Bão số năm suy yếu vẫn gây hại lớn

Bão số năm suy yếu vẫn gây hại lớn
TP - Chiều 30-9, bão số 5 khi đổ bộ vào các tỉnh từ Nam Định đến Quảng Ninh đã suy yếu thành áp thấp. Dù vậy, tại Quảng Ninh gió vẫn mạnh, giật cấp 6, cấp 7 và gây mưa to, lũ, ngập ở nhiều nơi. Nhiều tàu thuyền ở các tỉnh bị đánh trôi dạt, nhà bị tốc mái, hoa màu và thủy sản bị thiệt hại nặng ở khắp các tỉnh áp thấp đổ bộ.

9 người chết do bão lũ, hơn 300 nhà dân tốc mái
> Hủy hàng loạt chuyến bay vì bão

Quảng Ninh: Thiệt hại khoảng 50 tỷ đồng

Bão số 5 vào Quảng Ninh và gây mưa lớn ở nhiều nơi. Tại thời điểm bão đổ bộ, nhiều nơi lượng mưa đo được 100 - 125 mm. Mưa lớn khiến quốc lộ 18 đoạn qua tổ 1, khu 1, phường Cửa Ông, TX Cẩm Phả (Quảng Ninh) ngập nghiêm trọng, giao thông tê liệt nhiều giờ. Cho tới chiều cùng ngày, tình trạng ngập lụt vẫn chưa thể khắc phục. Mưa lớn đã khiến hàng loạt nhà dân khu vực này bị ngập.

Tại TP Hạ Long, khi bão đổ bộ, gió cấp 9-10 và mưa lớn. Hàng loạt cây xanh đã bị gẫy đổ. Sáng 30-9, trước ảnh hưởng của cơn bão số 5, UBND TP Hạ Long đã cưỡng chế và đưa tàu ra đón 120 hộ dân tại làng chài Vung Viêng, phường Hùng Thắng vào bờ vì các hộ này vẫn trú ngụ tại làng chài với thuyền nhỏ và nhà nổi. Di dời một số hộ dân ở khu 5, phường Cao Xanh trước nguy cơ sạt lở tại khu vực này.

Tại huyện Hải Hà đã có 28 ngôi nhà bị tốc mái, 63 công trình phụ bị hư hỏng, trên 200 ha lúa và ngô đang trong thời kỳ trổ bông bị đổ, gần 100 ha mía, rau màu các loại bị hư hỏng, 2 bè nuôi cá song giống bị lũ cuốn trôi. Tại TP Móng Cái khi bão tràn qua cũng khiến 11 nhà bị tốc mái…

Tại huyện đảo Cô Tô, bão số 5 với sức gió lớn và lượng mưa đo được trên 100 mm cũng đã gây thiệt hại nặng về tài sản của dân.

Theo thống kê của BCH PCTT & TKCN huyện Cô Tô, tại khu neo tránh trú bão Vụng Kho Gạo (Cảng đồn 16, khu vực gần đảo Thanh Lân) có 5 tàu nhỏ bị đắm cạn và một số bè mảng nhỏ bị sóng lớn đánh hỏng. Lực lượng cứu hộ huyện Cô Tô cũng ứng cứu thành công 1 tàu công suất khoảng 120 CV cùng 7 người trên tàu. Trên địa bàn huyện có một số nhà bị tốc mái.

Tới chiều cùng ngày, trên địa bàn huyện Cô Tô có 4 tàu bị đứt neo trôi dạt, lực lượng PCLB đã kịp thời cứu toàn bộ số người trên thuyền vào bờ an toàn. Tại khu neo đậu tránh trú bão Vụng Gạo, có 2 tàu bị trôi dạt, 10 bè mảng bị vỡ.

Hải Phòng: Toàn bộ học sinh nghỉ học tránh bão

Sáng 30-9, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải kiểm tra các vị trí đê biển xung yếu tại quận Đồ Sơn và Dương Kinh (Hải Phòng) cũng như công tác chống bão số 5 của thành phố. Trước khi bão số 5 đổ bộ vào Hải Phòng ít giờ, sáng 30-9, gần 13 nghìn người dân ở khu vực sát biển, trũng ở đảo Cát Hải, Bạch Long Vĩ, Đồ Sơn, Dương Kinh đã được đưa đi trú bão tại các trường học, đình làng, cơ quan nhà nước...

Hai mươi nghìn thùng mì ăn liền, 50 tấn gạo, một tấn đường, 7 nghìn thùng nước uống đóng chai và các nhu yếu phẩm khác dành để cấp phát cho người dân vùng tránh bão. Toàn bộ học sinh đất Cảng nghỉ học ngày 30-9 để tránh bão...

