Hội nhà báo Việt Nam cũng cho biết, hội có trách nhiệm thiêng liêng là bảo vệ quyền làm nghề hợp pháp và bảo vệ các quyền lợi chính đáng của hội viên.

“Thời gian vừa qua, khi chúng tôi thấy có các vụ việc vi phạm quyền làm nghề của hội viên, kể cả việc ngăn cản, gây khó khăn, phá hủy các phương tiện làm nghề, đe dọa, hành hung, thậm chí truy sát thì hội đều kịp thời lên tiếng. Hội có hệ thống từ T.Ư đến cơ sở để giao nhiệm vụ cho các cấp hội trực tiếp bảo vệ hội viên của mình. Hội cũng có sự can thiệp với các cơ quan bảo vệ pháp luật, có khi làm việc trực tiếp, có khi gửi công văn, có khi mời họ đến làm việc. Chúng tôi đã làm liên tục trong thời gian vừa qua, một số vụ việc cũng đang được giải quyết”, ông Lợi nói.

Theo ông Lợi, vụ việc rõ ràng, hiệu quả nhất thời gian gần đây là vụ Phó Trưởng Ban Thời sự của Đài Phát thanh truyền hình tỉnh Thái Nguyên bị truy sát, chém 8 vết trên lưng.

“Sau khi chúng tôi phát hiện, đã lập tức can thiệp và địa phương làm rất quyết liệt, đã bắt giam hung thủ, đưa ra xét xử, phạt tù. Lần đầu tiên có một vụ hành hung nhà báo bị đưa ra xét xử công khai và phạt tù. Một số vụ việc nữa Hội cũng kịp thời can thiệp, có những vụ việc đã có kết quả, có những vụ việc đang tiếp tục thực hiện”, ông Lợi khẳng định.

MỚI - NÓNG