Bão số 9 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới
TPO - Theo cơ quan khí tượng, trưa nay bão số 9 đã đi vào đất liền các tỉnh từ Bình Thuận đến Bến Tre với cường độ mạnh cấp 7, giật cấp 9. Hiện nay một số khu vực đang mưa to. Sau khi đổ bộ, bão số 9 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.

Hồi 13h, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 10,3 độ Vĩ Bắc; 107,1 độ Kinh Đông, trên bờ biển các tỉnh từ Nam Bình Thuận đến Bến Tre. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-60km/giờ), giật cấp 9. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 70km.
Dự báo trong 12 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc mỗi giờ đi được 5-10km, đi sâu vào đất liền các tỉnh từ Bình Thuận đến Bến Tre với cường độ mạnh cấp 6-7, giật cấp 9; sau đó suy yếu thành vùng áp thấp. Đến 01 giờ ngày 26/11, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở khoảng 11,1 độ Vĩ Bắc; 105,9 độ Kinh Đông, ngay trên khu vực biên giới các tỉnh miền Đông Nam Bộ và Campuchia. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40km/giờ). Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.
Thành phố Hồ Chí Minh: Chiều và đêm nay (25/11) có mưa to đến rất to (100-200mm) và có khả năng xảy ra lốc xoáy. Nguy cơ rất cao mưa lớn kết hợp triều cường gây ngập lụt.
Cảnh báo gió mạnh trên biển: Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới suy yếu từ bão số 9, ở vùng biển từ Nam Bình Thuận đến Bến Tre chiều và tối nay có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8. Biển động. Sóng trên biển cao từ 2-4m.
Ngoài ra, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường, ở Vịnh Bắc Bộ gió Đông Bắc mạnh cấp 6, giật cấp 8; biển động.
Cảnh báo gió mạnh trên đất liền: Trên đất liền các tỉnh từ Bình Thuận đến Bến Tre chiều và tối nay có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8. Sâu trong đất liền các tỉnh Đông Nam Bộ có gió giật mạnh và khả năng lốc xoáy trên toàn bộ khu vực Nam Bộ.
Cảnh báo mưa lớn: Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới sau suy yếu thành vùng áp thấp, ở các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Bình Thuận, khu vực Nam Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 100-200mm, có nơi trên 250mm; khu vực Bắc Tây Nguyên và Tây Nam Bộ có mưa to 50-100mm.
Từ đêm nay (25/11) đến đêm 27/11, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường kết hợp với nhiễu động của đới gió Đông nên có mưa to đến rất to mở rộng ra các tỉnh từ Quảng Trị đến Khánh Hòa, lượng mưa phổ biến: các tỉnh Quảng Trị, Khánh Hòa (50-80mm/ngày); ở Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Phú Yên (80-150mm/ngày); ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định (100-200mm/ngày).
Cảnh báo lũ: Từ nay đến 28/11, trên các sông từ Quảng Trị đến Bình Thuận, các tỉnh miền Đông Nam Bộ và khu vực Tây Nguyên xuất hiện một đợt lũ. Đỉnh lũ trên các sông từ Quảng Trị đến Bình Thuận phổ biến ở mức BĐ2-BĐ3, các sông nhỏ lên trên BĐ3; các sông ở khu vực Tây Nguyên ở mức BĐ1-BĐ2. Nguy cơ cao xảy ra lũ lớn cục bộ, lũ quét, sạt lở đất vùng núi, ngập lụt vùng trũng thấp, đô thị tại các tỉnh trên. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 2-3.

Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cảnh báo: Trong 3-6 giờ tới, nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng tại vùng trũng thấp ở tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận đặc biệt là huyện Bác Ái, Ninh Sơn, Ninh Hải (Ninh Thuận), Cam Ranh, Diên Khánh, Khánh Vĩnh, thành phố Nha Trang (Khánh Hòa).

Trao đổi với VnExpress lúc 11h20 ngày 25/11, Thạc sĩ Lê Đình Quyết, Phó phòng dự báo (Đài khí tượng thủy văn Khu vực Nam Bộ) cho biết bão đã đi qua Vũng Tàu và đang ở Cần Giờ (TP HCM). Hiện tại, gió ở Cần Giờ tối đa mạnh cấp 6. Cường độ gió đã giảm, chỉ còn là áp thấp nhiệt đới và di chuyển vào đất liền các tỉnh Đông Nam Bộ.
"Từ giờ cho đến hết đêm các tỉnh Nam Bộ như Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh và cả TP HCM sẽ có mưa. Cả đợt mưa cho đến hết đêm nay cũng chỉ vào khoảng 170-180 mm. Mưa rải đều, triều cường cũng đang thấp dưới 1,5 m nên khả năng ngập úng không nghiêm trọng", ông Quyết nói.
Từ Vũng Tàu, phóng viên Tiền Phong cập nhật: Trưa nay, bão số 9 đã đổ bộ vào khu vực thành phố gây mưa to và gió giật rất mạnh, nhiều cây xanh và biển hiệu trên đường ngã đổ. Nhiều tuyến đường của thành phố Vũng Tàu ngập sâu do mưa lớn, một số tuyến nước ngập đến nửa bánh xe, nhiều phương tiện chết máy phải dẫn bộ.
Dọc tuyến đường qua huyện Long Điền, Bà Ria - Vũng Tàu bị ngập, cây xanh ngã đổ, nhà bị tốc mái.

