Bão số 7 : Vẫn còn 35.000 ngư dân trên biển

Bão số 7 : Vẫn còn 35.000 ngư dân trên biển
TPO - Theo tổng hợp báo cáo của bộ đội Biên Phòng, đến 13 giờ hôm nay (31/10),  vẫn còn 3.938 tàu với 35.316 ngư dân trên biển chưa vào bến tại các địa phương. TT dự báo KTTV TƯ lưu ý, tàu thuyền nên di chuyển về phía Bắc để tránh bão.

Tính đến 13 giờ ngày 31/10/2006, chỉ huy các đơn vị BĐBP từ Thanh Hoá đến Kiên Giang đã tổ chức triển khai kế hoạch, điều động 6.016 CBCS/316 tàu, xuồng, ca nô, xe ôtô của 357 Đồn BP, Hải đội và cơ quan Bộ Chỉ huy thường trực trực cơ động phòng, chống bão số 7.

Các đơn vị BĐBP tuyến biên giới biển đã sử dụng hệ thống thông tin tìm kiếm cứu nạn và phối hợp với gia đình các chủ tàu, thuyền trưởng tổ chức thông báo, gọi được 25.783 phương tiện/ 168.917 ngư dân đang hoạt động trên biển vào bờ hoặc di chuyển phòng tránh bão. Phối hợp với  chính quyền địa phương và ngành Thuỷ sản tổ chức bố trí sắp xếp được 21.915 phương tiện neo đậu tại các bến và khu neo đậu.

BĐBP Đà Nẵng tổ chức kéo lên bờ tránh bão 170 phương tiện đánh cá loại vừa và nhỏ. Tuy nhiên hiện vẫn còn 3.938 tàu thuyền với 35.316 ngư dân trên biển chưa vào bến địa phương.

Trong đó đáng chú ý có 78 tàu/915 người chưa lên lạc được với bờ (Thanh Hóa có 57 tàu/788 người; Quảng Nam có 01 tàu/09 người; Cà Mau có 20 tàu/ 118 người) và 107 tàu/1043 người còn đang hoạt ngoài khơi khu vực giữa và Nam biển Đông.

BĐBP các tỉnh đã tổ chức ngăn chặn, kiên quyết không cho tàu thuyền ra biển hoạt động. Điển hình: BP Thanh Hoá ngăn chặn 45 phương tiện/385 lao động; Đà Nẵng: 56 phương tiện/420 lao động, Quảng Nam 219 phương tiện/526 lao động. Cà Mau 102 tàu/501 phương tiện.

Hiện nay, với sự cố gắng nỗ lực của mình, BĐBP các tỉnh thành ven biển đang cùng với các cấp chính quyền các địa phương và  ngành Thủy sản để hướng dẫn, kiên quyết di dời phương tiện vào sâu trong sông hoặc sang các tỉnh phía Bắc TT - Huế và phía Nam Phú Yên, đề phòng va đập chìm tại bến như bão số 6.

Tàu thuyền nên di chuyển về phía Bắc để tránh bão

Các tàu thuyền nên di chuyển về phía Bắc để phòng tránh cơn bão số 7. Đó là lời cảnh báo đối với các tàu thuyền đang ra khơi của ông Lê Văn Thảo, Trưởng phòng dự báo hạn ngắn, Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương.

Ông Thảo cho biết thêm: bão số 7 đang ở vĩ tuyến 17, phạm vi gió của cơn bão này có thể ra đến vĩ tuyến 19 và lùi xuống phía Nam ở vĩ tuyến 15. Trong hôm nay và ngày mai, nếu không có sự thay đổi đặc biệt, bão sẽ di chuyển theo hướng Tây Tây Nam.

Vì vậy, tất cả tàu thuyền đang ra khơi từ vĩ tuyến thứ 17 trở ra phía Bắc nên di chuyển về phía Bắc để tránh xa vùng bão (các tàu thuyền đánh bắt xa bờ từ vĩ tuyến 16 trở vào phía Nam nên di chuyển thẳng về phía Nam). Đặc biệt, các tàu thuyền đang ra khơi ở vùng Hoàng Sa, tuyệt đối không được vào Hoàng Sa trú ẩn bởi nhiều khả năng cơn bão số 7 sẽ đi qua khu vực đó.

Bà Lê Thị Xuân Lan, Phó phòng dự báo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ cho biết: mức độ của bão số 7 khi vào gần bờ sẽ mạnh tương đương hoặc yếu hơn cơn bão số 6 diễn ra vừa qua.

Bán kính của bão số 7 ở khoảng 400 - 500 km, đuôi bão quét xuống khu vực Nam Bộ, tâm bão có thể đi qua Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi...

Theo nhận định của nhiều nhà khoa học, cơn bão số 7 sẽ suy yếu khi đổ bộ vào đất liền, tâm bão sẽ đổ bộ vào các tỉnh ven biển miền Trung gây ra sóng to, gió giật trên cấp 15, đặc biệt là khả năng lũ lớn ngay sau bão.

