Bão trên biển Đông năm 2019: Xuất hiện muộn nhưng nguy hiểm hơn

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai phát động toàn dân hưởng ứng “Tuần lễ Quốc gia phòng, chống thiên tai năm 2019” với chủ đề “Giảm nhẹ rủi ro thiên tai bắt đầu từ cộng đồng"
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai phát động toàn dân hưởng ứng “Tuần lễ Quốc gia phòng, chống thiên tai năm 2019” với chủ đề “Giảm nhẹ rủi ro thiên tai bắt đầu từ cộng đồng"
TPO - Mùa bão năm 2019 trên viển Đông có xu hướng hoạt động muộn hơn, số cơn bão dự báo ít hơn, nhưng cường độ và diễn biến sẽ phức tạp, nguy hiểm hơn, với khoảng 10-12 cơn bão và áp thấp nhiệt đới trên biển Đông.

Ngày 14/5, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai phát động toàn dân hưởng ứng “Tuần lễ Quốc gia phòng, chống thiên tai năm 2019” với chủ đề “Giảm nhẹ rủi ro thiên tai bắt đầu từ cộng đồng", tại Hải Phòng.

Theo Bộ NN&PTNT, Việt Nam là quốc gia thường xuyên chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai. Trung bình mỗi năm thiên tai đã làm khoảng 300 người chết và mất tích, thiệt hại về kinh tế khoảng từ 1-1.5% GDP.

Ngoài ra, thiên tai cũng gây ra những hệ lụy lâu dài đối với môi trường, tác động lớn đến sản xuất, sinh hoạt của người dân, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của đất nước. Trong khi đó, theo thông tin từ cơ quan dự khí tượng thủy văn Quốc gia, xuất hiện các hình thái thời tiết cực đoan dự báo sẽ diễn biến phức tạp trong năm nay.

Nắng nóng diện rộng có khả năng xuất hiện sớm hơn tại các khu vực phía Tây Bắc bộ và Bắc Trung bộ. Trong khi đó, mùa khô sẽ kéo dài hơn ở Tây Nguyên và Nam bộ, nguy cơ xảy ra hạn hán là rất cao. Xâm nhập mặn vùng đồng bằng Nam Bộ sẽ cao hơn năm 2018 và trung bình nhiều năm.

Mùa bão năm 2019 trên Biển Đông có xu hướng hoạt động muộn hơn, số cơn bão dự báo ít hơn, nhưng cường độ và diễn biến sẽ phức tạp, nguy hiểm hơn, với khoảng 10-12 cơn bão và áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông.

Lũ quét và sạt lở đất có khả năng xuất hiện sớm ngay từ các tháng đầu mùa mưa lũ, nhiều đợt lũ quét và sạt lở đất tập trung tại vùng núi phía Tây Bắc.

Tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng chỉ rõ công tác phòng chống thiên tai vẫn còn nhiều hạn chế, cần tập trung khắc phục. Chính quyền, người dân ở một số vùng còn chủ quan, chưa quan tâm đúng mức, nguồn lực phòng chống thiên tai còn hạn chế.

Bão trên biển Đông năm 2019: Xuất hiện muộn nhưng nguy hiểm hơn ảnh 1 Tại Việt Nam, trung bình mỗi năm thiên tai đã làm khoảng 300 người chết và mất tích, thiệt hại về kinh tế khoảng từ 1-1.5% GDP.

Công tác dự báo, cảnh báo chưa đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội; công tác quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, kinh tế-xã hội của các bộ ngành, địa phương chưa gắn với công tác phòng chống thiên tai.

Trước tình hình trên, theo Phó Thủ tướng, mỗi người dân, mỗi cộng đồng dân cư hãy luôn cảnh giác, chủ động thích ứng, phòng chống thiên tai. Chính quyền các cấp, đặc biệt là ở cơ sở, luôn sẵn sàng hành động theo phương châm “4 tại chỗ” để bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân và nhà nước, góp phần giảm nhẹ hậu quả do thiên tai gây ra.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương cũng cần tập tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách liên quan đến công tác phòng chống thiên tai, ứng phó sự cố và tìm kiếm cứu nạn...

Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, cần tiếp tục đầu tư, nâng cao năng lực, khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng; kịp thời sửa chữa, củng cố, nâng cấp hệ thống đê sông, đê biển, hồ chứa nước, khu neo đậu tàu thuyền trú tránh bão… đáp ứng yêu cầu phòng chống thiên tai.

Cùng đó đầu tư hiện đại hoá, tự động hóa hệ thống quan trắc, cơ sở hạ tầng nhằm nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo thiên tai, trọng tâm là việc cảnh báo, dự báo sớm và chi tiết hơn.

Bên cạnh đó, đầu tư nghiên cứu cải tiến nội dung và hình thức các bản tin dự báo khí tượng thủy văn nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân và đẩy mạnh hợp tác, chia sẻ thông tin, tranh thủ sự hỗ trợ, giúp đỡ của các quốc gia và tổ chức quốc tế trong công tác phòng chống thiên tai.

MỚI - NÓNG