Nghị quyết số 28-NQ/TW:

Bảo đảm quyền được an sinh xã hội của mỗi công dân

Đoàn công tác của Thủ tướng do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng dẫn đầu thăm và làm việc với BHXH Việt Nam tháng 10/2018. Ảnh: Phạm Thanh.
Đoàn công tác của Thủ tướng do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng dẫn đầu thăm và làm việc với BHXH Việt Nam tháng 10/2018. Ảnh: Phạm Thanh.
TP - Trong năm 2018, một trong những sự kiện nổi bật của lĩnh vực bảo hiểm xã hội (BHXH) được ghi dấu khi Ban Chấp hành Trung ương ban hành Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 về Cải cách chính sách BHXH. Bên thềm Xuân mới Kỷ Hợi – 2019, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Tiền Phong về nội dung này.

Hướng tới mọi người đều có lương hưu

PV - Xin ông cho biết, Nghị quyết 28 sẽ tạo ra những đột phá gì cho lĩnh vực BHXH thời gian tới? Đặc biệt với các quyền lợi người lao động có thể được hưởng?

Ông Đào Việt Ánh: Ngay khi vừa ban hành, Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã được các chuyên gia trong và ngoài nước đánh giá là có những nội dung cải cách chính sách BHXH tiến bộ, tiệm cận với các tiêu chuẩn về an sinh xã hội trong các Công ước và Khuyến nghị của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO). Với việc hoàn thiện chính sách BHXH theo định hướng cải cách tại Nghị quyết 28, chúng ta tin tưởng rằng sẽ tạo ra những đột phá mới, quyền lợi của người tham gia BHXH sẽ ngày càng được bảo đảm tốt hơn, cụ thể:

Một là, cải cách chính sách BHXH hướng đến bao phủ toàn dân được nhìn nhận toàn diện từ yếu tố đầu vào đến các yếu tố đầu ra. Đó là việc hoàn thành tỷ lệ bao phủ tham gia BHXH so với lực lượng lao động trong độ tuổi (35% năm 2021; 45% năm 2025; 60% năm 2030) và số người sau độ tuổi hưởng lương hưu được hưởng lương hưu (45%; 55%; 60%).

Hai là, Cải cách chính sách BHXH không chỉ quan tâm đến lao động khu vực chính thức mà còn đặc biệt chú trọng đến lao động là nông dân, lao động khu vực phi chính thức – đây là khoảng trống vẫn chưa được quan tâm triệt để trong những lần thiết kế chính sách trước đây.

Ba là, Cải cách chính sách BHXH không chỉ quan tâm đến chính sách mà còn chú trọng cả đến quá trình tổ chức thực hiện thông qua nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ, hướng tới sự hài lòng của người tham gia BHXH đạt 80% năm 2021; 85% năm 2025 và 90% năm 2030.

Bốn là, Lần đầu tiên, chúng ta coi phạm vi BHXH không chỉ bao gồm những quan hệ đóng hưởng trực tiếp vào quỹ BHXH, mà còn bao gồm cả những quan hệ đóng hưởng gián tiếp vào ngân sách nhà nước. Theo đó, hệ thống BHXH đa tầng, ngân sách nhà nước cung cấp một khoản trợ cấp cho người cao tuổi không có lương hưu, hoặc BHXH hàng tháng. Bên cạnh đó, nhà nước còn có chính sách huy động các nguồn lực xã hội đóng thêm để các đối tượng này có mức hưởng cao hơn; điều chỉnh giảm dần độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội phù hợp với khả năng của ngân sách. Điều này hướng tới tất cả người hết tuổi lao động trong xã hội đều có lương hưu. 

Năm là, Linh hoạt điều kiện tham gia BHXH để hưởng chế độ. Trước đây chúng ta khẳng định tối thiểu phải 20 năm đóng BHXH, người lao động mới có cơ hội được hưởng lương hưu. Chính quy định thời gian dài như vậy dẫn đến rất nhiều lao động khu vực trí thức, nông dân khó có điều kiện tham gia để được hưởng lương hưu. Lần này Trung ương đã đưa ra chủ trương rất lớn sẽ có lộ trình giảm dần từ 20 năm xuống còn 15 năm, thậm chí tiến tới còn 10 năm để bảo đảm người dân có lương hưu để bảo đảm cuộc sống tuổi già.

PV - Với Nghị quyết 28, theo ông, đâu là những thuận lợi và thách thức với ngành trong các năm tiếp theo?

Ông Đào Việt Ánh: Nghị quyết 28 với 11 nội dung cải cách, là định hướng toàn diện cho quá trình xây dựng chính sách, pháp luật BHXH và 5 nhóm giải pháp chỉ đạo tổ chức thực hiện. Qua đó từng bước đạt được các mục tiêu cho từng giai đoạn – Đây là những thuận lợi hết sức cơ bản cho việc hoàn thiện chính sách và tổ chức thực hiện trong thời gian tới. Với những mục tiêu phát triển đã được quán triệt thực hiện trong Nghị quyết 28, như tỷ lệ mở rộng diện bao phủ BHXH, tỷ lệ tham gia BHXH tự nguyện, BH thất nghiệp… – Đây là những thách thức vô cùng lớn khi việc mở rộng bao phủ BHXH còn rất nhiều khó khăn.

