Bão số 7 : TPHCM chuẩn bị di dời gần 10.000 dân

Bão số 7 : TPHCM chuẩn bị di dời gần 10.000 dân
Huyện Cần Giờ - nơi nhiều khả năng chịu ảnh hưởng trực tiếp nhất của bão số 7 -  đã chuẩn bị kế hoạch sơ tán, di dời khoảng hơn 2.200 hộ với 8.350 người đến địa điểm tạm trú an toàn. Chiều nay, TPHCM đã có cuộc họp khẩn cấp để đối phó với cơn bão mạnh cấp 12 này.

Bão số 7 giật trên cấp 12

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng Thuỷ văn Trung ương, hồi 19 giờ ngày 22/11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 10,9 độ Vĩ Bắc, 111,7 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Khánh Hòa – Bình Thuận khoảng 300km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 11, cấp 12 (tức là từ 103 đến 133 km/giờ), giật trên cấp 12.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão số 7 di chuyển chậm theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 5km và ảnh hưởng trực tiếp đến vùng biển các tỉnh từ Phú Yên đến Bình Thuận.

Đến 19 giờ ngày 23/11 vị trí tâm bão ở vào khoảng 11,4 độ Vĩ Bắc, 110,7 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Khánh Hòa – Ninh Thuận khoảng 200km về phía Đông Đông Nam.

Ông Nguyễn Trung Tín, Phó Chủ tịch UBND thành phố, Trưởng Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão thành phố Hồ Chí Minh đã chủ trì cuộc họp này để  triển khai phương án khẩn cấp trước, trong và sau cơn bão số 7 (Hagibis) nhằm hại chế đến mức thấp nhất thiệt hại do bão gây ra.

Ông Nguyễn Phước Thảo, Phó Ban Chỉ huy PCLB thành phố cho biết, qua tham khảo thêm dự báo của một số Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc tế, nhiều khả năng bão số 7 sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến thành phố Hồ Chí Minh; đặc biệt là khả năng xảy ra tổ hợp bất lợi (xả lũ với lưu lượng lớn của các hồ chứa thượng nguồn; mua to trên diện rộng do ảnh hưởng bão và triều cường dâng cao gây ngập úng trên địa bàn, nhất là tại các quận 6, 8, 12, Thủ Đức, Bình Thạnh và các huyện Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh...

Theo ông Thảo, hiện các hồ thượng nguồn Dầu Tiếng, Trị An, Thác Mơ, Cần Đơn, Srok Phu Miêng đang tích đến mực nước dâng bình thường nên khả năng xả tràn sau bão sẽ xảy ra để bảo đảm an toàn cho các hồ.

Nếu hồ Dầu Tiêng xả tràn xuống sông Sài Gòn từ ngày 24/11/2007 sẽ ảnh hưởng rất lớn đến khu vực thành phố Hồ Chí Minh, vì đợt triều cường sắp tới theo dự báo sẽ đạt đỉnh 1,48m vào ngày 27/11/2007; mực nước xả từ hồ Dầu Tiếng về đến thành phố trong thời gian 2-3 ngày sẽ trùng vào ngày triều cường đạt đỉnh.

Như vậy nếu tổ hợp bất lợi trên xảy ra, khả năng mực nước trên sông Sài Gòn tại trạm Phú An đạt đến trên 1,5m sẽ gây ngập úng nhiều nơi trong nội và ngoại thành thành phố. Do mực nước dâng cao cũng có thể làm thay đổi dòng chảy, các quận – huyện, phường – xã – thị trấn phải chuẩn bị trước lực lượng, phương tiện, địa điểm tạm cư để chủ động sơ tán, di dời dân tại các vùng ven sông, vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ nguy cơ sạt lở cao như quận Bình Thạnh, huyện Nhà Bè, Củ Chi...đến các địa điểm trạm cư kiên cố, chắc chắn nhằm đảm bảo an toàn sinh mạng và tài sản nhân dân.

Ông Trần Đình Vĩnh, Phó Chi cục Quản lý chất lượng và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản thành phố cho biết, đến 7 giờ sáng ngày 22/11/2007, Chi cục đã liên lạc và nắm toàn bộ tàu thuyền đánh bắt xa bờ với tổng số 104 chiếc từ 90 CV trở lên, trong đó có 8 chiếc đang hoạt động trên biển với 59 thuyền viên.

Chi cục đã thông báo vị trí tâm bão, diễn biến và hướng di chuyển cho chủ tàu, thuyền trưởng, đồng thời kêu gọi các tàu này nhanh chóng thoát ra khỏi vùng nguy hiểm, tìm nơi trú bão an toàn. Trong số này có 4 tàu của doanh nghiệp Huỳnh Liêm xin được vào trú bão tại đảo Natuna phía Bắc Indonesia.

Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch Nguyễn Trung Tín chỉ đạo các sở - ngành, quận – huyện tập trung tuyên truyền, thông báo hướng di chuyển của bão để người dân biết chủ động trong việc phòng, tránh bão, lốc xoáy kết hợp mưa to.

