Bão số 3 giật cấp 12-14, hệ thống đê biển bị đe doạ

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo cuộc họp khẩn cấp ứng phó với bão số 3 sáng 18/8
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo cuộc họp khẩn cấp ứng phó với bão số 3 sáng 18/8
TPO - Sáng 18/8, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì cuộc họp khẩn cấp ứng phó với bão số 3, dự báo sẽ giật cấp 12-14, đổ bộ vùng Quảng Ninh-Nghệ An trưa chiều ngày mai (19/8)

Tại cuộc họp sáng nay, ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn T.Ư cho biết, bão số 3 sẽ mạnh dần lên khi vào vịnh Bắc bộ.

Dự báo, thời gian bão ảnh hưởng trực tiếp đất liền vào khoảng từ trưa đến chiều 19/8, tuy nhiên, gió mạnh, gây mưa to xuất hiện vùng ven biển từ chiều tối 18/8.  Khi vào bờ, lốc xoáy bão số 3 sẽ ít hơn bão số 1 vừa qua, nhưng có thể gió giật mạnh hơn, ở cấp 12-14.

Đáng lưu ý, bão đổ bộ khi triều cường dâng cao, đặc biệt từ Hải Phòng - Thanh Hoá nước biển dâng 3-4m, kết hợp với sóng biển cao 3-5m, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thống đê biển.

Ông Cường cho biết, bão số 3 có hoàn lưu của bão trên 200km nên phạm vi ảnh hưởng rất rộng, gây mưa lớn ở toàn vùng đông bắc, đồng bằng Bắc bộ, Thanh Hóa và toàn bộ trung du miền núi phía Bắc.

Tổng lượng mưa cả đợt ở vùng ven biển Quảng Ninh-Hải Phòng, khu vực đồng bằng và trung du Bắc bộ, Thanh Hóa-Nghệ An phổ biến 200-300mm, có nơi trên 400mm. Các khu vực khác ở Bắc bộ, Hà Tĩnh-Quảng Bình phổ biến 100-200mm, có nơi trên 250mm.

Tính đến sáng nay, Biên phòng tuyến biển từ Quảng Ninh đến Quảng Trị phối hợp với địa phương, chủ tàu thông báo,hướng dẫn cho trên 36.300 tàu thuyền, lồng bè, lều chòi, với 125.721 người biết vị trí, hướng di chuyển của bão số 3 để chủ động di chuyển phòng tránh. Tuy nhiên, hiện vẫn còn trên 3.000 tàu thuyền/hơn 15.000 người đang hoạt động trên biển, đang trên đường về bờ hoặc di chuyển trú tránh.

Bão số 3 giật cấp 12-14, hệ thống đê biển bị đe doạ ảnh 1

Trong khi đó, theo Tổng cục Thuỷ lợi, hiện hầu hết các hồ chứa ở miền Bắc và Bắc Trung bộ đã đầy và gần đầy nước. Trong đó, ở khu vực miền núi và trung du Bắc bộ có 13 hồ chứa xung yếu đang tích nước cao là: Ngòi Là 2 (Tuyên Quang), Ghềnh Chè (Thái Nguyên), Khuôn Thần, Làng Thum, Bàu Lày, Trại Muối, Khe Chão (Bắc Giang), Khe Táu, Dân Tiến (Quảng Ninh), Hồng Sạt (Điện Biên), Thanh Lanh, Vĩnh Thành, Làng Hà (Vĩnh Phúc).

Đánh giá là cơn bão phức tạp, gây mưa lớn diện rộng, ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng NN&PTNT, Trưởng Ban chỉ đạo T.Ư về Phòng chống thiên tai yêu cầu các địa phương trong vùng ảnh hưởng cấm biển từ 18/8; vùng nguy hiểm được xác định là Bắc vĩ tuyến 17. Đồng thời rút kinh nghiệm về neo đậu tàu thuyền trú tránh trong cơn bão số 2, làm trên trên 1.300 tàu thuyền nhỏ bị đánh chìm, hư hại.

Đặc biệt lưu ý, kiên quyết đưa tất cả người dân vùng bãi, chòi nuôi trồng thuỷ sản vào nơi trú tránh an toàn. “Khu vực phía Bắc đang no nước hai cơn bão, nên nguy cơ sạt lở cao nhất. Trong khi đó, khu vực phía bắc có trên 2.000 điểm nguy hiểm về sạt lở, lũ quét cần có giải pháp cụ thể để di dời người dân”-Bộ trưởng Cường nói.

Chỉ đạo cuộc họp, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ TN&MT, chỉ đạo cơ quan dự báo bám sát, thông tin liên tục về đường đi, cường độ, thời gian đổ bộ của bão để phục vụ công tác phòng chống.

Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương phải chủ động ứng phó với tình hình thực tế, không cứng nhắc. Chủ động bảo vệ các công trình trường học, bệnh viện, hạ tầng,  căn cứ vào tình hình để chủ động cho học sinh nghỉ học.

Phó Thủ tướng lưu ý, thời điểm bão vào đúng vào thời điểm triều cường cao, mưa lớn, nên đe doạ rất lớn hệ thống đê biển, việc tiêu thoát nước sẽ gặp khó khăn.

Còn vùng núi, đất đá đã bão hoà do những đợt mưa trước. Các địa phương tăng lực lượng, xử lý cấp bách những điểm đê, hồ đập xu yếu, có nguy cơ cao; sẵn sàng vật lực để ứng cứu tại chỗ khi có tình huống xảy ra.

MỚI - NÓNG