Bảo đảm quyền được an sinh xã hội của mỗi công dân ảnh 1 Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh.
Xây dựng BHXH đa tầng
PV - Định hướng của Nghị quyết 28 là phát triển BHXH đa tầng, ông có thể nói rõ hơn về định hướng và thay đổi này so với hiện nay? Đặc biệt trong bảo đảm quyền lợi cho người tham gia BHXH?Ông Đào Việt Ánh: Nghị quyết 28 đặt ra mục tiêu thiết kế chính sách BHXH theo hướng đa tầng, với mục tiêu các tầng chính sách sẽ hỗ trợ và bổ sung cho nhau để bảo đảm an sinh cho mọi người dân. Điều này xuất phát từ thực tế thời gian qua, giữa các chính sách xã hội thiếu sự liên kết, dẫn đến vẫn còn có khoảng 5 triệu người cao tuổi (hơn 60 và dưới 80 mà không thuộc hộ nghèo; không bị khuyết tật) chưa được hưởng trợ cấp hàng tháng, tuổi già gặp rất nhiều khó khăn. Rất nhiều quốc gia trên thế giới đã xác định trợ cấp tuổi già (Việt Nam đang áp dụng với người trên 80 tuổi) là tầng lương hưu xã hội trong hệ thống BHXH đa tầng. 

Trong cải cách chính sách BHXH lần này, hệ thống BHXH đa tầng được xác định. Cụ thể, tầng đầu tiên là trợ cấp hưu trí xã hội, ngân sách nhà nước sẽ cung cấp một khoản bảo đảm về thu nhập cho người cao tuổi không có lương hưu, hoặc BHXH hàng tháng. Tầng tiếp theo là BHXH cơ bản, gồm BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện. Tầng cuối là bảo hiểm hưu trí bổ sung, hay chế độ hưu trí tự nguyện theo nguyên tắc thị trường, tạo điều kiện cho người sử dụng lao động và người lao động có thêm lựa chọn tham gia đóng góp để được hưởng mức lương hưu cao hơn. Thực hiện hệ thống BHXH đa tầng sẽ giúp người dân tiếp cận chính sách BHXH một cách toàn diện, đầy đủ các chế độ và tiến tới mọi người cao tuổi đều có lương hưu.
 
PV - Trong năm mới 2019, BHXH Việt Nam sẽ có những định hướng quan trọng nào để ngành phát triển vững mạnh hơn, quyền lợi người tham gia BHXH đảm bảo hơn, thưa ông?

Ông Đào Việt Ánh: Năm mới 2019, BHXH Việt Nam xác định là năm bản lề để triển khai các nhiệm vụ đã được đặt ra tại Nghị quyết 28. Trong đó đặc biệt quan tâm việc hoàn thành các chỉ tiêu bao phủ BHXH, BHYT. Vì vậy, Ngành sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm nhằm phát triển vững chắc hệ thống BHXH, BHYT, bảo đảm ngày càng tốt hơn quyền được an sinh xã hội của mỗi công dân, như: 

Xác định cụ thể nhiệm vụ, chỉ tiêu, biện pháp thực hiện phù hợp, chỉ đạo BHXH các tỉnh thành tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết 21-NQ/TW của Bộ Chính trị. Đặc biệt, tích cực tham mưu để cụ thể hóa quan điểm, mục tiêu phát triển BHXH tại Nghị quyết 28 phù hợp với thực tế tại địa bàn. Triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết 102/NQ-CP ngày 03/8/2018 của Chính phủ về việc giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH. 

Công tác truyền thông tiếp tục phải được đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác truyền thông BHXH, BHYT phù hợp với tình hình mới. Hướng tới mục tiêu an sinh bền vững, cần truyền thông để người lao động nhận thức rõ lợi ích của việc tham gia BHXH dài lâu, hạn chế BHXH một lần… Cùng với đó, thực hiện công tác mang tính thường xuyên như thu đúng, thu đủ, thanh, kiểm tra, giảm nợ đọng; từng cán bộ cơ quan BHXH cơ sở phải nêu cao tinh thần trách nhiệm phục vụ, nâng cao sự hài lòng của người dân. Phải nhận thức rõ, ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa nhưng yếu tố con người vẫn đóng vai trò quyết định; từng bước, từng ngày tạo và nâng cao niềm tin về cơ quan BHXH cũng như chính sách, pháp luật BHXH của Đảng, Nhà nước vì mục tiêu bảo đảm An sinh xã hội bền vững.

PV - Xin cảm ơn ông!

Theo BHXH Việt Nam, tính hết năm 2018, cả nước có trên 14,7 triệu người tham gia BHXH; trên 83,5 triệu người tham gia BHYT (đạt tỉ lệ bao phủ 88,5% dânsố)- vượt chỉ tiêu do Thủ tướng Chính phủ giao. Bên cạnh đó, đã giải quyết 122.843 hồ sơ hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hàng tháng; giải quyết cho 810.033 người hưởng trợ cấp một lần; hơn 9,75 triệu lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe; chi trả chi phí khám chữa bệnh BHYT cho hơn 177,6 triệu lượt người. 

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.