Bão số 7 : Hoàn thành sơ tán dân trước 17h ngày 2/11

Bão số 7 : Hoàn thành sơ tán dân trước 17h ngày 2/11
Trước khả năng bão số 7 có thể đổ bộ vào miền Trung, trong cuộc họp sáng nay, BCĐ Phòng chống lụt bão Trung ương lại thành lập Ban chỉ huy Tiền phương tại Đà Nẵng, hoạt động từ chiều nay. Việc sơ tán dân sẽ hoàn thành trước 17h ngày 2/11.

>> Bão số 7 : Công điện khẩn của UBQG tìm kiếm cứu nạn

Khẩn cấp tránh bão, cả ở vùng biển nước bạn

Tại cuộc họp, Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu các ngành, các địa phương chuẩn bị phòng chống bão số 7 khẩn trương và kiên quyết nhất, với tinh thần luôn cảnh giác, không chủ quan, lơ là.

Các tỉnh từ Quảng Ninh đến Kiên Giang tìm mọi biện pháp liên lạc với các tàu thuyền, gọi ngư dân vào bờ tránh bão.

Việc rút kinh nghiệm neo đậu tàu thuyền trước bão để tránh thiệt hại cũng được Phó Thủ tướng lưu ý thực hiện. Sau bão số 6, có tới hơn 900 tàu tránh bão bị chìm hoặc vỡ do neo đậu không đúng cách hoặc trong các khu vực chật hẹp. Phó Thủ tướng đề nghị thực hiện phương châm phòng chống tại chỗ, nghĩa là các tàu có thể chạy tới vùng biển sát vùng có bão, hoặc vào tránh bão ở vùng biển nước bạn. Các địa phương phải kiên quyết không cho ngư dân ra biển trong những ngày này.

Cũng tại cuộc họp, Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu ngành khí tượng thủy văn phải thông báo sớm, chính xác cấp độ bão, hướng di chuyển, tọa độ vùng ảnh hưởng bão, độ cao của sóng…. Ngành Thủy sản, lực lượng biên phòng, các địa phương phải nắm chắc số tàu thuyền của mình đang đánh cá ở vùng biển nào để tìm cách liên lạc, thông báo biện pháp phòng tránh bão.

Đối với Bộ Ngoại giao, ngay chiều nay, thực hiện nhiệm vụ liên hệ, đề nghị các nước và vùng lãnh thổ cho phép tàu thuyền Việt Nam vào tránh bão số 7, tạo mọi thuận lợi cho ngư dân Việt Nam được lên bờ tránh bão.

Đà Nẵng tập trung lực lượng cứu hộ ra bờ biển đối phó với cơn bão số 6 cách đây gần 1 tháng.

Hoàn thành sơ tán dân trước 17h ngày 2/11

Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng chỉ đạo: Tại các địa phương, phải khẩn trương sơ tán dân ra khỏi vùng nguy hiểm như ven sông, ven biển nước triều dâng cao khi có bão, vùng dễ bị sạt lở, không để dân trong các căn nhà dễ bị đổ, trên tàu thuyền neo đậu tránh bão. Tận dụng kinh nghiệm của các địa phương trong trận bão trước là xây dựng hầm tránh bão trong cát, thực hiện phòng chống bão tại chỗ, dùng bao cát chèn lên mái tôn để tránh bị bay, chằng chống nhà đúng quy cách, tỉa bớt cành cây. Việc sơ tán dân phải hoàn thành trước 17h ngày 2/11.

Bên cạnh đó, các địa phương chủ động chuẩn bị lương thực, thực phẩm, nước uống, thuốc chữa bệnh cho dân các vùng đảo, các vùng miền núi dễ bị nước lũ chia cắt. Kiên quyết không để dân bị đói, rét khi bị nước lũ chia cắt hoặc hệ thống giao thông bị phá huỷ. Khẩn trương gia cố các đê tránh để vỡ khi nước lớn, các công trình có nguy cơ bị đổ do bão.

Theo Phó Thủ tướng, vấn đề quan trọng là phải có kế hoạch huy động sức mạnh tổng hợp của các ngành, các cấp và nhân dân khắc phục hậu quả sau bão. Phó Thủ tướng cho rằng, nhiều địa phương thời gian qua chỉ lo phòng chống bão đổ bộ mà không xây dựng kế hoạch khắc phục hậu quả sau bão, dẫn đến để vật tư xây dựng tăng giá, thiếu thuốc chữa bệnh, tổ chức cứu trợ các gia đình có người bị nạn không khoa học, để số người bị chết do lũ sau bão nhiều hơn số người bị chết do bão.

Theo VietnamNet

MỚI - NÓNG