Các cơ sở, chủ trại nuôi nhốt động vật hoang dã nguy hiểm (cá sấu, gấu...) phải thực hiện ngay phương án gia cố chuồng trại nuôi, nếu để động vật hoang dã sổng chuồng phải chịu trách nhiệm, kể cả chính quyền địa phương nơi đó.

Bà Rịa – Vũng Tàu : Xí nghiệp Liên doanh Dầu khí Vietsovpetro cho biết: đến chiều 22/11, đơn vị đã sơ tán 70 cán bộ công nhân viên đang làm việc trên các giàn nhẹ (BK), 130 người đang làm việc trên 2 giàn tự nâng (Trident – 6 và Wet Larissa) vào bờ tránh, trú bão. Sáng 23/11, đơn vị sẽ tiếp tục sơ tán nốt 45 cán bộ còn lại trên 2 giàn tự nâng.

Hiện Vietsopetro cũng đã dừng sản xuất trên mỏ Rồng, các dàn nhẹ và dàn tự nâng, đồng thời tiến hành bơm rửa đường ống. Cũng trong chiều nay, đơn vị đã cho ngừng việc tiếp nhận khí từ mỏ Rạng Đông để đảm bảo an toàn. Ban Chỉ huy tình huống khẩn cấp của Vietsovpetro đã yêu cầu lãnh đạo các đơn vị trực thuộc ở trên biển khẩn cấp thực hiện biện pháp phòng chống bão, như gia cố giàn chắc chắn, đóng kín cửa ra vào các block nhà ở và không cho công nhân ra ngoài khi bão đang đổ bộ, gọi tàu về bờ, bảo quản giếng khoan, cắt điện các khu vực nguy hiểm, hạ các cần cẩu.

Đến chiều 22/11, các xã thuộc huyện Long Điền, Đất Đỏ, một số phường của thành phố Vũng Tàu ở giáp biển... đã chuẩn bị chu đáo và sẵn sàng việc di dời dân vào sâu trong đất liền. Các hộ dân ở gần ven sông, vùng trũng thấp như xã Phước Tỉnh, thị trấn Long Hải, xã Phước Hưng, thị trấn Phước Hải, khu vực gần ven sông Dinh, sông Thị Vải, Sống Ray, những khu dân cư có nguy cơ sạt lở núi, đá đè cũng đã được lên kế hoạch chuyển tới các địa điểm kiên cố như, chắc chắn như trường học, trụ sở xã, thị trấn các chùa lân cận.

Từ buổi chiều nay 22/11, nhiều hộ dân đã chuẩn bị mua lương thực, thực phẩm như đèn cầy, đèn pin, mỳ gói... sẵn sàng khi bão tới. Tại các phường, xã, thị trấn đã liên tục cho phát loa, đài di động hướng dẫn cho bà con cách chẳng chống nhà cửa, chuẩn bị ứng cứu với bão...

Theo Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, tính đến 16 giờ 30 phút chiều 22/11 vẫn còn 1.189 tàu đánh cá với 4.826 ngư dân đang còn trong khu vực ảnh hưởng trực tiếp của bão số 7 có tọa độ từ 7 đến 9 độ Bắc và 107 đến 109 độ Đông chưa vào bờ. Tuy nhiên, Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh cho biết, toàn bộ số tàu trên đã được thông báo về cơn bão số 7 và sẽ vào bờ trong đêm nay, ngày mai. Được sự giúp đỡ của Bộ Ngoại giao, hiện cũng đã có 643 tàu đánh cá của ngư dân với 3.731 thuyền viên đã vào các bến, cảng của 2 nước Indonexia và Malaysia tránh trú bão an toàn.

Cũng theo Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh, chiều nay 22/11 có 2 ghe đánh cá đều của tỉnh Bình Định là: BĐ 1176 TS (chủ ghe La Văn Trường, quê quán Bình Định), trên ghe có 9 thuyền viên và BĐ 0664 TS (chủ ghe Trần Văn Lập, quê quán Hoài Nhơn – Bình Định), trên ghe có 7 thuyền viên bị phá nước tại tọa độ 10 độ Bắc – 113 độ 51 phút Đông. Tuy nhiên, tại vị trí này cơn bão đã đi qua và các thuyền viên trên tàu cho biết, sự cố đang được khắc phục. Hai tàu cũng đang tiến hành liên lạc với tàu bạn gần đó nhờ giúp đỡ.

Trước đó, 9 giờ 25 phút sáng cùng ngày, ghe cá BĐ 2483 TS của Bình Định (chủ ghe là Huỳnh Văn Ngọt) đã mắc cạn một ghành có tọa độ 11 độ Bắc – 114 độ 5 phút Đông, gần đảo Thị Tứ (Philippin). Ghe bị phá nước và không thể vào nơi tránh trú được. Phía nước bạn đã giúp đỡ và hiện 9 thuyền viên trên ghe cá đã lên đảo Thị Tứ tránh trú an toàn.

