Bão số 10 tan, Bắc Trung bộ thiệt hại nặng

Bão số 10 tan, Bắc Trung bộ thiệt hại nặng
TPO- Sáng 1/10, sau khi quét qua Hà Tĩnh- Quảng Bình, bão số 10 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới ở địa phận của Lào. Bão mạnh làm 3 người chết, hàng chục người bị thường, gây thiệt hại nặng ở Bắc Trung bộ.

> Bão số 10 làm vạn nhà tốc mái, giao thông tê liệt
> Bão số 10 tan, nhiều nơi mưa

Phóng viên Tiền Phong tại hiện trường vụ ăng ten đổ sụp vì bão số 10. Ảnh: CTV
Phóng viên Tiền Phong tại hiện trường vụ ăng ten đổ sụp vì bão số 10. Ảnh: CTV.

Theo Thông tin ban đầu của Ban Chỉ đạo PCLB T.Ư, bão số 10 làm 3 người chết ở Quảng Bình là anh Lê Thanh Nghị (sinh năm 1972), Nguyễn Chí Thành (sinh năm 1973) do cột ăng ten phát sóng ở Đồng Hới gãy đè lên; anh Hồ Trung Thuần (sinh năm 1973) bị tường đè.

Tại Quảng Bình có 13 người bị thương, làm gần 30 nhà sập hoàn toàn (huyện Minh Hóa); gần 90.000 nhà bị tốc mái (huyện Quảng Ninh 13.200 nhà, Bố Trạch 35.600 nhà, Quảng Trạch 40.200 nhà Lệ Thủy 200 nhà...).

Bão cũng làm khoảng 10.000 ha cao su bị gãy, một cột anten phát sóng, nhiều cây cối, cột điện bị gãy đổ... Ngoài ra có 28 tàu thuyền bị chìm và hư hỏng tại bến, trong đó 16 tàu bị chìm (12 tàu 90CV, 4 tàu 45CV) và 12 tàu 90C V bị sóng đẩy lên bãi cát gây hư hỏng.

Tại Quảng Trị, bão làm 17 người bị thương; 11 nhà bị sập, trên 3.660 nhà bị tốc mái, nhiều lều, chòi, trại chăn nuôi bị hư hỏng. Có 30 điểm trường học với hơn 200 phòng bị tốc mái, hư hỏng; 3 điểm bệnh viện, trạm y tế bị tốc mái, hư hỏng; 20 trụ sở công cộng khác bị tốc mái.

Bão cũng làm gần 6.900 ha cây cao su bị đổ gãy, 500 ha tiêu, 3.500 ha sắn, 2.000 ha hoa màu bị thiệt hại; 12.000 ha rừng, 12 ha cây ăn quả, khoảng 10.000 cây và hơn 500 ha tôm bị thiệt hại.

Về thủy lợi, công trình cầu máng Như Lệ ở thị xã Quảng Trị bị hư hỏng, 1,2 km đê kè Gio Việt bị sạt lở. Trong khi đó, 35 cột cao thế, 74 cột hạ thế bị nghiêng, đổ; đường dây cao thế, hạ thế bị đứt hơn 100 vị trí.

Tại Thừa Thiên - Huế, bão làm bị thương 2 người; trên 370 nhà sập, tốc mái; gần160 ha hoa màu, 38 ha mía, gần 40 ha khoai lang, 10 ha sắn bị thiệt hại... bị đổ gãy.

Về thủy sản, hơn 220 ha ao hồ nuôi trồng thủy sản, với khối lượng sạt lở trên 23.000 m3. Chiều dài bờ sông sạt lở trên 24 km, tập trung ở các sông: sông Hương 5,5km; sông Bồ 8,6km; Truồi 2,5km; Bù Lu 1,5km; Ô Lâu 3 km và hơn 5km bờ biển bị sạt lở nặng.

