Bão vào Quảng Nam, ít nhất 26 người chết

Bão vào Quảng Nam, ít nhất 26 người chết
TPO - Theo báo cáo nhanh của Trung tâm PCLB khu vực miền Trung - Tây Nguyên: Đến 20 giờ tối 29/9, bão số 9 đã làm 26 người chết và 5 người mất tích. Trong đó, thiệt hại về người nặng nhất là tỉnh Kontum hiện đã có 9 người chết.

Đà Nẵng có 3 người chết do điện giật, mái tôn bay, một người mất tích do lũ cuốn trôi. Quảng Ngãi có hai người chết do điện giật và nước lũ cuốn trôi.

Ban chỉ huy PCLB tỉnh Quảng Nam xác nhận có 3 trường hợp chết do lũ cuốn trôi khi đi sơ tán và bị điện giật. Thống kê từ Ban chỉ huy PCLB tỉnh T.T - Huế hiện đã có hai người chết do tai nạn chặt cây chống bão và rơi xuống hố.

Lũ đặc biệt lớn tại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên

Hiện bão số 9 đã đổ bộ vào đất liền, gây gió mạnh và mưa rất lớn trên địa bàn từ Quảng Bình đến Bình Định và khu vực Tây Nguyên. Lũ trên nhiều sông ở Trung Trung Bộ đã lên trên báo động III và còn tiếp tục lên, một số khu vực ở Quảng Ngãi, Quảng Nam và Đà Nẵng đã bị ngập sâu.

Hồi 15h chiều nay 29/9, Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương – Uỷ ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn đã gửi Công điện khẩn tới Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão – TKCN các tỉnh, thành phố Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa – Thiên Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Gia Lai, Kom Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng để khẩn trương triển khai ngay các biện pháp ứng phó với lũ lớn. 

16 giờ chiều nay, 29/9, nhiều nơi ở Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng, mưa đã tạnh, gió giảm hẳn. Tuy vậy, nhiều nơi vẫn mất điện vì chưa kịp khắc phục hậu quả.

Dù TT Dự báo Khí tượng Thủy văn TƯ dự báo, trưa và chiều nay 29/9, siêu bão số 9 đổ bộ vào Quảng Nam và TP Đà Nẵng nhưng đến 14 giờ 30, mưa và gió bắt đầu giảm. Tuy vậy, đã có nhiều người chết, hàng trăm nhà tốc mái, giao thông tê liệt...

Tại Đà Nẵng, sáng nay, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo cuộc họp khẩn với lãnh đạo địa phương, các ngành chức năng khu vực miền Trung, Tây Nguyên, yêu cầu tiếp tục rà soát đưa người dân ra khỏi vùng sạt lở, cung cấp lương thực, nước uống cho người tránh bão...

Tại cuộc họp này, ông Đào Xuân Học - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, 300.000 hộ dân đã được đưa đến nơi an toàn tránh bão. Trong đó, Thừa Thiên - Huế có trên 50.000 người; Quảng Ngãi: 75.000 người; Quảng Nam: 50.000 người; Đà Nẵng: 32.000 người.

Đến 14 giờ 30 hôm nay, dù được dự báo bão về, nhưng sức gió ở một số địa phương tại Đà Nẵng đã giảm, mưa nhỏ.  

Bão vào Quảng Nam, ít nhất 26 người chết ảnh 1
Trên đường phố Huế đã có khá nhiều cây xanh bị gãy đổ. Ảnh : Thanh Tùng

Huế : Ôm laptop lội lụt tìm... wifi 

Bão vào Quảng Nam, ít nhất 26 người chết ảnh 2

Các nhà báo ôm Laptop tìm wifi. Ảnh: TT Đại Dương

Không chỉ ôm máy ảnh liều mình với mưa lũ, gió giật cấp tám cấp chín, các nhà báo còn ôm laptop lội lụt chạy quanh để tìm cho ra bất kỳ một chỗ nào có wifi.

Điện cắt, ngày ba bận cánh nhà báo phân công nhau vừa túc trực lấy thông tin tổng hợp vừa nhờ điện máy phát của cơ quan Ban chỉ huy PCLB để làm tin bài, rồi nhờ luôn cả đường truyền intenet. Ngặt nỗi đường truyền của cơ quan PCBL cũng chập chờn rồi… rớt hẳn.

Đang bí bỗng "dế" rung: Đây rồi khách sạn Thái Bình (đường  Lương Thế Vinh – TP Huế) có wifi… Thế là ai nấy vội vàng gom đồ nghề, ra đường lội lụt. Nước ngập nửa bánh xe chỉ là chuyện nhỏ, chỉ cần cố giữ cho khỏi ướt Laptop. Ông chủ vui vẻ đọc mật khẩu cho từng nhà báo vào mạng truyền bài, ảnh về tòa soạn.

Tại Thừa Thiên - Huế, tính đến thời điểm 14 giờ 30, không còn mưa to, gió lớn như buổi sáng. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của bão và triều cường dâng cao, nước trên các sông Hương, sông Bồ, sông Ô Lâu vượt trên báo động ba từ 0,3 đến 0,6m.

Theo số liệu thống kê mới được cập nhật, Thừa Thiên - Huế có hai người chết, chín người bị thương ở các huyện Phong Điền, Hương Thủy, Phú Vang, Phú Lộc.

