Bão số 1: Tôi sẽ ngạc nhiên, nếu dự báo đúng!

Bão số 1: Tôi sẽ ngạc nhiên, nếu dự báo đúng!
GS-TSKH Lê Ngọc Lý - Giáo sư nghiên cứu Học viện sau đại học của Bộ Hải quân Mỹ, một trong những nhà khoa học đầu ngành thế giới về khí quyển, đại dương, khẳng định như vậy về công tác dự báo bão số 1

Ông đánh giá thế nào về vấn đề dự báo cơn bão vừa qua?

Về mặt khoa học, tôi thấy không có gì ngạc nhiên khi cơ quan có trách nhiệm đưa ra dự báo như vậy. Tôi khẳng định rằng, tôi sẽ chỉ ngạc nhiên khi cơ quan này đưa ra được dự báo đúng, phù hợp với dự báo của các cơ quan dự báo khu vực.

Cần phải thấy rằng dự báo chỉ là sản phẩm khoa học bao gồm cả đo đạc và xử lý số liệu, sau khi đã được nghiên cứu, so sánh với số liệu lịch sử thử nghiệm thành công và đưa vào "sản xuất".

Tại VN, sản phẩm dự báo này đã lạc hậu. Nhưng sâu xa hơn, sản phẩm này dựa trên nghiên cứu và phương pháp cũng đã lạc hậu. Từ đó suy ra rằng, cơ quan dự báo đã làm đúng quy trình, tức là sản phẩm chuẩn như nó vốn có.

Điều đó có nghĩa cơ quan dự báo đã làm hết trách nhiệm, khả năng của mình, thưa ông?

Điều này thì không hẳn. Tôi muốn nhấn mạnh cái sai lầm của cả hệ thống tổ chức. Tôi nghĩ rằng, các nhà khoa học dự báo của VN hoàn toàn có thể biết được rằng dự báo hiện nay là sản phẩm cũ, dựa trên nghiên cứu và phương pháp lạc hậu. Tôi cũng khẳng định dự báo bão là không khó lắm vì nó hình thành sớm, dễ nhận biết.

Nhưng trong khi ta chưa cập nhật được công nghệ mới, phương pháp dự báo mới thì tại sao lại không dựa trên cơ sở của sản phẩm, nghiên cứu và phương pháp tiên tiến mà các cơ quan dự báo khu vực đang áp dụng.

Tôi cũng khẳng định những thông tin mà các quốc gia, vùng lãnh thổ trong khu vực có được và công bố hoàn toàn phi thương mại. Cơ quan dự báo VN hoàn toàn có thể lấy đó làm cơ sở cho mình.

Mặt khác, cũng cần nhìn nhận lại quy trình dự báo bão tại VN. Cơ quan dự báo cho rằng họ thực hiện theo đúng tinh thần quy định trong quy phạm. Tôi cho rằng đó là chưa đúng, bởi Chính phủ - cơ quan không chuyên môn về khí tượng thuỷ văn - thì chỉ có thể chỉ đạo chung và tổng thể. Còn cơ quan dự báo - cơ quan chuyên trách về vấn đề này - mới là đơn vị có trách nhiệm cao nhất.

Tôi cũng rất thông cảm với cơ quan dự báo KTTV, vì nhìn tổng thể thì khoa học VN bị hạn chế về tất cả mọi lĩnh vực, chứ không chỉ một mình ngành KTTV hay dự báo bão. Theo tôi, ở đây có cả trách nhiệm của Bộ KHCN, với chức năng chuyên môn là "hướng dẫn" KHCN đất nước trong tầm nhìn chiến lược.

Theo ông, để tránh và giảm thiểu những thiệt hại trong những cơn bão tới, cơ quan dự báo của VN cần phải làm gì?

Cần phải có sự tiếp thu và thay đổi. Nếu cơ quan dự báo của VN thấy chưa tự tin vào những phương pháp dự báo mới mà các cơ quan dự báo khu vực đang áp dụng thì nên sử dụng tối đa kinh nghiệm của các "cụ" đã nghỉ hưu làm cố vấn, góp ý và tận dụng tối đa sản phẩm dự báo của thế giới (chỉ cần tôn trọng quyền SHTT) và trung thực với cộng đồng, với chính mình. Từ đó nghiên cứu, đánh giá thực tiễn, rút kinh nghiệm để học hỏi, cải tiến và áp dụng.

Tuy nhiên, điều không thể phủ nhận là phương pháp mới đã thể hiện sự ưu việt và đang mang lại hiệu quả cho cả thế giới. Vì thế, nếu ta chưa thể nghiên cứu ra phương pháp mới, công nghệ mới thì hãy tiếp cận với cái mới mà thế giới đang có. Trong những cơn bão tới, cơ quan dự báo nên bám sát, tham khảo dự báo của các đài khu vực. Cái quan trọng là phải tìm con đường ngắn nhất, tiết kiệm nhất để có kết quả tốt nhất cho cộng đồng.

Theo Lao động

MỚI - NÓNG