Bão số 2: Vỡ 200m đê biển

Bão số 2: Vỡ 200m đê biển
1 người chết, nhiều nhà cửa, tài sản bị hư hỏng, mưa lớn trên diện rộng khiến hàng chục nghìn ha lúa, hoa màu và nuôi trồng thủy sản bị úng ngập. Đê biển Cát Hải (Hải Phòng) bị vỡ dài 200m, hơn 1.000 hộ dân phải đi lánh nạn.
Bão số 2: Vỡ 200m đê biển ảnh 1

Mặc dù không rơi vào tâm bão, Hải Phòng vẫn phải chịu nhiều thiệt hại đáng kể

16 giờ chiều 31/7, trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Xuân Diệu, Cục phó Cục Quản lý đê điều PCLB (Bộ NN & PTNT) cho biết, bão số 2 đổ bộ vào đất liền đã ảnh hưởng trực tiếp đến 4 tỉnh Nam Định, Hải Phòng, Thái Bình, Ninh Bình, gió mạnh cấp 7  giật  cấp 8, cấp 9, trên cấp 9 ở vùng biển Hải Phòng đến Nam Định và có mưa to trên diện rộng ở nhiều tỉnh.

Ban chỉ đạo PCLB TW đã gửi 2 công điện khẩn tới các tỉnh, bộ, ban ngành và trực tiếp xuống kiểm tra tại các tỉnh bão đi qua.  

20 giờ ngày 31/7, Văn phòng Thường trực (Ban chỉ đạo PCLB TW) cho biết, tâm bão hiện ở 20,5 độ vĩ Bắc, 105,3 độ kinh Đông.

Trả lời Tiền Phong qua điện thoại lúc 19 giờ khi đang trực tiếp kiểm tra tình hình lụt bão ở Nam Định, Trưởng ban Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn (PCLB&TKCN) TW Lê Huy Ngọ cho biết, bão số 2 đổ bộ vào Nam Định trong khoảng thời gian từ 12 giờ đến 13 giờ ngày 31/7, với sức gió cấp 9, cấp 10, kèm theo mưa lớn.

Tuyến đê biển của huyện Nghĩa Hưng (Nam Định) dài 60 km bị uy hiếp, đặc biệt là những đoạn mới thi công. Nguy hiểm nhất là 800 m đê ở xã Nghĩa Hùng đã bị sóng biển đánh xói lở có nguy cơ vỡ rất cao.

Ông Ngọ cũng cho biết thêm, mưa vẫn rất to, tuyến đê biển ở Hải Hậu cũng đang bị đe dọa nghiêm trọng. Theo ông Ngọ nguyên nhân của tình trạng này là do kinh phí cấp cho việc tu bổ đê thiếu và chưa đạt kỹ thuật đề ra.

Nam Định: Ban chỉ huy PCLB tỉnh Nam Định cho biết, 13 giờ ngày 31/7 cơn bão số 2 đi vào đất liền, Nam Định bị ảnh hưởng trực tiếp với sức gió cấp 9 giật cấp 10, cấp 11.

Tại nhà đo sóng Hải Thịnh gió đã làm tốc mái tôn chống nóng. Đoạn đê Thịnh Long sạt 2 lỗ kích thước 3 x 3m, đã xử lý xong. Huyện Nghĩa Hưng, phía đông kè Nghĩa Phúc bị sạt 20 m đã tập trung xử lý kịp thời. Tại khu vực kè Nghĩa Phúc có 4 điểm sạt lở nhỏ hiện đang dùng đá hộc dự trữ để xử lý.

Đê bối Quần Liêu, xã Nghĩa Sơn bị sạt một đoạn dài 40 m. Kè giáp Đông Cổ Vạy ở huyện Giao Thủy bị sạt dài 100m. Kè Bách Linh đê bối Mỹ Tân, huyện Mỹ Lộc dài 100m rộng 1 – 2m cách chân bối bị sạt lở từ 8 – 10 m. 

Hải Phòng: Ban chỉ huy PCLB – TKCN TP. Hải Phòng cho biết, bão số 2 đổ bộ vào khu vực Hải Phòng lúc 8 giờ 30 ngày 31/7, gió bão khoảng cấp 7,8 giật trên cấp 8 và có mưa.

Tính đến 16 giờ 30 mực nước thủy triều đang ở mức cao 2,9 m cộng với nước dâng do bão gây ra một số sự cố công trình đê điều và sự cố trên biển khu vực Hải Phòng.

Theo Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực I, ụ nổi của Cty Công nghiệp tàu thủy Nam Triệu trên khu vực phía nam vịnh Cát Bà, trên ụ có 30 người bị đứt dây neo đậu đang trôi giạt vào cọc 11 luồng Hải Phòng (cửa Nam Triệu) người trên tàu vẫn an toàn; 1 bè nuôi trồng thủy sản của ngư dân xã Lập Lễ, huyện Thủy Nguyên trên khu vực phía Nam vịnh Cát Bà đang bị trôi dạt có nguy cơ bị đắm, trên bè có 2 người hiện chưa tìm thấy.

