Bão đang tràn vào Vĩnh Long

Bão đang vào đồng bằng sông Cửu Long

Bão đang vào đồng bằng sông Cửu Long
TPO - Sau khi tàn phá đảo Phú Quý, sáng nay bão đã tràn vào BRVT, Bến Tre, Tiền Giang, Vĩnh Long... gây thiệt hại nặng nề. Đã có hàng chục người thiệt mạng, hàng trăm người bị thương và mất tích.

Toàn tỉnh Bến Tre, BRVT bị mất điện, hầu hết điện thoại cố định và di động đều tê liệt.

15h00 : Thông tin mới nhất của PV Tiền Phong tại ĐBSCL cho hay, hiện toàn tỉnh Bến Tre đã có ít nhất 16 người chết, 200 người bị thương. Mưa rất lớn với gió to đã làm sập hoàn toàn 4.000 căn nhà, tốc mái 26.000 nhà. Thiệt hại nặng nhất là huyện Bình Đại. Có 20 chiếc ghe chở mía đậu trên sông trước Nhà máy Đường Bến Tre cũng bị chìm.

14h30 :

Bà Rịa-Vũng Tàu : 14 người chết và 2 người mất tích, 67 người bị thương

Theo số liệu thống kê ban đầu của Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, toàn tỉnh đã có 14 người chết, 2 người mất tích và 67 người bị thương do bão số 9 (thành phố Vũng Tàu chết 5 người và mất tích 2 người, Đất Đỏ 4 người, Xuyên Mộc 1 người và huyện Long Điền 4 người; 687 ngôi nhà bị tốc mái).

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh cho biết có 7 ghe tàu đã chìm, (huyện Long Điền 4, thành phố Vũng Tàu 3). Tuy nhiên, theo Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, số thiệt hại còn lớn hơn rất nhiều.

Toàn tỉnh đã bị mất điện khi bão đổ bộ vào từ 11 giờ sáng 5/12, hệ thống thông tin liên lạc nhiều vùng bị mất, cây cối đổ ngổn ngang làm các tuyến đường đến thời điểm này vẫn bị ắch tắc.

Bến Tre: bão làm 61 người bị thương và 3.000 ngôi nhà bị hư hỏng

Từ 7h30 đến 9h ngày 5/12, bão số 9 đã đổ bộ vào tỉnh Bến Tre với sức gió mạnh cấp 7. Theo thống kê sơ bộ, toàn tỉnh đã có 61 người bị thương do cây đổ, tôn bay; trên 3.000 ngôi nhà bị đổ và tốc mái, trong đó huyện Bình Đại bị thiệt hại đến 90% số nhà dân. Toàn tỉnh bị mất điện, hệ thống liên lạc bằng điện thoại, điện thoại di động đều tê liệt. Riêng 2 huyện Giồng Trôm và Ba Tri bị mất liên lạc hoàn toàn, do các tuyến phà, đò ngang vì sóng to gió lớn không hoạt động được.

Được biết, tỉnh đang điều xe cứu thương từ huyện Châu Thành đến hỗ trợ huyện Bình Đại.

Tiền Giang : 7 người mất tích do bão số 9

Theo thông tin sơ bộ ban đầu trên địa bàn Tiền Giang đã có gần 500 căn nhà bị tốc mái, 29 căn nhà bị sập do bão số 9 gây nên. Đáng lưu ý có một tàu cá bị chìm và 7 người mất tích (5 người trên tàu cá và 2 người hành nghề đáy song cầu tại Vàm Láng thuộc Gò Công Đông).

Mặc dù nằm cách biển khoảng 60 cây số và chỉ bị gió bão ảnh hưởng trong chừng một giờ đồng hồ nhưng thành phố Mỹ Tho đã có 245 căn nhà bị tốc mái, 9 căn nhà bị sập, hàng chục cây cổ thụ tróc gốc.

Nặng nhất là tuyến đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa có 3 cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi bị tróc gốc. Trên đường Rạch Gầm, một cây me cổ thụ đổ, làm gãy một trụ điện. Trên đường Nguyễn Trãi, một cây xà cừ đổ làm hư nhẹ một nhà dân. Toàn bộ mạng lưới điện tại TP Mỹ Tho đã bị cắt. Thành phố mất điện suốt buổi sáng ngày 5/12.

Bão đang tràn vào Vĩnh Long

Từ sáng ngày 5/12, bão số 9 đã đổ bộ vào Vĩnh Long với gió mạnh dần lên cấp 6 cấp 7, vùng gần tâm bão cấp 8 cấp 9, giật trên cấp 9. Theo Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn địa phương, dự báo tối nay 5/12 tâm bão sẽ đi qua địa bàn tỉnh nên sẽ có mưa to đến rất to. Điều đang lo ngại là hiện nay đang vào thời điểm triều cường, nên khả năng sẽ gây ngập trên diện rộng.