Theo Đài khí tượng thủy văn Nam Bộ, bão khi đi áp sát đất liền thì xuống thành áp thấp nhiệt đới. Sáng nay tại Vũng Tàu có gió cấp 7, Cần Giờ gió cấp 6. Lúc 11h30, gió vẫn còn duy trì cấp 6 trên 2 địa điểm này, tổng lượng mưa tính đến thời điểm này tại Vũng Tàu là 76,5mm, Cần Giờ 63 mm.

Áp thấp nhiệt đới tiếp tục đi sâu vào đất liền ảnh hưởng đến các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, các tỉnh miền Đông Nam Bộ, đến Bến Tre, Tiền Giang, Long An, gió phổ biến cấp 5, giật cấp 6. Mưa sẽ tiếp tục từ giờ sang tới sáng mai, tổng lượng mưa các tỉnh này từ 100-180 mm.
Theo VnExpress, ông Lê Minh Dũng, Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ cho biết hiện ở địa phương này vẫn đang có mưa to và gió lớn. Thống kê đến thời điểm này, trên địa bàn huyện không có thiệt hại nào về người, tài sản. "Do thời tiết vẫn xấu nên chúng tôi vẫn thông báo cho bà con nếu không có việc gì gấp thì không nên ra đường lúc này để bảo đảm an toàn", ông Dũng nói.






Theo bản tin phát lúc 11h của Trung tâm Khí tượng quốc gia, ở Phan Thiết, Vũng Tàu đã có gió mạnh cấp 7, giật cấp 8. Hoàn lưu bão đã gây mưa rất to cho khu vực Trung Bộ (200-300 mm).
Trong 3 giờ qua, bão số 9 hầu như ít di chuyển và có cường độ suy giảm. Hồi 10h ngày 25/11, tâm bão ngay trên vùng bờ biển các tỉnh từ nam Bình Thuận đến Bến Tre. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 90 km.
Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng tây tây bắc mỗi giờ đi được 5-10 km, trưa nay sẽ đi vào đất liền các tỉnh từ Bình Thuận đến Bến Tre với cường độ mạnh cấp 7, giật cấp 9; sau đó suy yếu thành áp thấp nhiệt đới rồi thành một vùng áp thấp.
Đến 22h ngày 25/11, trung tâm vùng áp thấp ngay trên khu vực biên giới các tỉnh miền Đông Nam Bộ và Campuchia.



Sáng 25/11, tại Bến Tre mưa rả rít, gió thổi mạnh, lãnh đạo tỉnh Bến Tre chia nhiều đoàn đi kiểm tra thực tế ở các địa phương ven biển trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi; tạm ngưng hoạt động đối với các bến phà, bến đò ngang, đò dọc, đò du lịch.

Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCH tỉnh Bến Tre đã liên lạc được tổng số 3.106 phương tiện đang hoạt động trên biển với 17.536 người vào đất liền tránh bão. Ngoài ra, Các huyện, thành phố đang triển khai công tác sơ tán, di dời dân ở các khu vực xung yếu, có nguy cơ cao bị ảnh hưởng: trên tàu thuyền, lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản; vùng ven biển, cửa sông có nguy cơ bị sóng to, gió lớn, ngập sâu; khu vực có nguy cơ sạt lở, các cồn, người dân sống trong các nhà tạm bợ, không đảm bảo an toàn. Dự kiến số lượng người cần di dời, sơ tán tại 3 huyện ven biển khoảng 16 ngàn người (di dời tại chỗ 15 ngàn người, sơ tán 1 ngàn người).


Cùng chuyên mục

Bắt giam lái xe khách va chạm ô tô biển xanh làm 8 người thương vong

Một doanh nghiệp ở TPHCM nghi trốn thuế gần 7 tỷ đồng

Xe máy lao tốc độ 'bàn thờ' khiến xe tải lật xuống đường vì tránh

Chủ tịch Hà Nội yêu cầu làm rõ vụ dân tố ‘mất nhà’ khi về quê ăn Tết

Miễn phí xe của dân quanh trạm BOT Quốc lộ 2 Vĩnh Phúc

Rùng mình khi tận mắt chứng kiến các nhà hàng, quán ăn phục vụ lễ hội

Ngân hàng Nhà nước 'siết' tín dụng bất động sản