1 tàu cá Trung Quốc trên khu vực giáp ranh vùng biển Hải Phòng – Quảng Ninh bị sóng đánh gãy đôi, tàu tìm kiếm cứu nạn SAR 411 đang tìm kiếm 10 người Trung Quốc gặp nạn. Tại đảo Đình Vũ hiện có 20 người đang ở khu nuôi trồng thủy sản, Bộ đội Biên phòng đã điều tàu ra ứng cứu, chưa có thông tin cụ thể.

Ông Nguyễn Hữu Khánh, Phó Chủ tịch UBND huyện Cát Hải cho biết, toàn bộ tuyến đê, kè biển trên đảo Cát Hải dài 8 km đã bị sạt lở nghiêm trọng hơn 5 km, trong đó hơn 200 m đê biển đã bị vỡ, nước biển tràn vào.

Hơn 1.000 gia đình trên đảo Cát Hải (chủ yếu ở xã Hoàng Châu, Văn Phong và thị trấn Cát Hải) đã phải lánh nạn lên khu vực cao của đảo vì nước ngập lụt, dâng vào nhà dân khá cao.

Hơn 1.800 ha ruộng muối bị nước biển phá hỏng. Hơn 20 nhà dân trên đảo bị bão đánh sập hoàn toàn, rất nhiều nhà bị tốc mái. Thiệt hại về tài sản, vật chất của người dân trên đảo Cát Hải rất lớn chưa được thống kê...

Tại Đồ Sơn, đê biển đoạn K13,5- K15 bị sạt, có chỗ sạt sâu đến 2m; đê biển từ K0,6 – K1 bị sạt nước tràn qua đê và kè bắt đầu bị sạt, hư hỏng nghiêm trọng.

Tại huyện Hải An, một số cửa khẩu qua đê, cống xi phông bị tràn nước, các cống cá trong tình trạng nguy hiểm. Đê Hữu Bạch Đằng K8 – K9 ở Thủy Nguyên nước dâng cao cách mặt đê 0,2m, tuyến sông Thải nước dâng cách mặt đê 0,2 – 0,3 m. Tại khu vực An Lão vùng kè Cao Mật bị sóng đánh sạt mái trên chiều dài 30m.

Bão số 2: Vỡ 200m đê biển ảnh 2
Mưa, gió lớn làm xe container đâm vào dải phân cách trên đường 5

Ninh Bình: Ban chỉ huy PCLB & TKCN  cho biết, vào lúc 13 giờ ngày 31/7 bão đổ bộ vào Ninh Bình sức gió cấp 8 cấp 9 và giật trên cấp 9. Theo báo cáo nhanh của các huyện thị tính đến 16 giờ 30 ngày 31/7 có 2 nhà  đổ, 6 nhà tốc mái, 4.394 cây xanh bị đổ, 482 ha mầu bị dập nát, 11.782 ha lúa bị úng ngập.

Thái Bình: Ban chỉ huy PCLB & TKCN Thái Bình cho biết, có 1 người bị chết và 2.000 ha tôm bị thiệt hại...

Quảng Ninh: Tuy tâm bão không đổ bộ vào Quảng Ninh nhưng toàn tỉnh có gió to mưa lớn, nhiều nhà tốc mái, nhiều cây đổ, nhiều đoạn đường trên Quốc lộ 18A ngập lụt, phà Bãi Cháy ngừng hoạt động.

Đê Nam Yên Hưng, bị vỡ nhỏ, được khắc phục ngay. ở huyện Vân Đồn, 3 tàu cá của ngư dân đang neo đậu bị va đập vào nhau, gây đắm cả 3 chưa vớt lên được. Mỗi tàu có 6 – 7 người được bộ đội biên phòng cứu thoát.

Thanh Hóa: Ông Mai Văn Ninh – Phó chủ tịch UBND, Phó trưởng ban PCLB tỉnh Thanh Hóa cho biết do bão số 2 không trực tiếp đổ bộ vào Thanh Hóa nên không gây thiệt hại về của.

Mưa trên diện rộng với lượng mưa trung bình 100 ml, đã “giải hạn” cho gần 25.000 ha lúa và hoa màu (trong đó 12.000 ha hạn nặng). Hàng ngàn du khách đã nhanh chóng rời Sầm Sơn tránh bão, gây thất thu không nhỏ cho ngành du lịch.

Hà Nội: Theo thông báo của Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão TP Hà Nội, bão số 2 không ảnh hưởng nhiều đến Hà Nội. Lượng mưa đo được ở Hà Nội tính đến 19h ngày hôm qua (31/7/2005) là 19,6 ly. Hôm nay (1/8), bão số 2 đã suy yếu nhưng vẫn gây mưa to tại Hà Nội và nhiều tỉnh thuộc khu vực Bắc Bộ.

MỚI - NÓNG