Báo động nguy cơ nứt, sụt lở đất

Báo động nguy cơ nứt, sụt lở đất
TP - Nứt đất đứng thứ tư trong số những thảm họa thiên nhiên đe dọa Việt Nam nhiều nhất. Trận sụt lún đất nghiêm trọng mới đây ở thôn Tân Hiệp, xã Cam Tuyền, Cam Lộ, Quảng Trị là một ví dụ.
Báo động nguy cơ nứt, sụt lở đất ảnh 1
Hiện trường vụ sụt lở đất ở thôn Tân Hiệp, xã Cam Tuyền, Cam Lộ, Quảng Trị 

Về trận sụt lún đất nghiêm trọng ngày 20/2 ở Tân Hiệp, Cam Tường, Cam Lộ, Quảng Trị buộc 122 hộ dân ở đây phải sơ tán khẩn cấp, theo TS Trần Trọng Huệ, Viện trưởng Viện Địa chất, không loại trừ khả năng sụt lún là do nứt đất.

“Nứt đất có thể là một trong những nguyên nhân gây sụt lún ở Quảng Trị - TS Huệ nhận xét - Tuy nhiên, kết quả từ phía các nhà khoa học khảo sát trực tiếp từ hiện trường mới là câu trả lời chính xác nhất”.

Trong số những thảm họa thiên nhiên đe dọa Việt Nam nhiều nhất, nứt đất đứng thứ tư, chỉ sau trượt lở, lũ quét và cháy rừng. Những vết nứt âm thầm lan khắp dải đất hình chữ S, đe dọa phá hủy nhiều công trình dân sinh, giao thông, thủy lợi.

Trong khi đó, nỗ lực của các nhà khoa học mới chỉ dừng ở một công trình nghiên cứu về nứt đất trên toàn lãnh thổ Việt Nam từ cách đây 30 năm.

Hiện cả nước cũng chỉ có hai trạm đo nứt đất, một ở Chí Linh, một ở Viện Địa chất Hà Nội.

Trong khi đó, sự va chạm giữa các mảng lục địa, chuyển động từ từ của vỏ trái đất không đợi chờ một dự án đầu tư nào.

Nó vẫn không ngừng gây ra các vết nứt mới trong lòng lãnh thổ Việt Nam, đe dọa nhiều công trình xây dựng.

Chí Linh, Hải Dương năm 1976. Một số làng ven đồng bằng đất bỗng nhiên nứt toác thành những đường ngoằn ngoèo như những con trăn khổng lồ.

Trên nền đất đó, hàng trăm ngôi nhà cũng nứt toác. Dân bồng bế nhau sơ tán khỏi làng trong tâm trạng hoang mang, hoảng hốt.

Hiện tượng tương tự sau đó xảy ra ở Hà Nam, Đông Triều, Quảng Ninh, dọc đường 18A, dọc Quốc lộ 32 nối Sơn Tây và một số khu vực ở Hà Nội như Giảng Võ, Từ Liêm, Cầu Giấy. Không chỉ nứt nhà mà còn nứt đường, nứt đê, nứt đồi, gây nguy hiểm cho cuộc sống con người.

“Lúc đó, hiện tượng này được coi là bất thường ngay cả với chúng tôi”-GS.TS Nguyễn Trọng Yêm, nguyên Viện trưởng Viện Địa chất, chủ nhiệm đề tài cấp Nhà nước về nứt đất trên toàn lãnh thổ Việt Nam, cho biết.

Cả trăm ngàn vết nứt

Báo động nguy cơ nứt, sụt lở đất ảnh 2

Sau bốn năm nghiên cứu, bản đồ phân vùng nứt đất toàn lãnh thổ Việt Nam ra đời. Thể hiện trên mặt bản đồ là hình ảnh một chữ S bị băm nát bởi trăm ngàn vết cắt. Đó chính là những đường nứt đất.

