Báo tắc đường bằng tin nhắn - Hiệu quả đến đâu?

Báo tắc đường bằng tin nhắn - Hiệu quả đến đâu?
TP - Đầu tháng Mười vừa qua, Hà Nội xuất hiện dịch vụ mới: Nhắn tin báo tắc đường qua điện thoại di động. Với hạ tầng viễn thông phụ thuộc hoàn toàn vào 6 nhà cung cấp mạng điện thoại di động, dịch vụ hỗ trợ người tham gia giao thông này có thực sự phát huy hiệu quả?

Dự án mang tên “Thông tin giao thông trực tuyến” được thực hiện bởi Cty Cổ phần Truyền thông GAPIT và Phòng Cảnh sát Giao thông (CSGT) – CA TP Hà Nội, chính thức ra mắt ngày 5/10.

Với dự án này, người tham gia giao thông có thể cập nhật thông tin về tình hình tắc đường trên địa bàn Hà Nội bằng tin nhắn SMS. Có hai hình thức đăng ký gửi bản tin tổng hợp hàng ngày mặc định vào một giờ tuỳ chọn hoặc yêu cầu gửi bản tin ngay sau thời điểm nhắn tin.

Bà Đỗ Ngọc Trâm, cán bộ quan hệ công chúng, Cty GAPIT, cho biết, để thực hiện dự án này, hiện Cty đã cử 7 nhân viên cập nhật thông tin tại 7 đội của phòng CSGT Hà Nội.

Những nhân viên này sẽ tổng hợp tin được CSGT báo về qua bộ đàm từ 222 nút giao thông trên địa bàn TP Hà Nội với thời gian cập nhật là 15 phút/lần trong giờ cao điểm, 60 phút/lần ngoài giờ cao điểm. Dữ liệu được đưa vào hệ thống máy chủ của GAPIT để xử lý và gửi tới các thuê bao di động có tin nhắn yêu cầu.

GAPIT cho biết, đầu năm 2008, trong giai đoạn hai của dự án, bản tin giao thông sẽ phong phú hơn với thông tin về các tuyến tránh khi xảy ra ùn tắc, tình hình tổ chức giao thông, phân luồng giao thông, tình hình tai nạn giao thông, tình hình úng ngập tại các tuyến đường sau mưa, bão và các tuyến đường thay thế.

GAPIT cũng đang nghiên cứu mở rộng dự án này ra các tỉnh đông dân cư khác như TP HCM.

Hiệu quả đến đâu?

Bà Đỗ Ngọc Trâm cho biết, trong thời gian tới GAPIT sẽ đàm phán với các nhà kinh doanh mạng điện thoại di động để tiến tới giảm giá cước tin nhắn nhằm mang lại lợi ích tốt nhất cho khách hàng.

Về việc có thể miễn phí hoàn toàn dịch vụ này trong tương lai hay không, bà Trâm khẳng định “điều này hoàn toàn phụ thuộc vào các nhà cung cấp mạng di động vì hiện nay GAPIT vẫn phải trả một mức cước nhất định/một tin nhắn cho nhà cung cấp mạng theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông”.

Anh L.T, công tác tại Nhà máy thuốc lá Thăng Long, băn khoăn: “Vào những thời điểm nghẽn mạng, rớt mạng, không hiểu có xảy ra trường hợp nhắn tin cả tiếng mới được trả lời, đến nơi thì tắc đường vẫn hoàn tắc đường không?”.

Trả lời câu hỏi này, bà Trâm cho biết, do hiện tại hạ tầng viễn thông của Cty phụ thuộc hoàn toàn vào sáu nhà cung cấp mạng điện thoại, nên khi xảy ra rớt mạng, tin nhắn đến chậm thì Cty “bất khả kháng”.

Mặc dù sau hơn một tuần triển khai, tình hình nghẽn mạng chưa xảy ra, nhưng người tham gia giao thông hoàn toàn có cơ sở để lo ngại khi mà những dịp dễ nghẽn mạng như Tết, Noel, Valentine đang gần kề. Đây cũng là thời điểm thường xuyên xảy ra tình trạng tắc nghẽn giao thông trên nhiều trục đường của Hà Nội.