Tuy nhiên, các nhà khoa học cho rằng do hiện tượng áp cao lạnh phía bắc sẽ tăng cường trở lại vào ngày hôm nay sẽ làm cho vùng biển ngoài khơi lạnh đi (26 độ C). Điều này sẽ làm cho sức mạnh của cơn bão số 7 giảm xuống cấp 12, 13 bởi hiện nay vùng biển đang chịu sự khống chế của khối không khí khô và điều kiện lạnh và khô sẽ không có khả năng cung cấp năng lượng cho bão duy trì và phát triển mạnh thêm.

Ngoài ra, bão số 7 di chuyển khá chậm với tốc độ 12 km/h, tốc độ càng chậm sẽ càng tiêu hao nhiều năng lượng. Do đó, nhiều khả năng bão suy yếu khi vào vùng biển ngoài khơi Trung Bộ.

Ông Lê Văn Thảo nhận định: nếu đổ bộ vào miền Trung, bão số 7 sẽ gây ra mưa lớn, hình thành lũ, lũ quét ở miền Trung. Mưa tập trung nhiều ở Trung Trung Bộ.

Ngày 31/10/2006, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện khẩn gửi:

Các Bộ: Quốc phòng; Thủy sản; Giao thông vận tải; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa Vũng Tàu, Cà Mau, Kiên Giang; Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt, bão Trung ương; Ủy ban Quốc gia tìm kiếm Cứu nạn;

Bộ Tư lệnh bộ đội Biên phòng; Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Báo Nhân dân, Thông tấn xã Việt Nam. Toàn văn Công điện Khẩn như sau:

Theo báo cáo về tình hình phòng, chống cơn bão số 7, đến 7 giờ sáng ngày 31 tháng 10 năm 2006 vẫn còn trên 4.200 tàu, thuyền với 37.400 người đang hoạt động trên biển chưa vào nơi tránh, trú bão hoặc chưa liên lạc được (có phụ lục chi tiết kèm theo); tàu, thuyền ở một số địa phương ven biển vẫn tiếp tục ra khơi.

Để đảm bảo an toàn cho ngư dân và tàu thuyền, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do bão gây ra, tiếp theo Công điện số 1741/CĐ-TTg ngày 30 tháng 10 năm 2006, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:

1. Tư lệnh trưởng Bộ đội Biên phòng chỉ đạo các đơn vị triển khai ngay các biện pháp mạnh, kiên quyết không cho tàu thuyền ra khơi.

2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ, tìm mọi biện pháp khẩn cấp tổ chức việc kêu gọi và hướng dẫn tàu, thuyền tìm nơi trú, tránh bão để đảm bảo an toàn.

3. Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và các phương tiện thông tin đại chúng thông báo ngay số lượng tàu, thuyền của các tỉnh còn chưa vào nơi trú ẩn hoặc chưa liên lạc được (có danh sách kèm theo Công điện này).

4. Bộ Trưởng bộ Thủy sản và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố báo cáo thường xuyên kết quả thực hiện nội dung này về Ban chỉ đạo phòng, chống lụt, bão Trung ương và Ban Chỉ đạo Tiền phương tại thành phố Đà Nẵng.

4.200 tàu, thuyền với 37.400 người đang hoạt động trên biển chưa vào nơi tránh, trú bão hoặc chưa liên lạc được (tính đến 7h sáng nay) :

1. Nghệ an: 226 tàu / 1.595 người;

2. Hà Tĩnh: 02 tàu / 13 người;

3. Quảng Bình: 66 tàu / 435 người;

4. Quảng Trị: 49 tàu / 293 người;

5. Thừa Thiên Huế: 02 tàu / 20 người;

6. Đà Nẵng: 72 tàu / 360 người;

7. Quảng Nam: 01 tàu / 09 người;

8. Quảng Ngãi: 352 tàu / 2.254 người;

9. Bình Định: 82 tàu / 814 người;

10. Phú Yên: 18 tàu / 168 người;

11. Khánh Hòa: 191 tàu / 1.469 người;

12. Ninh thuận: 50 tàu / 319 người;

13. Bình Thuận: 435 tau/ 3.493 người;

14. Bà Rịa Vũng Tàu: 2.012 tàu / 17.752 người;

15. Cà Mau: 635 tàu / 6.464 người;

16. Kiên Giang: 193 tàu / 2.800 người;

Trong đó đặc biệt chú ý có 300 tàu cá với 3.852 ngư dân còn đang hoạt động ở khu vực nguy hiểm giữa và nam biển Đông hoặc chưa liên lạc được. Cụ thể:

1. Quảng Nam: 01 tàu / 09 người chưa liên lạc được;

2. Quảng Ngãi: 19 tàu / 260 người tránh bão ở khu vực Trường Sa, Hoàng Sa;

3. Khánh Hòa: 87 tàu / 783 người hoạt động ở khu vực Trường Sa và Vũng Tàu;

4. Kiên Giang: 193 tàu / 2.800 người chưa liên lạc được.

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.