Bão Goni di chuyển nhanh khi vào Biển Đông

Cơ quan khí tượng Hong Kong dự báo đường đi của bão Goni trong những ngày tới. Ảnh: HKO.
Cơ quan khí tượng Hong Kong dự báo đường đi của bão Goni trong những ngày tới. Ảnh: HKO.
Chuyên gia cho rằng giống như bão số 9, bão Goni sẽ di chuyển với vận tốc nhanh và hướng vào khu vực Trung Trung Bộ.

Rạng sáng 30/10, Cơ quan khí tượng Hong Kong cho biết bão Goni đang hoạt động ngoài khơi Philippines có sức gió mạnh 155 km/h, tương đương cấp 14, giật cấp 16. So với 6 giờ trước, bão đã mạnh lên 2 cấp.

Trong 2 ngày tới, bão liên tục tăng cấp và có thể đạt cường độ cực đại mạnh cấp 15, giật cấp 17 khi áp sát đất liền Philippines. Sau đó, hình thái này tiến vào Biển Đông, giảm xuống cấp 12 và tiếp tục di chuyển trong các ngày 2-3/11.

Vào Biển Đông đêm 1/11

Bà Lê Thị Xuân Lan, nguyên Phó phòng Dự báo, Đài Khí tượng Thủy văn Nam Bộ, cho biết nhiều đài khí tượng quốc tế nhận định bão Goni khả năng đi vào Biển Đông trong đêm 1/11 và trở thành cơn bão số 10 trong năm nay ảnh hưởng đến đất liền nước ta.

Thời điểm tiếp cận Biển Đông, tâm bão ở tọa độ ngang với quần đảo Hoàng Sa với sức gió mạnh cấp 12-13, giật cấp 15. Tương tự tính chất của bão số 9, bão Goni di chuyển với vận tốc nhanh theo hướng tây tây bắc và hướng vào khu vực Trung Trung Bộ.

Dù vậy, chuyên gia cho biết có 3 điểm quan trọng khiến Goni nhiều khả năng suy yếu nhanh trước khi vào đất liền.

Thứ nhất, thời điểm bão áp sát đất liền miền Trung ngày 3/11, không khí lạnh tăng cường xuống có thể làm bão suy yếu nhanh chóng. Kịch bản này tương tự bão số 8 (từng mạnh cấp 13 ngoài Biển Đông nhưng lại suy yếu thành áp thấp nhiệt đới trước khi đổ bộ Quảng Nam - Quảng Ngãi).

Thứ hai, bão đi ngang qua quần đảo Hoàng Sa. Việc này tạo ra độ ma sát khiến cường độ bão giảm.

Thứ ba, thời điểm bão đang di chuyển trên Biển Đông, ngoài khơi Phillipines tiếp tục xuất hiện một cơn bão khác có cường độ mạnh, khả năng trở thành siêu bão. Hình thái này hoạt động cùng thời điểm bão Goni đang di chuyển tạo ra hiện tượng tương tác đôi, do khoảng cách giữa hai cơn bão cách nhau không quá 2.000 km.

"Siêu bão đằng sau quá mạnh nên sẽ hút hết năng lượng của bão số 10. Do đó, Goni suy yếu thành áp thấp nhiệt đới hoặc thành bão cường độ nhỏ (cấp 8-9) trước khi đổ bộ đất liền miền Trung đang là kịch bản khả dĩ nhất", bà Lan nhận định.

Gây mưa lớn cho Trung Bộ

Dù vậy, chuyên gia cho biết người dân các tỉnh miền Trung không nên chủ quan với bão số 10. Kể cả khi suy yếu, bão vẫn di chuyển vào đất liền và gây mưa diện rộng cho khu vực.

Hiện, dự báo cho thấy bão có khả năng đổ bộ vào phía nam đèo Hải Vân, tức là khu vực đất liền các tỉnh từ Đà Nẵng đến Quảng Ngãi. Ngày 3-5/11, hoàn lưu bão gây ra một đợt mưa cho khu vực với lượng dao động 150-200 mm.

Bão Goni di chuyển nhanh khi vào Biển Đông ảnh 1

Bão Goni được dự đoán sẽ gây mưa lớn cho Trung Bộ. Ảnh: Đoàn Bắc.

Về cơn siêu bão sắp hình thành ngoài khơi Philippines, chuyên gia nhận định hình thái này sẽ quét qua đảo Luzon vào ngày 5/11. Sau đó, siêu bão tiến vào Biển Đông nhưng xu hướng dịch chuyển cho thấy sẽ đổ bộ vào Hong Kong chứ không ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta.

"Dù vậy, các tàu thuyền hoạt động ở phía bắc Biển Đông cần đặc biệt đề phòng sức ảnh hưởng của siêu bão này", bà Lan khuyến cáo.

Chuyên gia cũng cho rằng tất cả những nhận định hiện nay chỉ là dự báo xa. Khi bão tiến vào Biển Đông, các dự báo sẽ có tính chính xác cao hơn, do đó hướng đi và kịch bản đổ bộ có thể thay đổi. Chính quyền và người dân cần cập nhật liên tục diễn biến của cơn bão này trong những ngày tới để chủ động ứng phó.

Trước đó, ông Hoàng Phúc Lâm, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, cho biết áp thấp nhiệt đới ở phía đông Philippines đã mạnh lên thành bão, có tên quốc tế là Goni. Đây là cơn bão thứ 19 trên khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương trong năm nay.

Theo ông Lâm, những ngày tới, bão Goni khả năng đi vào Biển Đông và tiếp tục mạnh lên. Thông tin dự báo xa cho thấy hình thái này tiếp tục gây mưa lớn cho Trung Bộ vào khoảng cuối tuần sau.

Ngày 28/10, bão số 9 (Molave) đổ bộ đất liền các tỉnh từ Đà Nẵng đến Phú Yên với sức gió cấp 12, giật cấp 15, chỉ sau 2 ngày xâm nhập Biển Đông. Bão gây gió giật mạnh, mưa lớn kéo dài nhiều giờ trên diện rộng, khiến hơn 250 nhà sập và 88.000 ngôi nhà bị tốc mái. Theo thống kê đến 8h ngày 29/10, bão Molave khiến 2 người chết, 55 người mất tích (đã tìm thấy nhiều thi thể) do sạt lở đất và 28 người bị thương.

Trong tháng 10, miền Trung hứng chịu liên tiếp 4 cơn bão và một áp thấp nhiệt đới, tương đương kỷ lục năm 1983.

Theo Theo Zing
MỚI - NÓNG
Hà Nội đón mưa vừa mưa to ngắn ngày
Hà Nội đón mưa vừa mưa to ngắn ngày
TPO - Diễn biến khí tượng từ 19/3, không khí lạnh đã ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực Đông Bắc Bộ và Hà Nội. Trong 24 đến 48 giờ tới, các chuyên gia khí tượng nhận định khu vực Thủ đô tiếp tục có nền nhiệt giảm, trời rét, kèm theo đó cục bộ có mưa vừa đến mưa to.