Báo chí “phò chính, trừ tà” chứ không phải “đánh đấm”

Quang cảnh buổi toạ đàm chiều 6/1
Quang cảnh buổi toạ đàm chiều 6/1
TPO - Theo Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư Võ Văn Thưởng, cần làm báo với tư tưởng “phò chính, trừ tà” chứ không phải “đánh đấm”. 

Chiều 6/1, Ban Tuyên giáo Trung ương (T.Ư) phối hợp với T.Ư MTTQ Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Toạ đàm “Phát huy vai trò báo chí trong đấu tranh chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống”. 

Tại buổi toạ đàm, Phó Tổng biên tập báo Tiền Phong Phùng Sưởng đã đề cập đến một số khó khăn của báo chí trong quá trình đấu tranh chống suy thoái, tiêu cực, tham nhũng. Đáng lưu ý là tình trạng người dân, doanh nghiệp ngày càng có tư tưởng chịu đựng, chấp nhận các chi phí phi chính thức trong giải quyết công việc có liên quan đến chính quyền.

Cùng với đó, báo chí gặp khó khăn do cơ chế công khai minh bạch còn hạn chế. Dù Chính phủ đã có quy định về cơ chế phát ngôn và trả lời báo chí, nhưng nhiều nơi vẫn còn né tránh, đùn đẩy. Ông Sưởng dẫn dụ, trong vụ Trịnh Xuân Thanh, ngay sau khi báo chí phản ánh, Tổng Bí thư có chỉ đạo, nhiều cơ quan báo chí đã đề nghị một số cơ quan chức năng, trong đó có Bộ Nội vụ cần cho biết rõ quy trình bổ nhiệm, luân chuyển ra sao, nhưng lại không được đáp ứng. Bộ Nội vụ cũng không tổ chức họp báo để cung cấp thông tin khách quan, đa chiều về vụ việc này.

“Việc né tránh trả lời báo chí không chỉ dẫn đến tình trạng một nửa sự thật không phải là sự thật mà còn khiến báo chí chùn tay, chán nản trong việc theo đuổi, đi tới cùng vụ việc”, ông Sưởng nhấn mạnh, đồng thời kiến nghị có cơ chế rõ ràng về trách nhiệm của các bộ ngành, chính quyền các cấp trong việc trả lời báo chí về các vụ việc nóng không quá 3 – 5 ngày. Hay khi sửa luật Phòng chống tham nhũng, cần mở rộng hình thức công khai bảng kê khai tài sản để báo chí và nhân dân giám sát.

Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư Võ Văn Thưởng cho rằng, công cuộc đấu tranh ngăn chặn suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống là nhiệm vụ rất quan trọng, góp phần xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh. Với tư tưởng “phò chính, trừ tà”, thời gian qua báo chí đã phát hiện ra những hành vi tiêu cực, nhiều vụ án tham ô, tham nhũng được báo chí phát hiện, phản ánh.

Trong thời gian qua, nhiều vụ việc như vụ Trịnh Xuân Thanh, quán cà phê Xin Chào, vụ bổ nhiệm Vũ Minh Hoàng… được báo chí phản ánh, ngay sau đó các cơ quan chức năng đã vào cuộc. 

Tuy nhiên, theo ông Võ Văn Thưởng, bên cạnh những kết quả đạt được, báo chí vẫn còn những tồn tại, hạn chế, nhất là chưa có sự hài hoà giữa thông tin tốt, xấu. Độ dũng cảm, kiên định của người làm báo còn bị lung lay, thậm chí bị mua chuộc. Ông nhấn mạnh, cần làm báo với tư tưởng “phò chính, trừ tà” chứ không phải tư tưởng “đánh đấm”. Theo ông Thưởng, vụ nước mắm vừa qua làm rùm beng cả xã hội, ai cũng thấy, nhưng xét về giá trị tiền bạc xung quanh vụ đó chắc còn nhỏ hơn nhiều vụ chưa lộ ra.

Trong nhiều nguyên nhân, theo ông Thưởng còn có lý do “cơm áo, gạo tiền”, khiến nhiều tờ báo không giữ nổi mình, nhiều khi phải “nói theo” thế lực này, thế lực khác.

Ông Võ Văn Thưởng mong muốn các cơ quan báo chí làm tốt hơn nữa, phát huy hơn nữa vai trò trong đấu tranh chống suy thoái đạo đức, lối sống, khắc phục hạn chế, suy thoái trong chính nội bộ của mình, đặc biệt cần dũng cảm, kiên định để không bị mua chuộc.

MỚI - NÓNG