Bạo lực trong gia đình sẽ không còn là... “chuyện riêng”?

Bạo lực trong gia đình sẽ không còn là... “chuyện riêng”?
TP - Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Đình Lộc (TP.HCM) cho biết: “Ở các nước, vợ không đồng ý mà chồng cứ đòi sinh hoạt, như thế bị xem là hiếp dâm và đưa ra tòa một cách dễ dàng”.
Bạo lực trong gia đình sẽ không còn là... “chuyện riêng”? ảnh 1
Đại biểu Nguyễn Đình Lộc phát biểu tại phiên thảo luận của Quốc hội

“Khi chúng tôi đi tìm hiểu thực tế ở Hàn Quốc, phía bạn cho biết trước khi có đạo luật về chống bạo lực gia đình, không có con số thống kê cụ thể cũng như tỷ lệ khai báo về chuyện này rất ít.

Nhưng sau khi có luật, số khai báo tăng vọt và thống kê được rất nhiều”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, ông Lương Phan Cừ cho biết như vậy, trong phiên thảo luận của QH về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, diễn ra ngày 9/11.

Trong phiên thảo luận, đa số đại biểu bày tỏ đồng tình về sự cần thiết phải ban hành một đạo luật về chống bạo lực gia đình. Đại biểu Trần Kim Mai (Tiền Giang) bức xúc: “Theo báo cáo của Bộ Công an thì khoảng 2, 3 ngày chúng ta có một trường hợp tử vong vì bạo lực gia đình. Như vậy, một năm có khoảng 100 người chết vì hành vi này. Đây là điều mà pháp luật cần hướng tới để điều chỉnh ngay”.

Quy định của dự thảo Luật này về hành vi bạo lực tình dục trong gia đình, đã nhận được nhiều ý kiến trái ngược nhau. Đại biểu Néang Kim Cheng (An Giang) bày tỏ quan điểm: “Tôi tán thành 4 loại hành vi bạo lực trong gia đình được quy định như trong dự thảo, tôi cho đây là đầy đủ và với các hành vi bạo lực gia đình được chia ra 4 nhóm, đó là: Bạo lực về thể chất, bạo lực về tinh thần, bạo lực về tình dục, bạo lực về kinh tế. Bởi lẽ 4 nhóm hành vi này đều có xảy ra trong thực tế”.

Đại biểu Nguyễn Đình Lộc (TP Hồ Chí Minh) cho biết: “Ở các nước, vợ không đồng ý mà chồng cứ đòi sinh hoạt, như thế bị xem là hiếp dâm và đưa ra tòa một cách dễ dàng”.

Tuy nhiên, theo đại biểu Triệu Thị Bình (Yên Bái) thì: “Về hành vi cưỡng bức quan hệ tình dục trong gia đình, tôi đề nghị bỏ, vì hành vi này trên thực tế có xảy ra, nhưng nó lại được coi là chuyện riêng, là điều tế nhị trong mỗi gia đình. Do đó tổ chức và người có trách nhiệm cũng không thể biết được để xem xét, xử lý. Hơn nữa, cũng rất khó thu thập chứng cứ để xác định một người có hành vi bạo lực tình dục trong gia đình”.

MỚI - NÓNG