Báo động về tai nạn điện sinh hoạt: Thách thức điện cao áp

Báo động về tai nạn điện sinh hoạt: Thách thức điện cao áp
TP - Theo ông Đoàn Trí Dũng-Trưởng ban An toàn Tổng công ty Điện lực Miền Nam (EVN SPC), người dân còn hết sức chủ quan với tai nạn từ lưới điện cao áp. Rất nhiều công trường xây dựng nhà ở và hoạt động thi công, vận tải vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp 220 kV.

Theo quy định, khoảng cách tối thiểu giữa đường dây điện 220 kV với các công trình dân dụng, nhà cửa theo chiều ngang là 2m và theo chiều đứng là 3m. Tuy nhiên, giàn giáo, các trang thiết bị thi công và vật tư nhiều khi chỉ cách đường dây điện khoảng 20cm. “Nguy cơ phóng điện dẫn đến tai nạn rất cao” - ông Dũng nói, đồng thời cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2017, trên địa bàn 21 tỉnh phía Nam xảy ra 30 vụ tai nạn do vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp, khiến 38 người chết và bị thương. Phần lớn nguyên nhân gây tai nạn là xây dựng, cải tạo nhà ở (17 vụ). Ngoài ra còn có các nguyên nhân khác như phương tiện cơ giới (5 vụ), lắp đặt ăng ten, băng rôn, biển hiệu (3 vụ), chặt cây (3 vụ)…

Ông Hồ Quang Ái –Phó tổng giám đốc EVN SPC cho biết, EVN SPC yêu cầu các đơn vị điện lực thành viên tích cực phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện nhiều biện pháp, từ xử phạt nghiêm vi phạm, đến tuyên truyền, cảnh báo nhằm kéo giảm tình trạng vi phạm xuống mức thấp nhất. Tuy nhiên tình trạng vi phạm cũng như số vụ tai nạn vẫn không giảm, vì người dân vẫn không ý thức hết nguy hiểm do điện gây ra. Ví dụ, từ nhiều năm nay, người dân ở phường Tân Hiệp (thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) vẫn họp chợ mua bán hàng ngày ngay dưới đường điện cao thế, bên cạnh biển báo nguy hiểm mà chính quyền không xử lý được. Ông Thượng Văn Bình-Phó chủ tịch UBND phường Tân Hiệp nói: “Chính quyền đã xử phạt, cắm bảng cấm họp chợ và đề nghị ngành điện ngừng cung cấp điện nhưng người dân đối phó bằng việc mua máy phát điện sử dụng chứ không chịu giải tỏa những kiến trúc, vật dụng vi phạm hành lang an toàn lưới điện”.

Theo ông Đặng Xuân Trường-Phó giám đốc Công ty Điện lực Bình Phước, việc xử lý các tình huống, ngăn ngừa nguy cơ đe dọa an toàn của lưới điện cao áp là rất khó khăn. Theo quy định đảm bảo hành lang an toàn lưới điện thì chỉ giải tỏa cách 2m. Tuy nhiên cây có chiều cao lên tới 20m thì khả năng ngã đổ khi có giông lốc gây mất điện là rất lớn. Việc giải tỏa, chặt đốn những cây nằm ngoài hành lang nhưng nguy cơ đe dọa lưới điện là vô cùng phức tạp. Điều nguy hiểm là nhiều người dân có chung tâm lý chưa thấy tai nạn nên chưa sợ.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đón mưa vừa mưa to ngắn ngày
Hà Nội đón mưa vừa mưa to ngắn ngày
TPO - Diễn biến khí tượng từ 19/3, không khí lạnh đã ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực Đông Bắc Bộ và Hà Nội. Trong 24 đến 48 giờ tới, các chuyên gia khí tượng nhận định khu vực Thủ đô tiếp tục có nền nhiệt giảm, trời rét, kèm theo đó cục bộ có mưa vừa đến mưa to.