Bão số 4 đi vào Quảng Ninh, Hải Phòng

Bão số 4 đi vào Quảng Ninh, Hải Phòng
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, tối nay ( 12/7), bão số 4 đã đi vào địa phận các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng và suy yếu nhanh thành một vùng áp thấp.
Bão số 4 đi vào Quảng Ninh, Hải Phòng ảnh 1
Ngập lụt trên đường phố Nam Định do ảnh hưởng của bão số 4. Ảnh : TTXVN

Bão số 4 đã gây ra gió mạnh cấp 7, cấp 8, giật cấp 9, cấp 10 trên vùng biển vịnh Bắc Bộ; cấp 6, cấp 7, giật cấp 9 trên vùng ven biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Hải Phòng.

Ở các tỉnh phía Đông Bắc Bộ đã có mưa to, một số nơi mưa rất to.Tổng lượng mưa tính đến 19 tối nay phổ biến trong khoảng 30-60 mm, một số nơi trên 100mm như: thành phố ( TP) Nam Định 122mm, TP Phủ Lý 105mm, TP Ninh Bình 115 mm, TP Thái Bình 110mm, Chi Nê ( Hòa Bình) 112mm...

Hồi 19 giờ ngày 12/7, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 21,0 độ Vĩ Bắc; 106,7 độ Kinh Đông, trên địa phận Quảng Ninh-Hải Phòng, sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 ( tức là dưới 39 km một giờ).

Trong vòng 24 giờ tới, vùng áp thấp này tiếp tục di chuyển về phía Tây, suy yếu và tan dần. Do ảnh hưởng của hoàn lưu vùng áp thấp, ở các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Các tỉnh vùng núi đề phòng lũ quét và sạt lở đất.

Ngoài ra, trên vùng biển ngoài khơi phía Đông Bắc đảo Lu-Dông ( Philíppin), một áp thấp nhiệt đới đang hoạt động. Hồi 19 giờ ngày 12/7, có vị trí ở vào khoảng 20,1 độ Vĩ Bắc; 125,6 độ Kinh Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6, di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ khoảng 15-20km một giờ.

Quảng Ninh thực hiện tốt công tác phòng chống cơn bão số 4

Bão số 4 đã đi vào đất liền trong đó có Quảng Ninh và đã suy yếu nhanh thành một vùng áp thấp. Đến 22 giờ ngày 12/7, chưa có thống kê thiệt hại do bão gây ra nhưng công tác phòng chống bão được Quảng Ninh thực hiện tốt là một đảm bảo để giảm thiểu tối đa thiệt hại

Từ 20 giờ ngày 12/7, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đã chia nhau đi đôn đốc, kiểm tra tình hình phòng chống bão số 4 tại tất cả các huyện, thị xã, thành phố nhất là những huyện có tuyến đê biển trọng yếu như Yên Hưng, Móng Cái, Tiên Yên...

Tại Cảng tàu khách du lịch Bãi Cháy đã tạm dừng cấp phép 450 tàu đưa khách đi thăm Vịnh Hạ Long vì điều kiện thời tiết xấu, do ảnh hưởng của bão số 4; đến khi nào điều kiện thời tiết và các điều kiện đảm bảo an toàn mới cấp phép trở cho các tàu di thăm vịnh. Toàn bộ khách du lịch đang lưu trú ở các du thuyền trên Vịnh cũng như các tàu đưa khách đi thăm Vịnh đã cập bờ và về nơi trú ẩn an toàn.

Tại Cảng Cái Rồng (huyện Vân Đồn) đang có 600 tàu, thuyền các loại trú bão, tại Cô Tô có 500 tàu, thuyền các loại đã vào trú bão... 147/156 tàu đánh bắt xa bờ trên toàn tỉnh đã về bến tránh trú bão an toàn.

Tại các tuyến đê trọng yếu ở xã Đông Ngũ, Đông hải, Hải Lạng, Đồng Rui (huyện Tiên Yên), đê Hà Nam (huyện Yên Hưng) đã cắt cử người trực 24/24h với đầy đủ nhân lực, vật lực để sẵn sàng đối phó với các tình huống xấu có thể xảy ra.

Ông Lê Minh Chuẩn, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn công nghiệp than khoáng sản Việt Nam (TKV) cho biết: Đối với các đơn vị khai thác, sàng tuyển than trên địa bàn, TKV đã cử cán bộ trực tiếp kiểm tra các điểm có nước trên bề mặt để đề phòng bục nước đối với các mỏ hầm lò như Mông Dương, Khe Chàm, Hà Lầm..; làm cánh phai chắn, nâng cao cốt nề đề phòng nước lụt tràn vào các giếng khai thác than. Các công ty khai thác than lộ thiên như Núi Béo, Cọc Sáu, Cao Sơn..., TKV đã chỉ đạo di dời máy xúc, máy khoan, ô tô ra xã chân các bãi thải để tránh sạt lở bờ mỏ, tiến hành khơi thông cống, rãnh đã tránh sạt lở các địa tầng. Công ty tuyển than Cửa Ông đã tổ chức neo chằng, xích các máy rót than, hệ thống sàng tuyền. Các phương tiện đang bốc rót than tại khu vực cảng chuyển tải Hòn Nét cũng đã được đưa vào nơi neo đậu an toàn.

Toàn bộ tàu thuyền đánh của Hải Phòng đã về nơi neo đậu an toàn

Do ảnh hưởng của bão, từ 14 giờ ngày 12/7, Hải Phòng bắt đầu có mưa. Đến khoảng 18 giờ thời tiết bắt đầu có dấu hiệu xấu hơn. Nhiều tuyến phố như Cầu Đất, Hàng Kênh, Hoàng Diệu...đã bị ngập lụt. Tính đến 17 giờ ngày 12/7, toàn bộ 4.167 tàu thuyền đánh bắt thuỷ sản của Hải Phòng (trong đó có 155 tàu đánh bắt xa bờ) đã về nơi neo đậu an toàn.

Huyện Cát Hải đã huy động lực lượng 30 người, vật tư, 12 chiếc rọ thép và hơn 20 m3 đá hộc để xử lý sự cố lún, sụt ở 4 đoạn kè K5,600; K5,755; K5,867; K3,094. Tuy nhiên, Cát Hải còn 96/571 lồng, bè cá người dân chưa tự giác di chuyển về nơi tránh bão an toàn. Hiện chính quyền địa phương đang tích cực vận động, tuyên truyền các hộ dân này. Huyện đảo Bạch Long Vĩ mở âu cảng đón các tàu của thành phố và các tỉnh lân cận về tránh báo trong đó Thanh Hoá 59 tàu, Quảng Ngãi 15 tàu, Quảng Ninh 01 tàu, Đà Nẵng 01 tàu...

Tất cả các địa phương cũng đã lên phương án đối phó với cơn bão số 4, dự kiến sẽ đổ bộ vào đất liền vào tối và đêm 12/7. Các huyện chủ động hoành triệt cống xung yếu dưới đê; hạ nước đệm trong hệ thống thuỷ nông, chuẩn bị vận hành các trạm bơm tiêu úng, lên phương án di dời dân vùng đê bối. Ở mỗi cửa khẩu qua đê và các cống xung yếu, các địa phương đều dự trữ hàng chục m3 đất để phòng bị tình huống nứt, vỡ.

Tính bình quân mỗi xã, phường huy động khoảng 100 - 200 người làm lực lượng xung kích hộ đê và cứu nạn. Mỗi địa phương ven biển, ven sông cũng chuẩn bị từ 8.000 - 25.000 bao tải, hàng ngàn cây tre cùng các phương tiện vận chuyển để ứng cứu tình huống xấu xảy ra.

MỚI - NÓNG