'Bao công' làng

'Bao công' làng
TP - Nói không quá, làng này dễ xảy ra không ít án mạng, hàng xóm từ mặt nhau và rừng cũng chỉ còn trơ gốc nếu không có một “Bao công” sống luôn đứng ra phân xử, dàn xếp ổn thỏa. Ông là Nguyễn Hồng Danh, 60 tuổi, trưởng thôn Trung Lương (xã Tam Mỹ Tây, huyện Núi Thành, Quảng Nam).
Ông Danh (đội mũ, bên trái) và Đội Bảo vệ rừng trong một lần tuần tra
Ông Danh (đội mũ, bên trái) và Đội Bảo vệ rừng trong một lần tuần tra.

Hỏi đường đến nhà ông, đám con nít gặng lại: Ông Danh ạ, ông Danh “Bao công” chứ gì? Rồi mấy cụ già bên đường cứ thế kể luôn với giọng rặt Quảng Nam: Dân thôn ni cần chi ra tòa, cứ biên đơn gởi đến nhà trưởng thôn, sớm thì ngay trong ngày, muộn thì năm bảy ngày sau, thể nào ông cũng mời tới phân xử, mà toàn xử hay mới kinh!”.

Nhẹ dùng tình, nặng dùng mưu

Ông Danh nước da ngăm, nụ cười hiền. Bàn làm việc của ông chất đầy bằng khen và đơn khiếu kiện. Ông kể: “Làm trưởng thôn, cứ hễ dân có việc là họ lôi mình tới đầu tiên, một mực bắt mình phải phân rõ trắng đen dù chỉ là mất con gà, hay mấy ông say rượu đánh nhau. Tui chẳng có bằng cấp hiểu biết chi nhiều, chỉ dùng cái tình mà dàn xếp, dân họ nghe, về sau mấy vụ việc lớn hơn như tranh chấp, kiện tụng, họ lại làm đơn gởi lên, mỗi năm bốn năm chục cái. Họ đã tin tưởng thì mình phải có trách nhiệm giải quyết thôi”.

 Ông Út Danh đó bằng cấp thì ít mà Bằng khen thì nhiều. Cả chính quyền và dân làng đều phải phục ông cái cách xử án thông minh, mưu mẹo, vừa hợp tình hợp lý. Làng ấy giờ ít chặt phá rừng, thanh niên bớt đánh lộn, cờ bạc mà chăm chỉ làm ăn phần nhiều cũng nhờ mẹo của ông ấy

Ông Trần Văn Vũ, Chủ tịch UBND xã Tam Mỹ Tây, huyện Núi Thành, Quảng Nam

Để khỏi mất lòng dân và giữ tình làng lối xóm, trước mỗi vụ kiện ông đều lấy chữ tình ra để giải quyết. Năm trước, cả làng bức xúc vì 9 hộ dân lấn rừng tập thể của Hội Tương tế. Ông đau đầu không biết tìm cách nào để gỡ, vì việc lấn rừng tập thể không phải chuyện nhỏ. Đưa xuống huyện thì sợ ảnh hưởng đến bộ mặt thôn, ảnh hưởng đến cả 9 hộ kia nữa. Vậy là ông đi đến từng nhà, mời họ lên hội trường thôn nói chuyện.

“Nếu không trả, thì tất cả dân trong thôn này đều đòi chia rừng, dù mỗi người chỉ được 1 m. Sau này, những cụ già trong Hội đổ bệnh, hay qua đời, lấy tiền đâu lo thăm hỏi và hậu sự? Trong số đó có người thân của 9 hộ đây? Chút vốn liếng tình cảm của tập thể, không lẽ mọi người định giật bỏ túi riêng?”. Nghe trưởng thôn phân tích vậy, cả 9 hộ dân lặng lẽ gật đầu ra về.

Trưa nắng, hai nhà sát vách tay dao tay rựa, mặt đằng đằng sát khí chỉ chực một bên xông vào là sẵn sàng chém nhau vì tranh một cái bờ rào rộng hơn 1m. Ông bình tĩnh đến nơi “ra uy”, hạ lệnh bỏ hung khí xuống, bắt vào lập biên bản. Thấy hai bên bớt căng thẳng, ông gọi thêm mấy người dân đo đạc bờ rào rồi phân đôi, đóng cọc vào giữa.

“Giờ đất ở rừng ở núi cả, hai anh có mời địa chính lên đây thì họ cũng báo qua thôn, mất thời gian, tiền bạc để đo đạc, làm sổ sách. Cả hai đều không có căn cứ đâu là đất mình, thôi thì dãy cọc tôi đóng kia đã chia đôi cái bờ rào, mỗi bên một nửa. Nhà sát vách nhau cả, chừng đó đất đáng gì mà không nhìn mặt nhau. Mỗi bên chịu thiệt một chút để khi tối lửa tắt đèn còn giúp nhau chứ”.

Nghe ông nói xong, cả hai cùng ký vào biên bản, rồi bắt tay giảng hòa. “Với những vụ nhạy cảm như thế, hễ mình làm căng là họ cũng căng. Dân quê nóng nhưng được cái hiền tính, dễ nghe, biết vậy nên lúc nào tui cũng đem chữ tình ra… dọa”, ông nói thêm.

Nhưng cũng có lúc, “Bao công” làng phải dùng mưu, quyết làm cho ra ngô ra khoai để người dân nhìn vào làm gương. Đó là một ngày cuối tháng 6, ông Trần H. và ông Lê T. tranh nhau miếng đất trồng keo, tìm người chứng thực không có do keo đã bị chặt.

Ông T. khai mới bán keo năm trước, dãy keo bán đi chính là ranh giới của 2 miếng đất, còn ông H. cứ khăng khăng là đất mình. Đợi hai bên trình bày xong, ông “đuổi” cả hai về. Rồi cả buổi trưa ông hì hục đào đất, phát hiện ra gốc keo, đào thẳng hàng, đúng thật là dãy keo của nhà ông T. bán năm trước.

Đã có cơ sở, ông lấp lại, hỏi ông H. lần nữa, nhưng ông vẫn giành đất ấy của mình. Ông liền đào lên, chỉ vào dãy gốc ấy để chứng minh là đất ông T. Ông H. cúi mặt bẽn lẽn ra về.

Chỉ mất lòng… người nhà

Thấy ông tuổi đã cao, lại mang vết thương lớn ở bàn chân từ chiến trường trở về, nhưng suốt ngày cứ đi “vác tù và hàng tổng”, ôm rắc rối vào mình, đôi lúc con cái, anh em họ hàng cũng không vừa ý.

Ông chỉ cười xòa mà dẫn rằng: “Những đứa hư thì phải làm sao cho dạ (phục). Thấy cái xấu mà để mặc hóa ra bao che cái ác à. Không dưng mà mình đi đâu cũng được người ta quý mến, tin tưởng mà nhờ giải quyết”.

Ông Danh vẫn thường được mọi người gọi bằng cái tên trìu mến “Bao công” của làng
Ông Danh vẫn thường được mọi người gọi bằng cái tên trìu mến “Bao công” của làng.

Nhưng khổ nhất là mỗi lần giải quyết các vụ việc có liên quan người ruột thịt, ông toàn bị mất lòng vì không chịu bênh vực người nhà mình.

Chuyện cô em vợ có cậu con trai 23 tuổi yêu cô bé nhà bên chưa đầy 16 tuổi làm ông đau đầu cả tháng trời. Cháu mình rõ là sai khi hẹn hò, dụ dỗ con người ta đi chơi, thậm chí về ngủ cùng nhưng cô em vợ một mực chửi là do con bé dụ dỗ, xúc phạm đến nhà mình. Khuyên không được, ông nghĩ kế đánh lừa em vợ là nhà người ta vác đơn kiện xuống tòa án.

“Tui khuyên mà cô không nghe, giờ họ chuẩn bị thưa kiện, con cô sẽ dính tội dụ dỗ trẻ vị thành niên, biết đường thì qua xin lỗi nhà họ một tiếng, con mình đã sai rành rành còn cãi cố”. Nghe vậy, sợ con đi tù, cô em vợ liền dịu giọng qua thưa chuyện với nhà cô bé, nhận lỗi do con mình. Hai nhà từ đấy bớt căng thẳng hơn.

Phải mất một thời gian bà chị họ mới hết giận ông vì cái tội không chịu nhân nhượng cho người nhà. Chả là nhà chị ở sát mép của sân vận động, muốn mở thêm diện tích cổng để xe lui tới cho tiện nhưng ông nhất quyết không chịu.

Diện tích “lấn” chẳng đáng là bao nhưng không thể bao che kiểu đó được, sau này mình nói thì còn ai nghe. Khuyên can không được ông đành dọa mang trình chính quyền thì bà chị họ hậm hực tháo dỡ cột, trả lại đất cộng đồng.

Một mực giữ rừng

Tận tụy với công việc, lấy sự ôn hòa của thôn xóm làm niềm vui cho mình, nhưng cũng không ít lần ông phải đối đầu với nguy hiểm. Bà Phan Thị Nhật, vợ ông kể, một bữa tụi thanh niên đánh lộn, một đứa đòi cắt gân tay, hễ ai vào can là chém. Cả thôn ráo riết gọi ông, bỏ đi không được, xông vào không xong, ông phải đứng nài nỉ, khuyên cả giờ đồng hồ như cha mẹ nó. Thế rồi nó quẳng dao trốn vào rừng, ổng lại cùng dân đi lùng từng bụi cây đưa nó ra băng bó vết thương. Ổng sợ nó chết tội.

Cũng cách đây vài năm, trong thôn có 6 thanh niên quậy phá, trộm cắp, dân bất bình. Ông đến từng nhà, gọi lên hội trường thôn hết lời răn dạy, chỉ bảo nhưng không xong. Về nghĩ mãi, chỉ còn cách xé nhỏ chúng ra mới được. Vậy là ông cơ cấu với Ủy ban xã rút 3 thanh niên đi bộ đội. Sau một thời gian trở về, có anh lính tới nhà cảm ơn ông mà trần tình “Cháu nói thật, hồi đó bị chú gọi miết, cháu định chém chú mấy lần!”.

Ông bị “ghét” nhiều hơn từ khi làm Tổ trưởng Bảo vệ rừng, làm bạn với kiểm lâm. Tình nguyện bỏ thời gian, công sức để giữ rừng nhưng hay bị lâm tặc ghét vì là…bạn với kiểm lâm. Cứ thấy ông khoác áo đi là dưới này điện cho lũ lâm tặc trên kia chạy trốn. Có đợt, lâm tặc kéo cả tốp về nhà ông chửi bới, trách ông người cùng thôn cùng xã mà “triệt đường sống” của nhau.

Ông bình thản: “Mấy anh nói chi tui cũng chịu, trách nhiệm tui phải làm. Rừng được mấy cây mà ngày nào các anh cũng đốn? Mai mốt lũ quét về, cả làng này trôi thì cha mẹ, vợ con các anh cũng là người phải gánh chứ đâu!”.

Lâm tặc quyết báo thù ông bằng cách phá rừng keo gần tới tuổi thu hoạch. Ông liền oang oang tung tin đồn: “May nhờ lâm tặc tự nhiên phá rừng keo của mình, mình về báo xã, xã đền cho chục triệu, lời quá!”. Tiền thì chả có cắc nào nhưng cái được là từ đó tụi lâm tặc không còn đến phá keo của ông nữa, còn ông và đội bảo vệ rừng vẫn hiên ngang tuần tra bảo vệ rừng.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.