Ngoài ra, trên 20 km đê cũng bị sạt lở, trong đó đê hữu Hương 4km, đê Tây phá Tam Giang 1km, đê Đông phá Tam Giang 6,5km, đê Tây Phá Cầu Hai 9km.

Mưa lớn cũng khiến nhiều tuyến đường tỉnh lộ bị ngập từ 0,2-0,5m; hơn 40 biển báo giao thông bị đổ gãy; nhiều tuyến đường giao thông bị sạt lở...

Tại Hà Tĩnh, thông kê sơ bộ cho thấy bão làm bị thương 3 người, hơn trên 1.370 nhà, 12 điểm trường, 2 trạm y tế, 2 nhà văn hóa bị tốc mái...

Tỉnh này cũng có 250 ha lúa, 110 ha khoai lang, 120 ha rau màu, và trên 700 ha muối bị ngập; 14 km kênh mương bị sạt lở, nhiều cây cối bị đổ và 2 thuyền gỗ tại xã Kỳ Lợ bị sóng đánh trôi...

Nhiều nơi mưa to

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn T.Ư, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Trị có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to. Ở đảo Hòn Ngư có gió giật mạnh 28m/s (cấp 10); Cồn Cỏ gió giật mạnh 43m/s (cấp 14); khu vực Kỳ Anh (Hà Tĩnh) có gió giật mạnh 33m/s (cấp 12).

Trên đất liền các tỉnh ven biển từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế có gió mạnh cấp 6 - 7, giật cấp 8 - 9; riêng thanh phố Đồng Hới (Quảng Bình) gió mạnh 35m/s (cấp 12), Đồn có gió giật mạnh 44m/s (cấp 14). Khu vực Hà Tĩnh đến Đà Nẵng đã có mưa vừa, mưa to với lượng mưa phổ biến 100 - 200mm.

Về các hồ chưa, hiện hồ chứa Sông Tranh đang mở hoàn toàn các cửa xả tràn. Có 12 hồ đang xả điều tiết là A Lưới, A Vương, Sông Ba Hạ, Hồ A Thủy điện Vĩnh Sơn, Buôn Tua Sha, Buôn Kuốp, Srêpốk 3, An Khê, Playkrông, Ialy, Sê San 3, Sê San 4.

Hiện, ở Bắc Trung bộ, mực nước hồ chứa thủy lợi đang tích phổ biến ở mức từ 70-100% so với thiết kế. Hiện có 11 hồ đang xả tràn, cụ thể: Sông Mực, Yên Mỹ (Thanh Hóa); Vực Mấu, Vệ Vừng, Khe Đá (Nghệ An); Kẻ Gỗ, Sông Rác, Thượng Tuy (Hà Tĩnh); Tiên Lang (Quảng Bình); Bảo Đài (Quảng Trị); Hòa Mỹ (TT- Huế).

Ngoài ra, có 31 hồ chứa có nguy cơ mất an toàn, phải tổ chức lực lượng thường trực 24h/24h tại công trình, chuẩn bị vật tư dự phòng để kịp thời ứng cứu khi tình huống xấu xảy ra. Đó là hồ Đồng Bể, Kim Giao (Thanh Hóa); Khe Sặt, Thanh Thủy, Khe Xiêm, Khe Làng (Nghệ An); Cha Chạm, Thùng Trứa, Khe Vôi, Đập Làng, Đập Trạng, Đập Họ, Đập Mưng, Nước Xanh, Khe Chẹt, Bãi Trạng, Bượm, Đá Bạc, An Hùng (Hà Tĩnh); Khối 7, Trằm Bưởi, Khe Lau, Mụ Huyện, Trọt Giếng, Trọt Đâu – Trọt Đen (Quảng Trị); Hòa Mỹ (T.T.Huế); An Long (Quảng Nam); Cây Khế, Đá Bàn, Tôn Dung (Quảng Ngãi).

Theo Viết
MỚI - NÓNG