Tôi đi làm lao động phổ thông - Kỳ cuối:

Bao giờ an cư lập nghiệp?

Bao giờ an cư lập nghiệp?
TP - Lương thấp, chính sách phúc lợi xã hội hầu như không có gì, sau giờ làm phần đông công nhân phải ở trong những khu trọ tồi tàn mà họ tự thuê... Biết đến khi nào lực lượng lao động này mới có thể “an cư lập nghiệp”?

>> Kỳ trước: Những khoảng tối ở “làng nhập cư”

TPHCM: Xây dựng KCN mới phải xây kèm khu lưu trú công nhân

Bao giờ an cư lập nghiệp? ảnh 1
Bao giờ công nhân thoát cảnh ở nhà trọ chật hẹp, nóng nực ?

Theo ông Trương Lâm Danh- Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TPHCM, hiện TPHCM có 70.000 DN, mỗi DN có từ 10 lao động trở lên làm việc. Từ đầu năm đến nay đã có 146 cuộc công nhân ngừng việc để thương lượng, đòi tăng lương, chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực gia công và dệt may, da giày.

Điều đó cũng cho thấy hậu quả của việc DN không biết chia sẻ với công nhân, bắt công nhân làm việc quá sức lao động so với số tiền lương mà DN đã bỏ ra.

Để chăm lo và bảo vệ quyền lợi cho công nhân, ông Trương Lâm Danh cho biết từ nay đến năm 2010, TP sẽ xây dựng 20.000 phòng ở với diện tích trên một triệu mét vuông, tương đương 330.000 chỗ ở cho công nhân. Hiện tại, Liên đoàn Lao động TP đã tiến hành xây dựng một khu lưu trú ở phường Bình Trị Đông, quận Tân Phú, tạo được chỗ ở cho 400 công nhân, tương lai sẽ cải tạo nâng lên  700 chỗ.

Trong khi đó, 3 blốc 5 tầng với 800 chỗ ở cho công nhân cũng đang được Liên đoàn Lao động TP tiến hành xây dựng tại khu Bình Chiểu, quận Thủ Đức. Đó là chưa kể hàng loạt nhà lưu trú mà UBND TPHCM đã xây dựng trong thời gian qua.

“Chúng tôi cũng đã kiến nghị UBND về việc khuyến khích cho các DN, cá nhân, tổ chức xây dựng khu lưu trú và nhà trọ công nhân. Theo đó, khi các DN, cá nhân, tổ chức... xây dựng khu lưu trú, nhà trọ sẽ được miễn thuế sử dụng đất, được ưu đãi về vốn.

Đối với nhà trọ, phải đảm bảo diện tích ít nhất 9m2 trở lên và đảm bảo bình quân trên 3m2/người... Ngoài ra, hiện tại nếu xây dựng khu công nghiệp, khu chế xuất mới thì phải có khu lưu trú, nhà trẻ, trường học cho con em của công nhân lao động”- Ông Danh nói.

Bình Dương: Xây dựng nhà ở xã hội

Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương (nơi có nhiều khu chế xuất, khu công nghiệp) cho biết, hiện tỉnh này chỉ có 14.512 hộ kinh doanh cho thuê mướn nhà trọ với tổng số 120.286 phòng, tổng diện tích là 1.302.002m2. Trong khi đó, lượng công nhân lao động ở trọ đã trên 313.000 người, trung bình mỗi công nhân phải trả từ 80.000 đồng đến 150.000 đồng/người/tháng cho một chỗ trọ từ 2 - 3m2.

Và phần lớn chỗ trọ của công nhân rất chật hẹp, nóng và không bảo đảm vệ sinh môi trường. Theo ngành chức năng, ước tính mỗi năm số lượng công nhân làm việc tại Bình Dương tăng bình quân 30.000 người. Như vậy, đến năm 2020, con số này là khoảng 846.365 người.

Để giải quyết tình trạng này, tỉnh Bình Dương đang thực hiện dự án xây dựng nhà ở xã hội nhằm đáp ứng nhu cầu nhà ở cho các đối tượng có thu nhập thấp làm ăn sinh sống trên địa bàn.

Theo Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương, đến năm 2020 sẽ xây dựng 113 chung cư  của chương trình nhà ở xã hội, đáp ứng được 29,63% nhu cầu, nhưng vẫn còn thiếu gần 500 chung cư...

Ngoài ra, cuối năm 2008, sẽ triển khai xây dựng 5 chung cư nhà ở xã hội thí điểm gồm: Khu tái định cư Hòa Lợi, xã Thới Hòa, huyện Bến Cát; Khu tái định cư Phú Hòa, phường Phú Hòa, TX. TDM; Khu dân cư Hiệp Thành III, phường Hiệp Thành, TX.TDM; Khu dân cư Dĩ An, huyện Dĩ An; Khu tái định cư Việt-Sing, huyện Thuận An.

MỚI - NÓNG