“Bảo tàng” vật dụng nhà quê giữa phố

“Bảo tàng” vật dụng nhà quê giữa phố
TP - Yêu cảnh quê, người quê đến nỗi anh Nguyễn Quang Mạnh đã gom góp sưu tầm hàng ngàn đồ dùng vật dụng của người ở quê mang về nhà mình.
“Bảo tàng” vật dụng nhà quê giữa phố ảnh 1
Anh Nguyễn Quang Mạnh với bộ sưu tập đồ nhà quê của mình

Vợ anh nhiều khi đã “ghen” với cối đá, chum vại, nong, nia, nơm, giỏ vì chúng đã làm anh long nhong suốt ngày tìm kiếm, mất công mất của để tha lôi về…

Nếu bạn là người hiểu biết hoặc đã gắn bó với nông thôn, đồng ruộng hẳn bạn sẽ rất ngạc nhiên khi được “mục sở thị” những gì mà anh Mạnh- chủ hiệu ảnh Vinh Hoa ở TP Bắc Giang đang cất giữ như những bảo vật. Gần như tất cả những đồ dùng, vật dụng của người nhà quê đều có trong bảo tàng của anh.

Chạn bát bằng tre, hòm cáng, nồi, niêu, chum vại, cối xay lúa, xay bột, cối giã gạo, các loại đèn lớn nhỏ, các loại nong, nia, dần, sàng, thúng mủng, quang gánh, cày bừa và các đồ vật để đánh bắt tôm cá…

Có một số đồ vật anh sưu tầm rất nhiều đó là cối đá, chum vại, và bình vôi. Riêng cối đá có hàng trăm chiếc lớn nhỏ, màu sắc, kiểu dáng khác nhau. Bộ sưu tập của anh thường là những vật dụng rất đơn giản và mang tính bình dân, phổ biến ở nông thôn vài chục năm trước nhưng cũng có những thứ là của quý, hiếm mà không phải bảo tàng nào cũng có được. Đó là chiếc cuốc bằng đá, lưỡi rìu bằng đá, bằng đồng hay chiếc khuyên tai bằng đá từ thời sơ khai của con người.

Cả tầng 2 và tầng 3 ngôi nhà rộng giữa khu phố sầm uất nhất TP Bắc Giang chỗ nào cũng bày đồ nhà quê anh sưu tầm về được, vậy mà vẫn không đủ chỗ! Thế nên anh Mạnh lại dành cả một căn nhà khác cách đó vài chục bước chân để tiếp tục sưu tầm, tha lôi về đủ thứ.

Ngồi với anh cả một buổi chiều, tôi - một người nhà quê cứ lẩn thẩn lục lọi trong trí nhớ của mình xem bộ sưu tập của anh có những thứ gì còn thiếu mà thật khó.

Ghen với… cối đá thủng!

Mặc dù là chủ hiệu ảnh lớn ở TP Bắc Giang nhưng hầu như anh ít tham gia vào công việc ở đây. Đôi lúc, khi tôi đến rửa ảnh cũng thấy anh ngồi vào bàn máy tính làm việc, nhưng thường chỉ được một lúc là lại ra chỗ vợ gãi đầu “Anh đi có việc. Đưa anh ít tiền!”. Chị Thanh, vợ anh đã quen với điệp khúc ấy rồi và cũng đã nhiều lần phát cáu vì người làm tối mắt tối mũi, người lại long nhong đi chơi.

“Toàn kiếm những cái cũ kỹ, xấu xí chẳng ai thèm dùng mà tha lôi về đầy nhà. Suốt ngày cối đá với cả bình vôi… Anh có yêu người nhà quê, yêu cối đá thủng thì xuống nhà quê mà ở”. Chị đã nói như thế, nhiều lần như vậy. Nhưng anh Mạnh thì chẳng chuyển biến tích cực là mấy, cứ ậm ừ cho qua hoặc cười xòa… cầu hòa!

Nói mãi không được, chị cũng thấy lạ vì chẳng hiểu sao anh ấy lại mê cối đá, chõng tre, nong, nia, thúng, mủng của người nhà quê đến thế? Băn khoăn vậy nên có lúc chị cũng thử ngó kỹ xem nó thế nào và cũng có khi cảm thấy thinh thích một thứ nào đấy mà anh mang về…

Chứng kiến những người ham mê nghệ thuật đến thăm rồi trầm trồ, chị Thanh cũng thấy hay hay nhưng cứ nghĩ đến chuyện những thứ ấy đã “quyến rũ” chồng mình thế nào, tiêu tốn của gia đình biết bao nhiêu tiền thì chị lại thấy ghen ghen, tức tức trong lòng...

“Ôm” cả hồn quê…về nhà!

Tôi ướm hỏi, nếu có ai đó muốn mua lại toàn bộ bảo tàng của anh với giá một tỷ, anh tính sao? “Tôi không bán vì tôi sưu tầm những đồ vật này không phải để bán hay kiếm lời. Tôi muốn được sở hữu nó, được ngắm nghía và có thể hàng ngày mân mê những thứ mà mình yêu thích” - Anh Mạnh trả lời.

Sểnh ra một chút là lại xách xe xuống các làng quê để ngắm nghía, tìm kiếm… “Anh tìm cái gì ở những đồ vật của người nhà quê?”. Tôi hỏi anh, anh không trả lời trực tiếp mà lại nói về cái cối xay bột: “Cái cối xay bột này đã có từ lâu lắm rồi đấy, có khi nó còn nhiều hơn tuổi chú, tuổi tôi. Vào những ngày lễ, ngày tết, việc làng… người dân thường dùng nó để xay bột làm đủ các loại bánh. Chỉ nghĩ là từ nó đã làm ra biết bao nhiêu là bánh, có biết bao nhiêu bàn tay, mồ hôi người thấm vào cái cần xay này là tôi đã muốn có nó rồi”.

Cũng như vậy với cái bình vôi, cái khau tát nước, anh đều hình dung ra tất cả những công việc, những trạng thái tâm lý và cả đời sống đầy màu sắc, sinh động của người nhà quê.

Anh Mạnh sinh ra ở TP Bắc Giang, gia đình có nghề truyền thống là nghề làm ảnh. Hơn mười năm sơ tán về Lãng Sơn, Tân An huyện Yên Dũng (Bắc Giang), tình người, nét quê ở vùng nông thôn nơi anh đến đã cuốn hút và… hớp hồn anh! Sau này khi đã rời quê về phố, nhiều lần anh xách máy xuống các làng để chụp người nông dân tát nước, bờ đê cong cong, cánh đồng mùa gặt…

Ghi lại bằng hình ảnh, ký ức hoài niệm thôi không đủ, anh muốn cảm nhận sự ram ráp, tê tê, buồn buồn khi sờ vào chiếc cối xay lúa của người nhà quê.

Mong muốn sở hữu, “ôm” cả hồn quê về nhà cho thỏa, từ năm 1978 anh đã bắt đầu tha lôi cối đá, cối xay, chum vại, đèn dầu… về nhà. Anh cho biết, việc sưu tầm của anh có lúc rất dễ, có thể xin được vì đa số đều là những thứ bình thường trong đời sống của người nông dân.

Tuy vậy cũng có khi tìm cả tháng trời cũng không thấy thứ cần tìm. Có khi muốn sở hữu một cái cối xay lúa, anh trả dù rất nhiều tiền chủ nhà cũng không bán vì họ…thấy lạ! Năm sau quay lại, biết rằng nó đã được đưa vào bếp từ lâu rồi thì anh cứ ngẩn ngơ vì  tiếc.

Và đến bây giờ nếu có đủ chỗ, anh cũng sẽ ôm cả cây rơm của người nhà quê lên phố mà ngắm! Cây rơm là thứ đặc trưng của người nhà quê ngày xưa, bây giờ đang bị bếp than, bếp gas đã làm cho mai một dần và có nguy cơ mất đi nên anh càng cần sưu tầm giữ lại.

Cũng từ chuyện có chỗ để cho cây rơm, anh nói với tôi rằng rất có thể anh sẽ mua một ngôi nhà đặc chất quê để có không gian trưng bày “bảo tàng” những đồ dùng vật dụng  của người nhà quê mà anh là chủ sở hữu.

Trong hình dung của anh, căn nhà ấy lợp ngói, có vườn cây, sân gạch, cổng tre và hàng rào bằng hoa dâm bụt hay cây ô rô… Trong căn nhà ấy sẽ trưng bày hàng ngàn đồ vật của người quê mà anh đã sưu tầm được. Ở đó còn có cây rơm đầu bếp, có bể nước và chiếc gáo dừa cán dài…

MỚI - NÓNG