Tối 30-9, ông Bùi Hoàng Tiệp, Phó Giám đốc Trung tâm TKCN Hàng hải khu vực 1 cho biết ngay sau khi nhận được thông tin về sự cố tàu Hoàng Anh - bị hỏng máy trên biển khi đang chở 700 tấn bột mì đúng lúc bão, Trung tâm đã hướng dẫn tàu Hoàng Anh xử lí sự cố ban đầu rồi đưa tàu ra lai dắt tàu Hoàng Anh vào khu vực tránh bão ở đảo Cát Hải.

Sáng 30-9, tàu HP 90489TS cùng 5 thuyền viên bị hỏng máy trôi dạt trên biển đúng lúc gió bão được tàu CN09 (của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Hải Phòng) tìm thấy lai dắt về làng chài Vạn Gia ở Quảng Ninh để trú bão.

Nam Định: Cứu 5 người thoát chết trong đêm

Trưa 30-9, bão số 5 cập bờ, nhóm PV Tiền Phong có mặt ở các huyện vùng biển của Nam Định là Nghĩa Hưng, Giao Thủy, Hải Hậu. Lúc này, gió chỉ giật cấp 6, cấp 7, lượng mưa nhỏ.

Tại huyện Giao Thủy, gần 930 tàu thuyền của huyện được gọi về nơi trú ẩn ở các khu neo đậu, cửa sông an toàn từ 21 giờ ngày 29-9. Đối với hơn 1.200 người dân ở các chòi canh nuôi nghêu, vạng theo lệnh của huyện, phải rút trước 1 giờ sáng 30-9. Tuy nhiên, một số hộ dân, không theo lệnh rút, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão địa phương đã cưỡng chế, đồng thời lập biên bản cảnh báo.

Cây đổ ven đường Lê Hồng Phong - Nam Định
Cây đổ ven đường Lê Hồng Phong - Nam Định. Ảnh: Hồng Vĩnh

Do không theo lệnh của lực lượng biên phòng, nên 5 người dân suýt chết trong đêm. Đại úy Bùi Quang Hưng, Trạm trưởng trạm số 9 (Đồn biên phòng 88) sau một đêm vật lộn, giải cứu người dân ở ngoài bãi nuôi trồng kể: “Nhận lệnh của Ban chỉ huy PCLB huyện, chúng tôi đã thông báo hết 130 lều, chòi canh nuôi nghêu, vạng (vùng trạm số 9 quản lý) vùng bãi ngoài đê phải rút vào đất liền, một số hộ vẫn chần chừ, không chịu vào. Hơn 23 giờ ngày 29-9, chúng tôi nhận được điện thoại kêu cứu của người dân phía ngoài đê biển, do sập chòi, thuyền mủng bị chết máy không thể về được”.

Đại úy Hưng nhớ lại: “Chúng tôi phải điều động, sử dụng hai tàu cá của ngư dân đi lần mò trong đêm mịt mùng, giữa bãi nghêu, vạng. Lúc đó gió cấp 7, cấp 8, sóng lớn, nên rất khó tiếp cận nơi ngư dân kêu cứu, trong khi, điện thoại của họ chỉ liên lạc một lúc thì hết pin. Mãi tới 4 giờ sáng, chúng tôi mới tiếp cận được, lúc này, người thì ngồi co ro bên cọc chòi gần đổ, người bám lấy mủng mặt tái tím vì lạnh, và sợ hãi”.

Ông Nguyễn Văn Đồng, Chủ tịch UBND huyện Giao Thủy cho biết, trước thông tin về bão số 5, huyện đã di dời hơn 720 người ở khu vực biển Quất Lâm, gần 50 hộ ở Tân Hồng (xã Giao Thiện); còn khu kinh tế Điện Biên với 2.600 hộ dân, đã di dời toàn bộ phụ nữ, trẻ em, người già để tránh bão.

Tại Thái Bình, tuy không có thiệt hại về người nhưng diện tích lúa và nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng lớn. Ông Nguyễn Hữu Rong, Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, lúc bão đổ bộ, từ 11 giờ đến 13 giờ hôm qua, gió chỉ mạnh cấp 7, 8, giật cấp 9, còn vùng ven biển có gió cấp 9, cấp 10. Lượng mưa nhỏ, khoảng 60 mm. Theo ông Rong, toàn tỉnh có 83.000 ha lúa, thì có tới 10.000 ha bị ngập, 40.000 ha bị nghiêng, đổ; gần 2.000 ha nghêu bị thiệt hại.

Theo Ban chỉ đạo PCLB T.Ư, những ngày sắp tới, các địa phương cần theo dõi tình hình mưa các tỉnh phía Bắc, đề phòng lũ quét sạt lở đất; đồng thời duy trì lực lượng tìm kiếm cứu nạn để xử lý khi có yêu cầu.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG