Bao giờ hết cảnh 'con trâu đi trước, cái cày theo sau'?

Bao giờ hết cảnh 'con trâu đi trước, cái cày theo sau'?
TP - Đó là câu hỏi của ông Nguyễn Ngọc Đào, đại biểu Quốc hội đầu tiên chất vấn Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát trong ngày thứ hai (17/11) của phiên chất vấn tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XI.
Bao giờ hết cảnh 'con trâu đi trước, cái cày theo sau'? ảnh 1
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát

Mong muốn của ông Đào là: “Bộ trưởng có thể phác họa cho chúng tôi được biết bức tranh của nền kinh tế nông thôn Việt Nam đến năm 2020 như thế nào? Tôi đi Hà Giang nhiều lần, vẫn thấy bà con bê đất từ dưới suối lên trên núi cao để trỉa ngô, đề nghị Bộ trưởng cho biết, đến bao giờ Bộ trưởng có thể thay đổi được hình ảnh muôn thủa này?”

Nước xuất khẩu gạo mà để dân ăn mèn mén là không được!

Bộ trưởng Cao Đức Phát trả lời câu hỏi của ông Đào: “Trong Đại hội Đảng lần thứ X, đã bàn và có nghị quyết nêu rõ phương hướng cũng như các nhiệm vụ để chúng ta xây dựng nền nông nghiệp, nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Hiện nay, Bộ NN&PTNT đã có đề án để thực hiện chủ trương của Đảng. Chậm nhất vào 30/3/2008 chúng tôi sẽ trình đề án với Chính phủ. Cụ thể về cơ giới hóa nông nghiệp, là vấn đề có liên quan đến cơ chế kinh tế thị trường, không hẳn theo sự mong muốn của chúng ta.

Ở đồng bằng sông Cửu Long, khi giá nhân công lên cao, nhu cầu về máy gặt cũng lên cao, như thế máy gặt từng bước thay thế công sức lao động thủ công.

Dĩ nhiên, nhiệm vụ của ngành nông nghiệp, cùng với ngành công nghiệp, là làm sao nghiên cứu thiết kế, chế tạo và sản xuất ra các loại máy nông cụ phù hợp với điều kiện của từng vùng, giá thành rẻ, để cung cấp cho bà con”.

Không thoả mãn với trả lời, ông Nguyễn Ngọc Đào đã tái chất vấn gay gắt: “Tôi hỏi rất cụ thể là biện pháp nào, nhưng Bộ trưởng trả lời rất tản mạn. Tôi nêu ví dụ về Hà Giang để muốn biết từ Bộ trưởng một tư duy đột phá, tôi muốn biết bức tranh phác họa vài nét thôi, không cần phải đề án... Đề nghị Bộ trưởng không nên né tránh câu hỏi của tôi”.

Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng: “Tôi nghĩ câu hỏi của đại biểu rất lớn và cũng rất rộng, nên tôi đã liệt kê một số chương trình cụ thể mà Bộ đang chỉ đạo, nếu đi quá chi tiết tôi sợ làm ảnh hưởng tới thời gian của QH. Thực ra chúng tôi đối với nông nghiệp luôn suy nghĩ và hướng tới hành động cụ thể, không chỉ dừng lại ở quản lý chung chung... Tôi xin lỗi đại biểu vì không nói vào vấn đề của Hà Giang."

"Thực ra Hà Giang cũng giống như nhiều vùng cao, núi đá ở miền núi phía Bắc, năm nay Bộ xác định là năm của miền núi phía Bắc, với hai trọng tâm là tập trung phát triển chăn nuôi và nghề rừng. Một thông tin đáng phấn khởi là Thủ tướng Chính phủ đã có quyết sách cấp không gạo cho bà con, để bà con không phải lo bê đất lên hốc núi để trồng ngô, đề rồi chỉ ăn mèn mén."

"Điều trăn trở nhất của chúng tôi lâu nay là, nước ta đứng thứ hai trên thế giới về xuất khẩu gạo, mà vẫn có hàng trăm nghìn đồng bào quanh năm chỉ có ăn mèn mén, chỉ được ăn cơm khi ngày lễ, ngày tết và khi bị ốm. Vì thế, chúng tôi đang cùng các đồng chí ở địa phương, sớm triển khai thực hiện quyết sách nêu trên”.

Giúp bà con sống chung với lũ

Trả lời về vấn đề mà đại biểu Nguyễn Tấn Tuấn (Khánh Hoà) đặt ra là, tình trạng nhiều nơi hình thành trại nuôi gấu, nuôi hổ, Bộ trưởng Cao Đức Phát nói: “Chúng ta đã tham gia Công ước CITES, vì thế cho nên việc nuôi, buôn bán, sử dụng động vật hoang dã phải tuân thủ các quy định này. Chính phủ đã có Nghị định, Bộ đã có những Thông tư hướng dẫn, như vậy phải tổ chức triển khai thực hiện chặt chẽ theo quy định của luật pháp hiện hành”.

Một vấn đề thời sự khác, tình hình lũ lụt diễn biến phức tạp, cũng đã được Bộ trưởng Cao Đức Phát giải đáp. Theo đó, Chiến lược sống chung với lũ đã được xây dựng và phê duyệt.

Hiện, Bộ NN&PTNT đang cùng với các địa phương triển khai những đề án cụ thể để thực hiện. Với các vùng năm nào cũng bị ngập lũ ở miền Trung sẽ tiến hành xây dựng cơ sở hạ tầng, như đường giao thông, để bà con có thể chủ động tránh, trú bão khi bão lũ đến.

 Võ Văn Thành

MỚI - NÓNG