Bảo hiểm y tế: “Các năm tới sẽ lại thu 12 tháng”

Ảnh: Hồng Vĩnh
Ảnh: Hồng Vĩnh
TP - Do là năm đầu tiên triển khai theo luật mới nên mới xảy ra tình huống thu bảo hiểm y tế (BHYT) học sinh 15 tháng. Kể từ năm học tới, việc thu BHYT tại các trường sẽ chỉ diễn ra sau khi kết thúc học kỳ 1 với số tiền của 12 tháng.  

Ngày 7/9, trao đổi với Tiền Phong về vấn đề thu BHYT học sinh sinh viên (HSSV) năm học 2015-2016, bà Nguyễn Thị Thu - Phó giám đốc BHXH TPHCM - cho biết, tất cả những phát sinh vừa qua là do quy định mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT có hiệu lực từ ngày 1/1/2015.

Có thể tách ra thu làm 2 đợt

Giải thích vì sao số tiền BHYT năm nay tăng cao và lại thu đến 15 tháng, theo bà Thu, trước đây, mức thu BHYT của HSSV được quy định là 3% trên lương cơ sở (1.150.000 đồng).

Áp dụng luật mới, mức này đã tăng lên, hiện phải thu 4,5%. Ngoài ra, cũng theo quy định mới, thẻ BHYT HSSV sẽ có giá trị theo năm tài chính từ 1/1 đến 31/12 hằng năm, chứ không còn thu theo năm học như trước đây, tức từ 1/10 năm trước đến 30/9 năm sau.

“Do là năm đầu tiên triển khai theo Luật BHYT mới, nên năm học 2015-2016 sẽ có 3 tháng của năm 2015 và 12 tháng của năm 2016, nên thành ra phải thu 15 tháng. Đây là tình huống chỉ xảy ra trong năm đầu tiên áp dụng luật mới mà thôi, các năm sau sẽ chỉ còn đúng 12 tháng”, bà Thu nói.

Bà Thu nói thêm, ưu điểm của cách thu theo năm tài chính sẽ phát huy vào năm học 2016-2017 trở đi. Khi đó, phụ huynh sẽ không phải đóng BHYT cho con em mình vào mùa tựu trường nữa, mà có thể đóng vào thời điểm cuối học kỳ 1. Thay đổi này cũng dựa trên tinh thần nhằm giảm áp lực tài chính cho phụ huynh và giảm áp lực công việc cho nhà trường, thầy cô trong những ngày đầu năm học.

Tuy nhiên, do tỷ lệ đóng theo luật mới tăng lên và phải thu 15 tháng trong năm đầu tiên thực hiện, số tiền mà mỗi HSSV phải đóng năm nay vọt lên khá cao. Theo tính toán, năm học 2015-2016, mức đóng BHYT sẽ là 776.250 đồng/em. Nhà nước hỗ trợ 30%, nên mức đóng thực tế còn 543.375 đồng/em.

Lường trước vấn đề này, BHXH TPHCM đã có văn bản hướng dẫn các trường học có thể chia ra làm 2 đợt thu - đợt 1 từ 1/10 đến 31/3/2016, đợt 2 từ 1/4-31/12/2016 - nhằm giảm gánh nặng cho những trường hợp có hoàn cảnh khó khăn.

Thu BHYT cũng là trách nhiệm của ngành giáo dục

Bà Thu cũng cho rằng, việc các trường, giáo viên khi giải thích cho phụ huynh hoặc trả lời trên báo chí cho rằng việc thu BHYT là việc làm thay, làm hộ đơn vị BHXH là không đúng. “Trách nhiệm này đã được cụ thể hóa tại điều 7B của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, quy định những ràng buộc trách nhiệm của ngành giáo dục trong việc chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện thu, thanh tra kiểm tra v.v…”, bà nói.

Liên quan đến việc triển khai luật mới trên, UBND TPHCM đã có văn bản phân công rõ trách nhiệm của các cơ quan ban ngành từ cuối tháng 8. Theo đó, Sở GD&ĐT thành phố có trách nhiệm phấn đấu đạt tỷ lệ 100% HSSV tham gia BHYT trong năm học 2015-2016 này.

Theo BHXH thành phố, tỷ lệ HSSV tham gia BHYT hằng năm của TPHCM chỉ đạt trung bình 86%. HSSV là đối tượng bắt buộc tham gia BHYT theo luật, nhưng hiện nay chưa có chế tài. Do đó, chỉ mới có thể giải thích, vận động cho phụ huynh ý thức về vấn đề an sinh khi tham gia BHYT, phòng ngừa cho con em.

Trao đổi với PV Tiền Phong, bà Trần Thị Thúy Nga-Vụ trưởng BHXH (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, bảo hiểm y tế cho học sinh, sinh viên không phải chuyên môn quản lý của vụ nên không rõ. Về việc mức thu bảo hiểm tính theo mức lương cơ bản hợp lý hay không, bà Nga nói: “Cái này tôi không rõ lắm nên phải nghiên cứu thêm, không thể nói không được. Còn chuyên gia thì không dám nhận. Tốt nhất hỏi Bộ Tài chính và

Bộ Y tế”. 

Trước đây khi được xin ý kiến về xây dựng Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi), Bộ LĐ-TB&XH đã có ý kiến thế nào về vấn đề này? Bà Nga cho biết, đã lâu nên không còn nhớ rõ.   

Lê Hữu Việt

Theo hiệu trưởng một trường THPT tại TPHCM, việc phụ huynh phản ứng tăng phí bảo hiểm và thu đến 15 tháng trong khi một năm chỉ có 12 tháng là có lý. “Nguyên do là chất lượng dịch vụ của bảo hiểm hiện nay vẫn chưa tương xứng nên đa phần đều khám tư, khám dịch vụ, hoặc nhiều phụ huynh có con em dù mua bảo hiểm nhưng cả năm không khám lần nào…”, ông nói.    

Nguyễn Dũng

MỚI - NÓNG