Bảo hiểm xã hội: Nhìn thấy kẽ hở nhưng… khó trám

Người nhà bệnh nhân làm thủ tục BHYT tại Bệnh viện Việt Đức - Hà Nội. Ảnh: Ngọc Châu.
Người nhà bệnh nhân làm thủ tục BHYT tại Bệnh viện Việt Đức - Hà Nội. Ảnh: Ngọc Châu.
TP - Là cơ quan được Chính phủ giao quản lý hàng trăm nghìn tỷ mỗi năm tiền bảo hiểm xã hội do toàn dân đóng góp, việc thu - chi sao cho đúng, hợp tình, hợp lý khoản quỹ khổng lồ này là trách nhiệm lớn, buộc lãnh đạo Bảo hiểm xã hội Việt Nam phải nhìn thẳng vào sự thật, thực thi các giải pháp khắc phục yếu kém.

Trong Hội nghị khu vực miền Trung - Tây Nguyên lần đầu tiên được Bảo hiểm xã hội Việt Nam (BHXHVN) tổ chức tại Buôn Ma Thuột ngày 30/8/2016, phóng viên báo Tiền Phong trao đổi cùng lãnh đạo BHXHVN những vấn đề mà người đóng BHXH đều quan tâm.

Ngăn ngừa trục lợi bảo hiểm

Theo trình bày của BHXHVN, đến hết tháng 7/2016, số người đã tham gia BHXH bắt buộc là 12.406.463; Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là 10.574.309; BHXH tự nguyện là 192.340; Bảo hiểm y tế (BHYT) là 72.990.801 người, tương đương 79,2% dân số đã đóng BHYT. Trong 7 tháng đầu năm, toàn ngành thu được 133.023,9 tỷ đồng, chưa kể 233,8 tỷ đồng tiền thu lãi chậm đóng BHXH và BHYT. Số nợ đóng bảo hiểm đến 31/7 cũng còn tới 13.934,5 tỷ đồng, chiếm 6,4%so với kế hoạch giao thu. Còn chi, đến 31/7/2016 toàn ngành đã chi BHXH, BHYT tổng cộng 129.197,8 tỷ đồng.

Có 31 tỉnh thành đạt tỉ lệ bao phủ BHYT trên 79% dân số và 32 tỉnh thành chưa đạt.

Bảo hiểm Xã hội Việt Nam công bố, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2016, 37 tỉnh đã bội chi hơn 3.400 tỷ đồng cho BHYT, tăng 40% so với cùng kỳ năm 2015. Địa phương bội chi cao nhất là Thanh Hóa với 395 tỷ, khiến Chủ tịch UBND tỉnh này đã phải chỉ đạo công an, thanh tra vào cuộc tìm cho ra nguyên nhân trục lợi, bội chi BHYT. Tỉnh kế tiếp là Nghệ An cũng bội chi hơn 300 tỷ. Nguyên nhân được giải thích là do số đối tượng tham gia BHYT tăng 12%, do điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế, mở rộng quyền lợi cho người khám chữa bệnh BHYT, do bất cập về giám định BHYT, kiểm soát chi phí sử dụng trang thiết bị khám chữa bệnh,  và do thông tuyến huyện khám chữa bệnh.

Tuy nhiên, một nguyên nhân quan trọng khác dẫn đến việc thâm hụt nghiêm trọng quỹ BHYT là do tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ khám chữa bệnh BHYT từ phía người có BHYT và từ chính các cơ sở khám chữa bệnh BHYT, nên  khả năng bội chi quỹ khám và chữa bệnh BHYT năm 2016 sẽ lên đến khoảng 5.000 tỷ đồng.

Ông Phạm Lương Sơn - phó tổng giám đốc, người phát ngôn của BHXHVN nói: Cần có các giải pháp quyết liệt ngăn ngừa hiện tượng trục lợi BHYT, kiểm soát lại từ cơ chế khám chữa bệnh, nhằm bảo đảm quyền lợi cho người đóng BHYT bằng cách trám kín các kẽ hở của hiện tượng trục lợi ! Tuy nhiên, ông Sơn cũng thừa nhận nhiều kẽ hở đã nhìn thấy, mà khó trám, do sức ép và sự phản ứng từ nhiều phía nhằm chống lại sự minh bạch. Ví dụ việc số hóa hồ sơ khám chữa bệnh, về kỹ thuật không có gì khó, nhưng nhiều nơi không muốn công khai dữ liệu, nên đầu tư kéo dài tới nay vẫn chưa xong.

Phải minh bạch, dân mới tin!

Băn khoăn phát sinh, khi ông Sơn khẳng định: Quỹ BHYT không thể vỡ được, vì là một trong các chính sách an sinh xã hội được bảo trợ tồn tại bền vững. Giải pháp sẽ thực hiện trong trường hợp thu không đủ chi, là vận dụng cơ chế cho phép tăng mức đóng BHYT lên 6%, thay vì mức 4,5% như hiện nay. Và tiếp tục điều chỉnh tăng giá dịch vụ khám chữa bệnh theo hướng tính đúng tính đủ, vì hiện mới có 4/7 cấu phần tính đúng tính đủ được tính vào viện phí, còn 3 yếu tố chưa tính vào gồm chi phí xây dựng cơ bản, khấu hao tài sản, dịch vụ đào tạo.