GS Yêm cho biết, nứt đất ở đồng bằng sông Hồng khá nhiều, hình thành dải dài. Có vết nứt chỉ đút vừa bàn tay, nhưng có vết nứt lớn như một dòng sông với độ sâu từ 30 – 50km, rộng trên 10km, trải dài vài ngàn km.

Sông Hồng, sông Chảy, sông Mã, sông Cả chính là những vết nứt khổng lồ từ cách đây hàng ngàn năm. Sông Hồng là vết nứt lớn nhất, kéo dài và cắt ngang biển Đông, và chạy về phía đảo Hải Nam, Trung Quốc.

Bốn vết nứt này hội tụ và tạo nên vết đứt gãy lớn ở kinh tuyến 110, sượt qua vĩ độ tỉnh Ninh Thuận, chạy mãi xuống phía Tây Nam và kéo dọc bờ biển Việt Nam.

Công cuộc nghiên cứu hiện tượng nứt đất không phải êm xuôi ngay từ đầu. Từng dấy lên nhiều cuộc tranh luận, bàn cãi gay gắt giữa các nhà khoa học.

Nhiều người bác bỏ hoàn toàn khái niệm nứt đất. Khi đất nứt, nhà nứt họ cho rằng do khai thác nước khiến đất sụt, khô hạn hoặc xây móng nhà không tốt, v.v…

Do chuyển động của vỏ trái đất

Hàng chục năm ròng xem xét tỉ mỉ đặc điểm từng vết nứt cùng với các thí nghiệm như xây nhà một tầng kiên cố trong vùng nứt đất để theo dõi, phân tích cặn kẽ các quy luật biến đổi của tự nhiên...

Kết luận cuối cùng được thống nhất giữa các nhà khoa học: Nứt đất tại đồng bằng sông Hồng là do chuyển động từ từ của vỏ trái đất.

Nguyên nhân là do Việt Nam nằm ở mảng Âu Á, phần ráp ranh với mảng Thái Bình Dương (hay còn gọi là vành đai lửa). Sự dịch chuyển, va chạm giữa hai mảng này gây nên hiện tượng nứt đất tại nhiều nước thuộc vành đai lửa, trong đó có Việt Nam. Nứt đất ở Việt Nam thuộc loại nhiều, mức độ mạnh, dù Việt Nam là đất nước nhỏ bé.

Các nhà khoa học đã tìm ra quy luật phân bố không gian của nứt đất, vạch ra những chỗ đang nứt, nứt mạnh đến mức nào nhưng quy luật về thời gian vẫn còn là ẩn số. Chính vì thế, câu hỏi khu vực nào sẽ nứt đất, nứt vào thời điểm nào vẫn chưa thể trả lời.

Trên thực tế, đến nay chưa có giải pháp nào xử lý triệt để hiện tượng nứt đất do chuyển động từ từ của vỏ trái đất. Chỉ có cách là xây nhà kiên cố hoặc tránh chỗ nứt đất. (Nhà mẫu giáo một tầng tại xã Hoàng Tân, Hoàng Tiến, Hải Dương, được xây dựng thử nghiệm thích nghi với nứt đất đến nay vẫn sử dụng tốt).

“Các công trình thủy điện, giao thông phải đặc biệt chú ý đến hiện tượng này. Nhất là khi xây dựng các công trình thủy lợi, thủy điện chặn dòng sông phải có giải pháp thích hợp, hoặc tránh chỗ nứt đất, hoặc phải can thiệp bằng biện pháp kỹ thuật để kiên cố hóa công trình” - GS Yêm khuyến cáo.

Tuy thế, công tác nghiên cứu về hiện tượng nứt đất dường như vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Chỉ duy nhất một đề tài lớn cách đây 30 năm - khi hiện tượng nứt đất rộ lên - rồi thôi.

Các nhà khoa học mới chỉ xây dựng được bản đồ phân vùng nứt đất toàn quốc, chưa có riêng từng địa phương. “Hết tiền thì cũng hết đề tài” - GS Yêm nói.

MỚI - NÓNG