Bão số 2 di chuyển ra xa đất liền

Bão số 2 di chuyển ra xa đất liền
TPO – Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư cho biết, đến 10 giờ sáng nay, 6/8, vị trí tâm bão số 2 ở vào khoảng 16,7 độ vĩ bắc; 109,3 độ kinh đông, cách bờ biển Đà Nẵng khoảng 110 km về phía đông.
Bão số 2 di chuyển ra xa đất liền ảnh 1
Vị trí của bão số 2 lúc 10h hôm nay, 6/7. Ảnh: Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư

Như vậy với hướng di chuyển này, bão số 2 có xu hướng di chuyển dần ra ngoài khơi sau khi di chuyển chậm dọc bờ biển các tỉnh miền Trung trong ngày hôm qua, 5/7.

Đến 4 giờ sáng nay, bão số 2 ở vào khoảng 16,0 độ vĩ bắc; 109,5 độ kinh đông, cách bờ biển Đà Nẵng khoảng 100 km về phía đông.

Như vậy, sau khi quần thảo 6 tiếng trên vùng biển Quảng Nam – Thừa Thiên Huế, bão số 2 di chuyển ra ngoài khơi, cách xa đất liền thêm khoảng hơn 10 km.

Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư cũng cho biết hiện sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là từ 62 đến 74 km một giờ), giật trên cấp 8.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão số 2 di chuyển theo hướng giữa tây bắc và bắc tây bắc mỗi giờ đi được khoảng 10km. Đến 10 giờ ngày 7/8 vị trí tâm bão ở vào khoảng 18,6 độ vĩ bắc; 108,0 độ kinh đông, cách bờ biển các tỉnh Quảng Bình đến Nghệ An khoảng 200 km về phía đông. Bán kính gió mạnh nguy hiểm từ cấp 6 trở lên tính từ tâm bão khoảng 100km.

Do ảnh hưởng của bão, vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Đà Nẵng đến Quảng Bình và nam vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão cấp 8, giật trên cấp 8.

Trong 24 đến 48 giờ tới, bão số 2 di chuyển theo hướng tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 5 - 10 km, có khả năng suy yếu thành áp thấp nhiệt đới trên vùng biển nam vịnh Bắc Bộ và ảnh hưởng trực tiếp đến vùng ven biển các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thái Bình.

Trong vài ngày tới, các tỉnh từ Đà Nẵng đến Thanh Hóa, Tây Nguyên và phía đông Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Cần đề phòng lũ quét và sạt lở đất.

Ngoài ra, do ảnh hưởng kết hợp với gió mùa tây nam hoạt động mạnh, vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau và khu vực nam Biển Đông có gió mạnh cấp 7, giật cấp 8, cấp 9.

Không còn tàu thuyền ở vùng nguy hiểm

Theo báo cáo nhanh số 147BC-CH của lực lượng biên phòng, tính đến 6h sáng nay, 6/8, không còn tầu thuyền ở vùng nguy hiểm. Trong những ngày qua lực lượng biên phòng đã kêu gọi, hướng dẫn được 20.185 tàu (117.728) như dân đang hoạt động trên biển biết hướng di chuyển của bão để chủ động di chuyển phòng, tránh và vào nơi neo đậu. 

Số tàu và ngư dân hiện đang hoạt động ở khu vực quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa vẫn duy trì liên lạc với bờ và Bộ đội biên phòng; 5 tàu ngư dân Quảng Nam đã di dời khỏi vùng biển Philippine và đã về vùng biển Việt Nam.

Cũng trong ngày hôm qua Biên phòng Phú Yên, Bình Định, Đà Nẵng đã ngăn chặn không cho ra biển hoạt động 85 tàu/439 ngư dân.

Trong ngày 5/8, lực lượng biên phòng đã huy động tàu cá NA 97036 đi cứu cho tàu cá NA 4273/07 thuyền viên đang vào bờ bị hỏng máy trên khu vực biển Nghệ An, đến 22h39’ đã vào bờ an toàn; Điều tàu SAR 413 xuất phát đi cứu tàu QT 3218 trên đường vào bờ bị rơi chân vịt từ ngày 02/8/2007 tại khu vực bờ biển Bình Châu và đã gặp nhau lúc 21h00;

Tàu cá BV 5162TS/10 lao động trên đường vào bờ tránh gió, do sóng to tàu bị chìm, 10 lao động đã được tàu cá đi cùng cứu hộ an toàn. Lúc 0h30’ ngày 06/8 tại khu vực cửa Ba Lạt (Thái Bình) có 2 tàu/20 ngư dân Thanh Hoá khi vào cửa sông bị chết máy, Biên phòng đã điều tàu 5CBCS và huy động 1 tàu ngư dân ra cứu, đã cứu được cả 20 ngư dân và 1 tàu, 1 tàu bị chìm.

Thống kê sơ bộ thiệt hại do mưa lũ gây ra trên địa bàn các tỉnh Đăk Lăk, Đăk Nông và Lâm Đồng

Tính đến 7 giờ hôm nay, 6/8 tại Đăk Lăk có 2  người chết (1 ở Madrak và 1 ở Cưmgar); 14 người bị mất tích (Buôn Mê Thuộc 1 người, Krông Bách 2 người, Krông Na 1 người, CưMgar 1 người, Krông Bông 1 người, Krông Năng 6 người, Krông Bút 2 người), 1 người bị thương. 34 nhà bị sập trôi; 608 căn nhà khác bị ngập; 10.528 ha cây nông nghiệp bị ngập; 7 đập thuỷ lợi nhỏ (dưới 1 triệu m3) bị vỡ 26 đập bổi bị trôi; tỉnh lộ 8 (huyện Cư Mgar) nhiều đoạn bị ngập sâu, đường giao thông nông thôn ở các huyện bị ngập và hư hỏng, một số cầu bị cuốn trôi; nhiều công trình giao thông thuỷ lợi bị xói lở, hư hỏng.

Tỉnh Lâm Đồng có 4 người chết (1người ở TP Đà Lạt chết do cây thông khô đổ vào nhà; 1 người ở huyện Đà Tẻh chết do đi vớt củi; 2 tại huyện Di Linh do lũ cuốn trôi); 14 căn nhà bị cuốn trôi; 178 căn nhà bị ngập;  1.075,6 ha đất nông nghiệp bị ngập; 5,2 km giao thông bị ngập và hư hỏng; 1km kênh mương bị hư hỏng, 216 giếng bị ngập;

Tỉnh Đăk Nông phải di dời 600 hộ bị ngập ở huyện Krông Nô, thị xã Gia Nghĩa huyện  Đăk R’ Lấp; 5.430 ha cây nông nghiệp bị ngập. Ước tính thiệt hại ban đầu lên tới 150 tỷ đồng.

MỚI - NÓNG
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
TPO - Những chuyến du thuyền ngắm vịnh Hạ Long đã được đặt kín từ 2-3 tháng trước nên dự báo không đủ sức cung ứng cho dịp 30/4-1/5 cho khách nội địa. Do đó, đại diện một số doanh nghiệp lữ hành chia sẻ rằng liên tục phải từ chối hàng chục cuộc gọi đặt tour này mỗi ngày trong thời gian gần đây.