Người dân không phản đối việc tham gia đóng bảo hiểm, mà chỉ sợ không công bằng ! Ông Nguyễn Cảnh- phó trưởng ban Tuyên giáo tỉnh ủy tỉnh Đắk Lắk nói. Nếu BHYT làm tốt, thì không cần bắt buộc, dân chúng sẽ tự nguyện đóng. Việc trục lợi thuốc men trong điều trị vẫn chỉ là nhỏ lẻ nếu so với thất thoát nặng nề của việc lạm dụng trang thiết bị khám chữa bệnh.

Đại diện báo Tiền Phong chất vấn: Đã nhiều lần báo chí phát hiện, phản ánh các sai phạm nghiêm trọng về trục lợi BHYT, mà rõ nhất là hiện tượng tiêu cực, tham nhũng xảy ra trong các cuộc đấu thầu thuốc chữa bệnh, vì sao BHXHVN không lên tiếng? Cách xử lý sai phạm thiếu minh bạch, bao che, không thể hiện được tính nghiêm minh của luật pháp, bỏ qua, nương nhẹ những hành vi biển thủ hàng trăm, hàng nghìn tỷ trong y tế, lại không ngừng tăng giá bảo hiểm, giá dịch vụ chính là điều khiến dân chúng e ngại tiền đóng BHXH, BHYT của mình không đủ tăng chất lượng khám chữa bệnh, mà chỉ tiếp tục làm giàu cho một nhóm cá nhân?

Ông Phạm Lương Sơn cảm ơn ý kiến của báo Tiền Phong, mà ông cho rằng rất xác đáng! Ông hứa ngay sau hội nghị này sẽ về rà soát lại các vụ việc báo Tiền Phong đã nêu ra, và sẽ có văn bản hồi âm trong thời gian sớm nhất. Ông cho biết BHXHVN đã tiếp thu nghiêm túc một số phản ánh gần đây của báo Tiền Phong, như lập tức rà soát, điều chỉnh việc in thẻ BHYT có dòng chữ thông báo về quyền lợi người đóng đủ BHYT liên tục từ 5 năm trở lên.

Đại biểu quốc hội Y Khút Niê - Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk tán thành điều mà đại diện báo Tiền Phong đã chất vấn. Ông nói: Lẽ ra khi có sự việc xảy ra, chúng ta phải xử lý ngay theo đúng  pháp luật. BHXHVN cần tiếp tục kiến nghị với Quốc hội, với Chính phủ để tiếp tục bổ sung, sửa đổi các bộ luật liên quan. Cá nhân, tập thể trục lợi bảo hiểm nếu vi phạm phải truy tố trước pháp luật, phải kiện ra tòa, phải thông qua thực tiễn tìm ra các lỗ hổng của luật để trám kín lại. Mới đây Quốc hội đã giao cho BHXH được quyền thanh tra, BHXH đã làm hết trách nhiệm chưa? Lời nói đi đôi với việc làm, chúng ta mới ngăn được các hành vi trục lợi BHXH, BHYT.

Chính phủ yêu cầu kiểm tra việc sử dụng quỹ BHYT

Chính phủ vừa có công văn hỏa tốc yêu cầu Bộ Y tế, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam khẩn trương thực hiện rà soát, thanh tra, kiểm tra việc sử dụng quỹ khám chữa bệnh BHYT, kịp thời xử lý nghiêm các hành vi lạm dụng, trục lợi, nhằm sử dụng hiệu quả quỹ khám, chữa bệnh BHYT bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người tham gia BHYT. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị Tổng hội Y học Việt Nam tổ chức một hội đồng chuyên gia đánh giá, kiến nghị các giải pháp để sử dụng hiệu quả quỹ BHYT.

Trong thời gian qua, các phương tiện thông tin đại chúng đã phản ánh việc trục lợi quỹ BHYT tại một số tỉnh, thành phố dẫn đến nguy cơ bội chi quỹ khám chữa bệnh BHYT trong năm 2016. Theo Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2016, 37 tỉnh đã bội chi hơn 3.400 tỷ đồng cho BHYT, tăng 40% so với cùng kỳ năm 2015.

Thái Hà

“Gom” bệnh nhân khám chữa bệnh theo đoàn

Theo báo cáo của BHXH tỉnh Bắc Giang, chỉ trong vòng 6 tháng đầu năm, đã vượt quỹ BHYT gần 80 tỷ đồng. Đặc biệt, có những đơn vị như Bệnh viện Y học cổ truyền Lan Q có mức tăng lượt khám chữa bệnh nội trú lên 135% tổng số tiền vượt quỹ sau khi đã trừ chi phí tăng giá dịch vụ y tế là gần 3,4 tỷ đồng. Bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Phó chánh Văn phòng BHXH tỉnh Bắc Giang cho biết, hầu như đơn vị nào cũng vượt quỹ BHYT. Đặc biệt, có đơn vị như Bệnh viện Y học cổ truyền Lan Q đã phối hợp với Hội Người cao tuổi các địa phương, hỗ trợ chi phí đi lại để “gom” người bệnh đến khám chữa bệnh theo... đoàn. Hiện, BHXH Bắc Giang đã từ chối thanh toán hơn 1 tỷ đồng đối với đơn vị này, đồng thời tăng cường công tác giám định đối với các cơ sở có chi phí phát sinh lớn, bội chi quỹ BHYT.

Nguyễn Trường

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.