Báo chí Thuỵ Sĩ ca ngợi Việt Nam xóa đói giảm nghèo

Báo chí Thuỵ Sĩ ca ngợi Việt Nam xóa đói giảm nghèo
"Báo Duy-rích Mới" ngày 4/4 đã đăng bài ca ngợi thành tích xoá đói giảm nghèo và phát triển công, nông nghiệp của Việt Nam.

Bài báo viết: "Các nước viện trợ, các tổ chức cứu trợ và các tổ chức tài chính như Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đều nhất trí rằng Việt Nam xứng đáng được công nhận đã thực hiện tốt công tác xoá đói giảm nghèo và phòng, chống dịch bệnh.

Năm 1990, 70% dân số nước này còn bị liệt vào diện nghèo, nhưng chỉ trong 15 năm, tỷ lệ này đã giảm xuống 28%, mặc dù trong thời gian này, dân số tăng từ 66 triệu lên 82 triệu người.

Việt Nam cũng được coi là mẫu mực trong việc đấu tranh chống các dịch bệnh như dịch cúm gia cầm. Việt Nam đã thực hiện chính sách thông tin cởi mở trong việc chống dịch cúm gia cầm lan rộng và giành được lòng tin của quốc tế.

Việt Nam làm chủ được sự gia tăng dân số với tỷ lệ sinh 1,34 %. Điều này có tác động tích cực tới thu nhập bình quân đầu người. Trên thực tế ở Việt Nam bây giờ không ai bị đói và những chuyển biến tích cực về kinh tế đã có các tác động sâu rộng.

Thành công của Việt Nam trong việc xoá đói giảm nghèo một phần cũng là nhờ khuyến khích phát triển nông, lâm, ngư nghiệp, góp phần làm hạn chế xu hướng di dân từ nông thôn ra thành phố, điều đang diễn ra phổ biến ở những nước đang phát triển.

Những nhân tố tích cực khác nữa là sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng và có nhiều doanh nghiệp mới được thành lập. Theo những con số chính thức được công bố, từ tháng 1 - 10/2004 đã có 27.000 doanh nghiệp được thành lập, tăng 24 % so với năm trước đó.

Trong năm 2004, sự tăng trưởng kinh tế của Việt Nam được đẩy nhanh từ 7,2 % lên 7,7%, đạt giá trị tổng sản phẩm trong nước (GDP) là 45,2 tỉ USD, mức tăng nhanh thứ hai ở châu Á, chỉ sau Trung Quốc, làm tăng gấp đôi GDP.

Năm 2004, đầu tư nước ngoài trực tiếp vào Việt Nam cũng tăng 28 % lên 4 tỉ USD. Xuất khẩu tăng 28 % lên 25 tỷ USD, trong đó những sản phẩm dệt may, hải sản, cà phê, hàng điện tử và đồ gỗ gia dụng là những mặt hàng chủ yếu, riêng dệt may là mặt hàng quan trọng nhất với kim ngạch xuất khẩu 4 tỷ USD".

Bài báo kết luận bằng nhận định Việt Nam đang cố gắng phấn đấu để gia nhập WTO vào năm tới, góp phần thúc đẩy việc mở cửa kinh tế của đất nước. Quyết tâm của Chính phủ Việt Nam đưa đất nước trở thành một quốc gia công nghiệp vào năm 2020 cho thấy Việt Nam hết sức tự tin vào sự phát triển của đất nước kể từ khi thực hiện chính sách đổi mới từ năm 1986.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.