Vào 10h30 sáng nay 5/12 gió bão mạnh dần lên, riêng vùng ven các sông lớn có gió giật rất mạnh, nhiều bè cá trên sông Tiền bị trôi dạt, nhiều nhà dân, trường học, cây cối ở các huyện Long Hồ, Vũng Liêm bị tốc mái, gãy đổ ngổn ngang. Hệ thống điện ở những khu vực này đã tạm thời bị cắt để đảm bảo an toàn.

Tỉnh đã thông báo cho phụ huynh đưa đón con em đang học ở các trường về sớm và tạm thời nghỉ học chiều nay. Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn của tỉnh đang kiểm tra các vùng, các điểm xung yếu trên sông Tiền từ thị xã Vĩnh Long đến Vũng Liêm. Huy động lực lượng Công an, Quân đội, y tế, thanh niên xung kích thường xuyên ứng trực để kịp thời cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống xấu xảy ra.

8h00 :

Giám đốc Trung tâm dự báo KTTV T.Ư Bùi Minh Tăng cho biết bão số 9 đã có những biến đổi liên tục trong chiều và tối qua. Bão đã không đi vào khu vực tỉnh Khánh Hòa và Bình Thuận, Ninh Thuận như dự báo trước đó mà trượt dọc theo ven biển đến tận sáng nay rồi mới tiến vào khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Theo Đài khí tượng thủy văn Nam bộ, từ sáng ngày 5/12, các tỉnh đồng bằng Nam bộ, gió sẽ mạnh dần lên cấp 6, cấp 7; vùng gần tâm bão cấp 8, cấp 9, giật trên cấp 9.

Từ sáng ngày 6/12, vùng biển Cà Mau đến Kiên Giang và vịnh Thái Lan gió bão sẽ mạnh dần lên cấp 8, giật trên cấp 8. Vùng ven các tỉnh từ Khánh Hòa đến Cà Mau cần đề phòng nước dâng do bão kết hợp với triều cường cao từ 3 – 4 m, sóng biển cao từ 5 – 7 m.

Hàng nghìn nhà bị sập đổ, hơn 1.000 tàu thuyền bị chìm

Đồng Tháp đã có mưa kèm theo gió mạnh đều khắp trong tỉnh

Đến 8 giờ sáng nay 5/12, thời tiết tại các địa phương trong tỉnh xấu , có mưa vừa , mưa to, kèm theo gió mạnh do ảnh hưởng của cơn báo số 9.

Tại thị xã Cao Lãnh có gió mạnh, mưa vừa và mưa to khắp nơi. Các lực lượng Công an, Quân đội , Bưu điện và nhiều cơ quan đóng trên địa bàn thị xã đã sẵn sàng phòng chống bão số 9. Lực lượng Công an tỉnh đã tổ chức chằng néo những trụ sở có mái nhà lợp tôn, lợp ngói, bảo vệ kho tàng vũ khí quân dụng.

Đối với lực lượng Công an đường thủy đã ra quân trên sông Tiền , sông Hậu kêu gọi nhân dân có thuyền bè áp sát vào bờ tránh bão và giúp dân neo buộc lồng bè nuôi cá trên sông.

Các nơi trong tỉnh đã sẵn sàng kiểm tra , gia cố bờ bao và chủ động bơm tiêu úng cho lúa Đông Xuân mới xuống giống, bảo vệ an toàn các bè nuôi trồng thủy sản trên sông rạch. Nhiều nơi đã bố trí đội cứu hộ thường trực tại những nơi xung yếu.

Hậu Giang, An Giang: Khẩn trương phòng chống bão

Hậu Giang: Theo dự báo vào lúc từ 13 giờ chiều nay, bão số 9 sẽ đi qua các huyện Châu Thành ,Châu Thành A , Thị xã Ngã Bảy , huyện Phụng Hiệp và Long Mỹ; nên từ sáng 5/12 , Ban chỉ huy PCLB tỉnh Hậu Giang phân công từng đồng chí chỉ huy trực tiếp xuống các địa phương chỉ đạo di dời khẩn cấp những hộ sống tạm bợ trên đồng.Cũng từ sáng ngày nay, tỉnh Hậu Giang đã cho toàn bộ học sinh nghỉ học trong 2 ngày 5 và 6/12

An Giang: đến nay, các địa phương trong tỉnh đã di dời 192 hộ vùng xung yếu về nơi an tòan, gia cố 827 căn nhà dân thuộc vùng thường bị lốc xóay, gió giật mạnh; di dời neo buộc chắc chắn 197 bè - ao cá.

Các huyện Tri Tôn, Châu Thành và Tân Châu đã tổ chức di dời hộ dân khu vực thường bị sạt lở ven sông, vùng thường bị trượt đất do lũ quét, các hộ dân sống trên ghe tàu, các nhà dân không đảm bảo an tòan... đến các chùa, trường học, trụ sở trung tâm văn hóa, UBND xã... để cho dân tạm lánh nạn; đồng thời tổ chức gia cố hàng trăm nhà dân chưa chắc chắn và hàng trăm ghe xuồng, cùng các đăng quầng , ao nuôi cá.

Tại cuộc họp giao ban qua cầu truyền hình của Ban chỉ đạo PCLB T.Ư sáng nay, 5/12, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng đã nghiêm khắc phê bình tỉnh Bình Thuận về việc không cử lãnh đạo tỉnh ra đảo Phú Quý để chỉ đạo đối phó và khắc phục ngay hậu quả của bão.

Trước đó, tại cuộc họp Ban chỉ đạo lúc 20h tối qua đại diện lực lượng bộ đội biên phòng đã có ý kiến đề nghị tăng cường lực lượng thêm cho đảo Phú Quý do lực lượng phòng chống bão tại đây còn ít. Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng đã có ý kiến chỉ đạo đưa thêm lực lượng từ đất liền để tăng cường cho địa phương.

Theo thống kê sơ bộ của Ban chỉ đạo PCLB T.Ư đến sáng nay bão số 9 đã gây nhiều thiệt hại cho các địa phương. Trong đó nặng nhất là khu vực đảo Phú Quý (tỉnh Bình Thuận) và tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu.

Ban chỉ huy PCLB tỉnh Bình Thuận cho biết cơn bão số 9 đã làm 2 người ở huyện Tuy Phong bị thiệt mạng do do bị sập nhà, 3 người khác bị thương. Sóng lớn đã đánh vỡ 70 chiếc tàu lớn và làm chìm 820 tàu nhỏ, trong đó có một chiếc của bộ đội biên phòng. 70% số lồng bè nuôi cá của dân bị sóng lật úp

Bão số 9 cũng làm tốc mái và sập 1.120 ngôi nhà; 22 điểm trường bị tốc mái, 3 cột ăng ten và nhiều cột điện lưới bị gãy đổ. Dù có sự chuẩn bị trước nhưng hệ thống điện trên đảo Phú Quý bị hư hỏng nặng khiến toàn bộ đảo bị mất điện. Ngành điện lực đang cố gắng khắc phục trong thời gian sớm nhất. Hệ thống thông tin liên lạc trên đảo cũng bị hư hỏng nặng. Mọi liên lạc phải thực hiện qua hệ thống thông tin của quân đội.

Theo báo cáo của Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát khoảng 19h tối qua tại đảo Phú Quý mưa, gió to và sóng lớn đã làm chìm 4 tàu đánh cá công suất 20 CV đang neo đậu trong cảng, cuốn trôi 2 lồng bè nuôi tôm hùm trên biển nhưng không gây thiệt hại về người.

Lực lượng bộ đội biên phòng tại chỗ đã trục vớt được tất cả 4 tàu bị chìm nói trên. Để đề phòng những ảnh hưởng tiếp theo của bão, lực lượng bộ đội, công an và xung kích địa phương đã kéo 279 tàu lên bờ.

Sau khi quét qua TP.HCM bão số 9 cũng làm một thuyền gắn máy D24 (không có biển số) ở huyện Cần Giờ bị chìm. Tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, nơi được xác định có bị ảnh hưởng của bão số 9, bị thiệt hại nặng nhất về người với  9 người thiệt mạng và 500 căn nhà bị tốc mái.

Lãnh đạo tỉnh đã tập trung lực lượng để khắc phục hậu quả của bão. Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo PCLB T.Ư tỉnh Bà Rịa Vũng tàu có nhiều nhà bị tốc mái do địa phương đã chủ quan không chỉ đạo dân chằng chống nhà cửa.

Trước diễn biễn của bão số 9, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng chỉ đạo các địa phương tiếp tục thực hiện các biện pháp quyết liệt để chống bão do bão vẫn đang ở cường độ mạnh, cấp 10, cấp 11 và diễn biến phức tạp. “Đến thời điểm này có thể khẳng định trong những giờ tới bão đổ bộ và ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh ĐBSCL và vùng biển Tây Nam của Kiên Giang và Cà Mau.

Đặc điểm của đồng bằng sông Cửu Long là rất bằng phẳng, bão vào sẽ không gặp bất cứ vật cản nào nên có thể tiến nhanh và gây tổn thất lớn. Việc cần làm hiện nay là phải tập trung cao độ các lực lượng đảm bảo an toàn cho dân, cho tàu thuyền vẫn còn đang hoạt động ở ven biển phía Đông Nam của Cà Mau và vùng biển Tây của Kiên Giang”- Phó Thủ tướng thường trực yêu cầu.

Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng cũng yêu cầu các địa phương phải tiếp tục khẩn trương di dời dân ở những khu vực bão dự kiến sẽ đi qua và phải hoàn thành trong sáng nay.

Tiếp tục cập nhật....

MỚI - NÓNG