Bão đôi gây hình thái phức tạp cho bão số 6

Bão đôi gây hình thái phức tạp cho bão số 6
TP - Được nhận định là một trong những cơn bão có đường đi phức tạp nhất từ trước đến nay, bão số 6 làm đau đầu các nhà dự báo khí tượng thủy văn bởi đường di chuyển phức tạp, khó dự báo.

Theo một chuyên gia ngành dự báo khí tượng thủy văn, tính chất phức tạp đó chính là do hiện tượng bão đôi.

Cơn bão số 6 xảy ra trong một điều kiện khí hậu bình thường theo mùa, TS Phạm Vũ Anh, nguyên Trưởng phòng Dự báo Khí tượng, Cục Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương (nay là Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương) nhận định.

Thông thường vào đầu tháng Tám, sẽ hình thành dải hội tụ gồm rãnh gió mùa phía tây nối với dải hội tụ phía Tây Bắc Thái Bình Dương, sẽ đi suốt khu vực Bắc Bộ. Trên dải hội tụ đó sẽ xuất hiện những xoáy thuận trên khu vực đất liền, còn trên khu vực biển sẽ là những vùng áp thấp hoặc bão.Về thời tiết sẽ xuất hiện mưa to tập trung vào giữa vùng xoáy

Việc hai cơn bão ảnh hưởng đến nhau như hiện nay được gọi là hiện tượng bão đôi với khoảng cách chưa đến 18 kinh độ. Cơn bão Morakot bên ngoài ở vùng biển rộng, sẽ có điều kiện phát triển mạnh hơn, nên nó chi phối cơn bão số 6, và làm cho đường đi của bão số 6 phức tạp. Sự phức tạp này hoàn toàn nằm trong quy luật của bão đôi. Cơn bão phía ngoài mạnh hơn nên kéo theo cơn bão số 6 đi ra phía ngoài.

Theo  đánh giá của TS Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, sự phức tạp của cơn bão chính là lúc mạnh, lúc yếu, lúc thì là áp thấp, lúc thì lên thành bão, lúc thì lại suy yếu thành vùng thấp,

Ngoài ra, ông Tăng cho biết thêm, sự phức tạp đó còn thể hiện ở chỗ bão số 6 có thời gian tồn tại lâu, tính từ ngày bắt đầu hình thành, 31/7 đến nay là 12 ngày, Đây chưa phải là cơn bão có thời gian tồn tại lâu nhất từ trước tới giờ nhưng, thông thường, bão chỉ tồn tại từ 3 đến 4 ngày là tan, đặc biệt, khi bão đã vào bờ là suy yếu luôn.

Vẫn theo nhận định của TS Tăng, nếu không có bão Morakot tương tác và chi phối cơn bão số 6 thì, khi vào đất liền, bão số 6 sẽ gây mưa khủng khiếp cho miền Bắc, lượng mưa có thể lên đến 300 – 400mm. May mắn là, do tác động của bão Maroko kéo cơn bão số 6 đi những hướng dích dắc khiến lượng mưa ở miền Bắc nước ta giảm đáng kể.

Miền Trung mưa to đến rất to

Cho đến chiều qua, bão số 6 không những suy giảm thành áp thấp nhiệt đới mà còn tiếp tục chuyển hướng lên phía bắc và ra phía đông. Hồi 16 giờ chiều qua, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 19,3 độ vĩ bắc; 112,9 kinh đông, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 230 km về phía đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (tức là từ 39 đến 49 km một giờ), giật cấp 7. 

Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng giữa đông đông bắc và đông bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15 km và suy yếu dần thành một vùng áp thấp. Đến 16 giờ hôm nay, 10/8, vị trí trung tâm vùng áp thấp có thể ở vào khoảng 21,4 độ vĩ bắc; 115,9 độ kinh đông, trên vùng biển ngoài khơi phía nam tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (tức là dưới 39 km một giờ).

Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, vùng biển phía bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển ngoài khơi tỉnh Quảng Đông) có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7. Biển động.

Ngoài ra do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới vùng biển nam Vịnh Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to và dông. Trong cơn dông cần đề phòng có tố lốc và gió giật mạnh. Ở các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế có mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to. Cần chủ động đề phòng lũ quét và sạt lở đất ở vùng núi.  

Theo ông Nguyễn Văn Sáp, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, khó khăn của công tác dự báo đối với những cơn bão có tính chất phức tạp như bão số 6 là thiếu những số liệu để xử lý. Vì thế, cần có trang thiết bị tốt để thông tin thu được và xử lý thuận lợi, số liệu quan trắc nhiệt độ, khí áp được cung cấp xử lý kịp thời.

Theo ông Phạm  Vũ  Anh, kinh nghiệm dự báo bão đôi là phải xác định được đúng thời điểm hai cơn bão ảnh hưởng lẫn nhau. Đồng thời cũng xác định được kiểu ảnh hưởng, thường là căn cứ vào động thái của cơn bão mạnh để đánh giá ảnh hưởng của cơn bão bên trong. Ngoài ra cũng cần dự báo được mức độ ảnh hưởng của chúng như thế nào.

MỚI - NÓNG