Bão số 2 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới

Bão số 2 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới
TPO   Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư cho biết hồi 13 giờ trưa nay, 6/8, bão số 2 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới với tâm áp thấp ở vào khoảng 17,0 độ vĩ bắc; 109,3 độ kinh đông.

Hiện áp thấp vẫn tiếp tục di chuyển xa ra đất liền, cách bờ biển Đà Nẵng - Quảng Bình khoảng 220 km về phía đông.

Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (tức là từ 50 đến 61 km một giờ), giật trên cấp 7, hạ một cấp so với sáng nay.

Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng tây bắc mỗi giờ đi được khoảng 10km. Đến 13 giờ ngày 7/8 vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 18,8 độ vĩ bắc; 108,0 độ kinh đông, cách bờ biển các tỉnh Nghệ An - Quảng Bình khoảng 200 km về phía đông.

Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Đà Nẵng đến Quảng Trị và nam vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6, cấp 7, giật trên cấp 7. Biển động mạnh. Trong vài ngày tới, các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Thanh Hóa, Tây Nguyên và phía đông Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Cần đề phòng lũ quét và sạt lở đất.

Ngoài ra, do ảnh hưởng kết hợp với gió mùa tây nam hoạt động mạnh, vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau và khu vực nam Biển Đông có gió mạnh cấp 6, cấp 7, giật trên cấp 7. 

Tuy nhiên, theo cảnh báo của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư, diễn biến của áp thấp nhiệt đới còn phức tạp và áp thấp vẫn có khả năng mạnh trở lại thành bão.

Triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn hồ chứa nước

Hồi 11h45' hôm nay, Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão T.Ư đã có công điện khẩn số 40 gửi Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão các tỉnh, TP ven biển từ Đà Nẵng đến Quảng Ninh và các tỉnh: Gia Lai, Đăk Lắc, Đăk Nông, Lâm Đồng, các tỉnh miền núi phía bắc

Công điện yêu cầu các tỉnh, thành phố ven biển từ Đà Nẵng đến Quảng Ninh và các tỉnh miền núi phía bắc quản lý chặt chẽ số lượng tàu, thuyền đánh bắt xa bờ, thông báo cho các chủ phương tiện đưa tàu thuyền ra khỏi vùng ảnh hưởng của bão, giữ vững liên lạc để thông tin kịp thời những diễn biến của bão để chủ động phòng, tránh.

Triển khai phương án bảo đảm an toàn cho người và tài sản các khu du lịch và ở các khu nuôi, trồng và các lồng bè thuỷ sản ven biển. Không để người ở lại lồng, bè và chòi canh khu nuôi trồng thuỷ sản khi có bão.

Đối với khu vực miền núi, theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ; kiên quyết di dời các hộ dân cư sống ở các vùng trũng, ven sông suối và hạ lưu các hồ chứa, vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất.

Bố trí lực lượng kiểm soát các bến đò ngang, đò dọc, các ngầm và những đoạn đường bị ngập nước để hướng dẫn giao thông đảm bảo an toàn cho người và phương tiện;ngăn chặn người, phương tiện qua lại ở những nơi có dòng chảy xiết và không để nhân dân ra sông vớt củi trên sông đang có lũ.

Triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn hồ chứa nước.

MỚI - NÓNG