Việc phải nhớ đến 222 mã nút tương ứng với 222 nút giao thông cũng là trở ngại đối với người sử dụng. Với hàng trăm mã nút như vậy, việc nhắn tin có vẻ thuận tiện hơn đối với người thường xuyên đi lại một tuyến đường và chỉ cần biết tình hình giao thông tại nút mình hay đi qua.

“Để biết tình hình tắc đường tại các nút khác có khi phải kè kè quyển sổ ghi các mã nút chứ làm sao nhớ nổi” – Anh Đức Minh, 27 tuổi, nhân viên giao hàng, nhận xét.

Khi chúng tôi tìm hiểu về nhu cầu nhận được thông tin ách tắc giao thông của thành phố, không ít người tỏ ý băn khoăn liệu có xảy ra tình trạng CSGT bỏ sót thông tin, không thông báo về hệ thống, khi mà Phòng CSGT “cung cấp thông tin theo tinh thần hỗ trợ người tham gia giao thông là chính chứ không thu lợi nhuận” như bà Trâm cho biết, cộng thêm điều kiện Phòng CSGT luôn than phiền thiếu lực lượng như hiện nay.

Ngoài ra, 1.000 đồng/tin nhắn được nhiều người cho là khá cao dù bà Trâm khẳng định với mức cước này Cty gần như không thu lãi sau khi trừ các chi phí máy móc, nhân sự và trả 182 đồng/tin nhắn cho nhà cung cấp mạng viễn thông. (Một lần thông tin về sự cố tắc đường thường tốn 2 - 3 tin nhắn).

Báo tắc đường bằng tin nhắn - Hiệu quả đến đâu? ảnh 1

Tin nhắn bằng chữ không dấu cũng được xem là một phiền toái lớn. Anh Hoàng Tuấn Anh, Giám đốc Cty Cavinet (Thụy Khuê, Hà Nội) bày tỏ, thông tin báo ùn tắc giao thông qua điện thoại di động là rất cần thiết,  “nhưng nếu thông tin dưới dạng text dài vài trăm chữ, vừa đọc vừa dịch vì không dấu thì tôi sẽ không đọc.

Theo tôi nên triển khai thêm các hình thức khác như báo tin tắc đường, đưa ra các giải pháp tìm đường… bằng định vị trên bản đồ trực tuyến dạng handmap mà nhiều máy điện thoại hiện nay cài đặt thì sẽ thuận tiện hơn. Sẽ tránh được việc vừa đi vừa nhắn tin và nhận tin nhắn, ảnh hưởng đến an toàn giao thông” – Anh Tuấn Anh nói.

Dù có nhiều ý kiến băn khoăn, đã có hơn 3.000 người đăng ký sử dụng nhận bản tin giao thông qua điện thoại di động sau hơn một tuần triển khai. Điều này cho thấy sự quan tâm của người tham gia giao thông tới dịch vụ này là không nhỏ.

Tuy nhiên, dịch vụ này có thực sự đáp ứng một cách hiệu quả nhu cầu của người tham gia giao thông hay không, cần phải chờ xem. 

Với hình thức đầu tiên, người dùng có ba lựa chọn. Để nhận bản tin tổng hợp hàng ngày mặc định vào 7 giờ 30 sáng, soạn BT gửi 8769; nhận bản tin chung về tình hình giao thông vào thời điểm yêu cầu, soạn BT<dấu cách>thời gian yêu cầu, gửi 8769; nhận bản tin hàng ngày tại một nút giao thông tuỳ chọn vào một giờ tuỳ chọn, soạn BT<dấu cách>Mã nút (VD Lê Duẩn – Khâm Thiên có mã nút là 034)<dấu cách>Thời gian nhận bản tin (VD 17 giờ 30).

Chi phí cho một tin nhắn dạng này là 15.000 đồng để nhận được bản tin hàng ngày trong 2 tháng.

Với hình thức thứ hai, người dùng có hai lựa chọn. Để cập nhật ngay thông tin ách tắc tại thời điểm nhắn tin, soạn AT<dấu cách>Mã nút (VD 006 cho nút Tràng Thi – Quán Sứ) gửi 8169.

Để nhận thông tin giao thông tổng hợp trực tuyến tại Hà Nội soạn GT<dấu cách>Hanoi gửi 8169. Chi phí cho mỗi tin nhắn kiểu này là 1.000 đồng.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.