Bảo đảm chủ quyền quốc gia, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ

Quốc hội đã thông qua dự thảo Luật Đo đạc và bản đồ. Ảnh Như Ý
Quốc hội đã thông qua dự thảo Luật Đo đạc và bản đồ. Ảnh Như Ý
TPO - Chiều 14/6, Với đa số đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua dự thảo Luật Đo đạc và bản đồ. Luật này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2019.

Báo cáo giải trình tiếp thu dự thảo liên quan đến đo đạc và bản đồ quốc phòng, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho biết, có ý kiến ĐBQH đề nghị chuyển nhiệm vụ xây dựng, cập nhật cơ sở dữ liệu địa hình đáy biển tỷ lệ 1:10.000 và nhỏ hơn về nhiệm vụ của Bộ Quốc phòng; bổ sung vào Điều 16 quy định Bộ Quốc phòng chịu trách nhiệm xây dựng, cập nhật dữ liệu bản đồ địa hình quốc gia trên đất liền tỉ lệ trung bình và nhỏ hơn; chỉnh sửa điểm đ Khoản 1 Điều 24 thành “Các hoạt động đo đạc và bản đồ (ĐĐ&BĐ) khác kết hợp nhiệm vụ quốc phòng và kinh tế ”.

Về các vấn đề trên, UBTVQH cho rằng, việc xây dựng, cập nhật cơ sở dữ liệu địa hình đáy biển tỷ lệ 1:10.000 và nhỏ hơn; xây dựng, cập nhật dữ liệu bản đồ địa hình quốc gia trên đất liền tỉ lệ trung bình và nhỏ hơn là hoạt động ĐĐ&BĐ cơ bản đã được Chính phủ giao Bộ TN&MT thực hiện tại điểm b khoản 12 Điều 2 Nghị định 36/2017/NĐ-CP về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ TN&MT. Đối với Bộ Quốc phòng, trách nhiệm quản lý nhà nước về ĐĐ&BĐ được quy định tại khoản 3 Điều 57 Dự thảo Luật.

Theo đó, Bộ Quốc phòng sẽ thực hiện các nhiệm vụ ĐĐ&BĐ khác do Chính phủ giao quy định tại điểm e khoản 3, trong đó có hoạt động ĐĐ&BĐ kết hợp nhiệm vụ quốc phòng và kinh tế. Do vậy, UBTVQH đề nghị cho giữ các quy định tại Điều 16, Điều 24 và Điều 27 như Dự thảo Luật.

Có ý kiến ĐBQH cho rằng việc thể hiện nội dung tại các Khoản 4, Khoản 5 và Khoản 6 Điều 27 về đo đạc, thành lập hải đồ là không rõ ràng, thống nhất và đồng bộ giữa các khoản trong một điều. Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy ý kiến trên là xác đáng, đã chỉ đạo nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý và thể hiện lại như trong Dự thảo Luật.

Cũng có ý kiến đề nghị bổ sung bản đồ hành chính đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt vào Khoản 1 Điều 26. Về việc này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt là đơn vị hành chính tương đương cấp huyện trực thuộc cấp tỉnh; việc thành lập bản đồ hành chính đối với đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt tương tự như thành lập bản đồ hành chính cấp huyện. Do vậy, không bổ sung quy định thành lập bản đồ hành chính đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt vào trong Dự thảo Luật.

Có ý kiến ĐBQH đề nghị bổ sung một số vấn đề về nguyên tắc trong hoạt động ĐĐ&BĐ (Điều 4) như: bảo đảm toàn vẹn lãnh thổ trên đất liền, trên không và trên biển; đảm bảo bí mật nhà nước.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Khoản 1 Điều 4 Dự thảo Luật đã quy định bảo đảm chủ quyền quốc gia, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ đúng như Điều 1 Hiến pháp năm 2013.

Mặt khác, hoạt động ĐĐ&BĐ ngoài việc phải tuân theo các quy định của Luật này, còn phải tuân thủ các pháp luật có liên quan trong đó có pháp luật về bí mật nhà nước và đã được quy định cụ thể tại Khoản 2 Điều 41 của Dự thảo Luật. Do đó, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xin phép không bổ sung các vấn đề nêu trên vào Điều 4 Dự thảo Luật.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch Hà Nội Trần Sỹ Thanh chỉ đạo giải quyết kiến nghị về sổ đỏ của 500 hộ dân Sóc Sơn
Chủ tịch Hà Nội Trần Sỹ Thanh chỉ đạo giải quyết kiến nghị về sổ đỏ của 500 hộ dân Sóc Sơn
TPO - Về việc 500 hộ gia đình có nhu cầu cấp chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng nhiều năm chưa thể thực hiện do vướng điều chỉnh quy hoạch Sân bay Nội Bài, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh yêu cầu các cơ quan liên quan rà soát lại các quy định, sớm giải quyết theo hướng đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân.