Bão số 7 quay ra biển

Bão số 7 quay ra biển
TPO - Sớm nay 24/11, bão số 7 đã đổi hướng di chuyển ra phía Đông. Bộ trưởng Cao Đức Phát - Trưởng ban Chỉ đạo PCLBTƯ - yêu cầu, tuy bão đã suy yếu, nhưng các địa phương không được chủ quan.

>> Khánh Hòa : Di dời dân ngay trong chiều tối nay

Bão số 7 quay ra biển ảnh 1
TT TT dự báo Khí tượng Thuỷ văn TƯ : Bão số 7 chuyển hướng ra biển

Hồi 10 giờ sáng nay 24/11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 11,8 độ Vĩ Bắc, 111,3 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Khánh Hòa – Ninh Thuận khoảng 230km về phía Đông.

Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (tức là từ 89 đến 102 km/giờ), giật trên cấp 10.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão số 7 di chuyển chủ yếu theo hướng Đông, mỗi giờ đi được khoảng 5 – 10km. Đến 10 giờ ngày 25/11 vị trí tâm bão ở vào khoảng 11,7 độ Vĩ Bắc, 112,7 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây (thuộc quần đảo Trường Sa) khoảng 170km về phía Tây Tây Bắc.

Trong 24 đến 48 giờ tới, bão số 7 di chuyển theo hướng giữa Đông và Đông Đông Nam, mỗi giờ đi được khoảng 10km. Đến 10 giờ ngày 26/11 vị trí tâm bão ở vào khoảng 11,4 độ Vĩ Bắc, 115,2 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây khoảng 100km về phía Đông.

Ở các tỉnh Trung và Nam Trung Bộ có mưa và mưa vừa, có nơi mưa to.

Bão không vào, nhưng nỗi lo chưa hết

Bão số 7 quay ra biển ảnh 2

Bộ trưởng Cao Đức Phát và trung tướng Nguyễn Đức Soát tại cuộc họp. Ảnh : Đình Quân

Sáng 24/11, Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo PCLB Trung ương đặt tại Khánh Hoà họp giao ban. Cùng dự họp với Bộ trưởng Bộ NN&PTNT kiêm Trưởng Ban chỉ đạo PCLB Trung ương Cao Đức Phát có Trung tướng Nguyễn Đức Soát - Phó Trưởng Ban chỉ đạo PCLB Trung ương, Phó Chủ tịch thường trực Uỷ ban quốc gia Tìm kiếm cứu nạn, ông Võ Lâm Phi - Chủ tịch UBND  tỉnh Khánh Hoà…

Trong đêm 23/11 mưa ở hầu hết các tỉnh đã giảm hẳn, mực nước trên các sông từ Quảng Ngãi đến Bắc Khánh Hoà đang xuống chậm và ở mức báo động 2 đến báo động 3. Qua những dự báo và diễn biến thực tế, đại diện ngành Khí tượng thuỷ văn nói, chỉ còn 0,05% khả năng bão số 7 quay trở vào đất liền Việt Nam. Nghe vậy, nét mặt những người dự họp có phần bớt căng thẳng, dù vừa qua một đêm ít ngủ.

Theo báo cáo nhanh của Bộ Tham mưu - Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng, đến 6h ngày 24/11 đã có 45.011 tàu thuyền/245.084 ngư dân được thông báo và kêu gọi đi tránh bão. Hầu hết số tàu thuyền này đã vào nơi trú ẩn hoặc hoạt động ngoài vùng nguy hiểm của bão số 7. Còn 35 tàu/517 ngư dân của Quảng Ngãi, Bình Định, TP. Hồ Chí Minh, Tiền Giang đang trong vùng nguy hiểm, gồm 2 tàu ở quần đảo Hoàng Sa, 51 tàu ở quần đảo Hoàng Sa.

Trong ngày 23/11 đã có 1324 tàu/4.567 ngư dân ở các tỉnh từ Bình Thuận đến Bình Định cố tình ra biển hoặc neo đậu ở khu vực có thể xảy ra nguy hiểm bị ngăn chặn, cưỡng chế vào bờ và đến nơi an toàn. Một số trường hợp tàu chìm, hư hỏng đã được cứu hộ đưa vào nơi an toàn ở quần đảo Trường Sa hoặc được tàu Philippinnes cứu. Các tỉnh Bình Định, Phú Yân, Khánh Hoà, Ninh Thuận đã di dời 7707 hộ/30736 khẩu đến nơi an toàn.

Chỉ có một người mất tích, đó là ông Nguyễn Giác, sinh năm 1940, trú tại thôn Mỹ Thành (Hoà Mỹ Tây, Tây Hoà, Phú Yên) bị nước cuốn lúc 12h ngày 23/11. Có 6 tàu bị chìm, 1 tàu bị hư hỏng nặng tại đảo Song Tử Tây, 2 ngôi nhà bị sập (ở phường Vĩnh Thọ, Nha Trang và ở An Phú, TP. Tuy Hoà).

“Bão ra xa bờ nhưng còn đang trong vùng biển nước ta, cụ thể là vùng Trường Sa. Ở đó có rất nhiều tàu thuyền đang tránh trú bão, nguy hiểm với họ chưa qua, thậm chí còn tăng lên. Do vậy, cần kiên quyết không để bà con lên tàu và rời nơi neo đậu lúc này.” - Trung tướng Nguyễn Đức Soát chỉ đạo. Ông cũng đề nghị các cơ quan có trách nhiệm và địa phương lưu ý thông tin cho ngư dân chủ động phòng tránh cơn bão Mitag (số 8) đang ở Đông Bắc biển Đông.

Bộ trưởng Cao Đức Phát ghi nhận, các lực lượng tìm kiếm cứu nạn đã làm việc rất tích cực, góp phần giảm nhẹ rất nhiều thiệt hại về con người và tài sản do bão số 7. Về việc di dời dân trong chiều và đêm 23/11, ông khẳng định, đó là việc làm đúng đắn, cần thiết.

Tuy chiều 23/11 có vài dự báo rằng bão sẽ không vào bờ, nhưng thực tế không thể biết chắc lúc đó tâm bão cách bờ 150km hay chỉ cách 50km! Không thể chủ quan trước tính mạng, tài sản của nhân dân. Ông cũng tán thành ý kiến của đại diện lãnh đạo Quân khu 5, việc bố trí neo đậu tàu thuyền ở nơi tránh bão chưa tốt. Các tàu thuyền quá sát nhau, nếu bão tới không tránh khỏi va đập, vỡ chìm. Thực tế, chuyện này đã xảy ra ở đảo Phú Quý (Bình Thuận) trong bão Durian hồi đầu tháng 12/2006.

Ngày hôm nay, các địa phương thông báo cho nhân dân đã sơ tán được trở về nhà. Với người nuôi thuỷ sản trên lồng bè, UBND các địa phương tuỳ tình hình thực tế để quyết định cho phép họ trở lại lồng bè hay không. Tuy nhiên trong ngày 24/11 dứt khoát chưa cho tàu thuyền ra khơi.

Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng lưu ý, có hơn 4000 ngư dân Việt Nam đã vào trú bão số 7 ở các nước lân cận. Các địa phương cần liên lạc, nhắc nhở họ tôn trọng luật pháp nước sở tại, không “tranh thủ” đánh bắt cá khi còn trong lãnh hải của họ, để tránh tình trạng “đi tránh bão rồi bị bắt giữ” như đã từng xảy ra.

Trong cuộc họp, việc xử lý với một con tàu Panama đang ở gần tâm bão được thảo luận khá nhiều. Tàu Sergly trọng tải 38.186 tấn, chở 36.422,8 tấn lưu huỳnh đặc, trên tàu có 23 thuyền viên đã lọt vào khu vực gần tâm bão số 7 từ đêm 22/11. Do hỏng máy, con tàu “chủ quan, liều lĩnh” này đã không thể chạy ra khỏi vùng nguy hiểm và đang bị nhồi lắc giữa sóng to gió lớn, phải cầu cứu.

Lúc 6h35 ngày 24/11, tàu Sergly ở vị trí 12019,5’B, 110045,5Đ, cách bờ biển Khánh Hoà chừng 95 hải lý và chỉ cách tâm bão ở thời điểm đó chừng 35 hải lý. Tuy nhiên, lúc 12h, đại lý hàng hải của tàu Sergly là Cty TNHH Q. tại TP. Hồ Chí Minh cho biết, tàu Sergly đã khắc phục được hư hỏng, tự đối phó được với sóng bão!   

Các tỉnh từ Đà Nẵng đến Cà Mau tiếp tục không cho tàu ra khơi

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng Thuỷ văn Trung ương: Tuy bão số 7 đang đổi hướng và giảm đi một cấp nhưng vẫn còn diễn biến phức tạp và gây nguy hiểm cho tàu thuyền trên biển. Vì vậy, hồi 9h ngày 24/11, Ban Chỉ đạo PCLBTW-Uỷ ban Quốc gia TKCN đã có công điện số 139/ CĐ-TW gửi Ban Chỉ huy PCLB&TKCN các tỉnh ven biển từ Đà Nẵng đến Cà Mau. Ban Chỉ huy PCLB các Bộ: Quốc phòng; Công an; Giao thông vận tải; Xây dựng; Công Thương; Văn hoá, thể thao và du lịch. Nội dung công điện như sau:

Để chủ động phòng tránh và đối phó với bão, Ban Chỉ đạo PCLBTW&Uỷ ban Quốc gia TKCN yêu cầu Ban Chỉ huy PCLB&TKCN các tỉnh, thành phố:

1. Vùng nguy hiểm trong 24h tới của bão số 7 được xác định như sau: Khu vực giữa và Nam biển Đông (bao gồm quần đảo Trường Sa) và vùng biển các tỉnh từ Bình Định đến Ninh Thuận.

2. Các địa phương và Bộ đội Biên phòng tiếp tục kiểm soát chặt chẽ các tàu đánh bắt xa bờ, không cho ra khơi hoặc đi vào các vùng nguy hiểm. Đối với tàu đánh bắt gần bờ, căn cứ tình hình diễn biến thực tế của cơn bão tại địa phương để quyết định cho việc hoạt động trở lại.

3. Các địa phương căn cứ vào tình hình cụ thể mưa bão tại địa phương để xem xét việc đưa dân đã sơ tán trở về.

4. Các cơ quan thường trực TKCN chuyên ngành, Ban Chỉ huy PCLB&TKCN các Bộ, ngành và các địa phương duy trì lực lượng, phương tiện thường trực TKCN theo kế hoạch, sẵn sàng tham gia ứng cứu và xử lý các tình huống.

5. Bố trí lãnh đạo trực ban, theo dõi sát diễn biến của bão, mưa, lũ để xử lý kịp thời các tình huống xảy ra và báo cáo về Văn phòng Ban Chỉ đạo PCLBTW& Văn phòng UBQGTKCN để phối hợp xử lý.

MỚI - NÓNG