Ninh Thuận: Đến chiều 22/11, đã có 1.963 tàu thuyền, với 11.914 lao động khai thác hải sản của tỉnh Ninh Thuận đã vào nơi trú ẩn, trong đó có 1.927 tàu thuyền với 11.475 ngư dân đã vào trú bão tại các bến cảng trong tỉnh; 36 tàu thuyền gồm 439 lao động neo đậu tại vùng biển Phú Quốc (Kiên Giang), Bình Thuận và Quảng Ngãi.

Ngoài ra, tại các bến cảng của tỉnh Ninh Thuận cũng đã tiếp nhận 191 tàu thuyền, gồm 1.010 lao động của các tỉnh Bình Định, Khánh Hòa, Quảng Ngãi, Bình Thuận và Phú Yên vào trú bão.

Toàn tỉnh Ninh Thuận hiện còn 22 tàu thuyền, gồm 144 lao động khai thác hải sản vùng khơi xa đều giữ liên lạc được với gia đình và Bộ đội Biên phòng, nhưng chưa về đến nơi trú ẩn.

Bến Tre: Trưa ngày 22/11/2007, Thường trực Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn ( PCLB & TKCN ) tỉnh Bến Tre và Giám đốc Sở GD & ĐT đã thống nhất cho học sinh các cấp trong tỉnh nghỉ học từ chiều thứ sáu (23/11) và ngày thứ bảy (24/11/2007), đề phòng bão số 7 gây mưa to, gió mạnh...

Ngoài ra, Ban chỉ huy PCLB & TKCN đã có kế hoạch chuẩn bị cho các xã ven biển di dời, sơ tán dân trước 6 tiếng đồng hồ khi nhận định bão sẻ ảnh hưởng đến Bến Tre, đồng thời việc cấm đò dọc, đò ngang hoạt động trên các sông, rạch cũng sẽ được thông báo trước 6 tiếng đồng hồ, khi nhận định bão vào...

Vĩnh Long : Để chủ động phòng tránh và giảm nhẹ thiệt hại của bão , thường trực Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão & tìm kiếm cứu nạn tỉnh Vĩnh Long đã yêu cầu các Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão các địa phương trực 24/24 giờ, thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ“, nhắc nhở nhân dân thường xuyên theo dõi thông tin dự báo của bão. Hiện mỗi xã, phường, thị trấn đã bố trí lực lượng tại chỗ từ 20-30 người, lực lượng quân đội ứng trực thường xuyên ở mỗi huyện, thị 50 người và tại tỉnh từ 200-300 người để sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn ngay khi cần thiết.

Thường trực Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão tỉnh đã hoàn thành khâu lắp đặt hệ thống thông tin liên lạc vô tuyến để đảm bảo liên lạc với các địa phương, kể cả khi xảy ra sự cố mất điện.

Khánh Hoà : Chiều 22/11, Thường trực Uỷ ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa đã họp khẩn cấp với Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh cùng các ngành có liên quan triển khai các biện pháp phòng chống cơn bão số 7.

Theo Đài khí tượng khí tượng thuỷ văn Nam Trung bộ tại Nha Trang, cơn bão số 7 có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến Khánh Hoà, UBND, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã yêu cầu Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp với Sở Thuỷ sản khẩn trương kêu gọi các tàu thuyền vào bờ, chậm nhất là đêm nay phải đến các noi trú ẩn an toàn, nghiêm cấm các tàu thuyền ra khơi; hướng dẫn các tàu thuyền đã về bến neo đậu đúng qui định, không neo đậu tàu thuyền vào chân cầu.

Ngày mai 23/11, tất các phương tiện hoạt động trên biển phải ngừng hoạt động, đưa vào nơi trú ẩn an toàn (kể cả tàu du lịch, cáp treo Vinpearl), cho học sinh nghỉ học đến khi hết bão.

Đến 11 giờ trưa 22/11, tỉnh Khánh Hoà còn 146 tàu với 1.180 thuyền viên đang hoạt động trên biển. Toàn bộ tàu đã liên lạc được với đất liền và đang khẩn trương vào bờ. Đáng chú ý có 18 tàu với 214 thuyền viên hiện đang ở khá xa đất liền, đã gần hết dầu và đang chạy vào hướng Vũng Tàu có nguy cơ vào vùng bão (trong đó có tàu KH 9118 TS của ông Võ Ký trú tại Vĩnh Phước, Nha Trang, trên tàu có 13 người do máy bị chảy nhớt, không theo kịp đoàn).

Bộ đội Biên phòng tỉnh đang hướng dẫn các tàu này chạy xuống phía nam ra khỏi vùng bão và đề nghị tỉnh và Trung tâm cứu nạn quốc gia khu vực Miền trung đưa tàu và dầu ra cứu nạn cho các tàu trên. Ngoài ra, tỉnh còn 236 tàu và 862 thuyền viên đang hoạt động gần bờ (khoảng 5-10 hải lý) tối nay đến sáng mai sẽ vào bờ hết.

MỚI - NÓNG