Toàn tỉnh có 72 nhà sập, 467 nhà bị tốc mái do lốc xoáy cục bộ (tất cả chín huyện và thành phố của Thừa Thiên - Huế đều có nhà sập và tốc mái); trên 4.600 nhà bị ngập từ 0,2 đến 0,4m, chủ yếu do mưa lũ và triều cường dâng cao. Ngoài ra, nhiều đoạn đường quốc lộ 1 và quốc lộ 49A bị ngập sâu từ 0,5 đến 0,7m.

Ở vũng biển xã Hải Dương, huyện Hương Trà, bị sạt lở 500m, ăn sâu vào đất liền 30m.

Dù thời tiết đã tốt hơn nhưng do ảnh hưởng của mưa to, gió mạnh, tuyến quốc lộ 49A bị sạt lở hơn 1.600 m3 đất đá tại năm điểm, chủ yếu ở vùng núi. Đường Hồ Chí Minh qua địa bàn Thừa Thiên - Huế cũng có đoạn bị sạt lở.

Đến chiều nay, ba chuyến tàu SE7 với 400 hành khách mắc kẹt tại ga Lăng Cô, tàu VQ1 có 55 khách phải ở lại ga Cầu Hai và tàu SE5: 365 hành khách tránh bão ở ga Huế.

Đà Nẵng: Cúp điện, giao thông tê liệt

Bão vào Quảng Nam, ít nhất 26 người chết ảnh 3
Cây đổ trên đường Ngô Gia Tự, TP Đà Nẵng. Ảnh : Nguyễn Huy

Ông Huỳnh Vạn Thắng - Phó Ban Phòng chống lụt bão thành phố Đà Nẵng cho biết, dự kiến, 11 giờ trưa nay, bão cách TP Đà Nẵng khoảng 50 km, bất ngờ chuyển hướng đi vào Quảng Ngãi. Nhưng đến 12 giờ trưa nay, bão lại tiếp tục ngoặt lại hướng Quảng Nam - Đà Nẵng. Điều đó cho thấy, đây là cơn bão rất phức tạp, nên người dân không thể chủ quan.

12 giờ trưa nay, sức gió tại Đà Nẵng giật trên cấp 10. Mưa to, gió lớn làm tốc mái hàng trăm nhà dân, nhiều cây lớn bị quật ngã, hàng trăm ôtô ngập dưới nước, mất điện, giao thông gần như tê liệt hoàn toàn...

Đến trưa nay, Đà Nẵng, về cơ bản, đưa được trên 10.000 hộ dân với tổng cộng khoảng 33.000 người vào nơi an toàn tránh bão.

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ đến trưa nay, một người ở quận Cẩm Lệ chết (chưa xác định được danh tính); bốn người ở phường Cẩm Lệ và huyện Hòa Vang bị thương khi đang chống bão.

Bão vào Quảng Nam, ít nhất 26 người chết ảnh 4

Đến 10 giờ sáng nay, tại thành phố Đà Nẵng đã có gió to kèm theo mưa ,mực nước các sông lên nhanh đang có nguy cơ gây lũ. Trong ảnh: Nước Sông Hàn dâng tràn lên đường Bạch Đằng. Ảnh : Văn Sơn-TTXVN. 

Tại quận Liên Chiểu, một trong những địa phương đầu tiên trực tiếp ảnh hưởng của bão, ông Dương Thành Thị - Chủ tịch UBND quận này cho biết, địa phương đã đưa 5.000 hộ dân với khoảng 10.000 nhân khẩu tới nơi an toàn. Lãnh đạo các phường, xã trên địa bàn quận cũng chuẩn bị hàng trăm thùng mì tôm, những đồ cần thiết khác để tiếp tế cho người dân.

Trước đó, lực lượng chức năng quận Liên Chiểu giải cứu ba xe tải và bốn xe khách gặp nạn vì bão khi qua địa bàn. Đặc biệt, xe khách BKS 86K - 0607 chở 39 hành khách chạy tuyến Nam - Bắc bị chết máy giữa dòng nước. Sau khoảng gần một tiếng, lực lượng cứu hộ đã đưa toàn bộ hành khách vào nới trú ẩn an toàn.

Bão vào Quảng Nam, ít nhất 26 người chết ảnh 5

Sáng nay 29/9, tuy bão chư a đổ bộ vào nhưng tại thành phố Đà Nẵng đã có gió mạnh giật cấp 9 cấp 10 làm hàng trăm cây xanh bị ngã đổ gây ách tắc giao thông. Trong ảnh: Tổ cảnh sát giao thông cơ động đang dọn dẹp cây đổ trong mưa bão. Ảnh : Nguyễn Sơn - TTXVN. 

Huyện Hòa Vang hiện chưa có thống kê đầy đủ về thiệt hại do bão gây ra nhưng theo ghi nhận ban đầu, hàng trăm ngôi nhà bị gió quật đổ, tốc mái, cây cối đổ ngổn ngang ngoài đường.

Trong khi đó, nước sông Vu Gia, Thu Bồn và một số sông khác đang dâng cao, đã cô lập nhiều vùng ở huyện này, người dân đang chờ được ứng cứu.

Mưa lớn, triều cường cao chưa từng thấy tại Thừa Thiên - Huế

Lúc 11 giờ, PV Tiền phong tại Huế cho biết: Từ giữa trưa mực nước trên sông Hương tại Kim Long đã vượt báo động ba 0,66 mét, trên sông Bồ tại Phú Ốc vượt báo động ba 0,50 mét, trên sông Ô Lâu vượt báo động ba 0,34 mét. Tại thành phố Huế gió cấp 8, giật cấp 9. Vùng ven biển gió cấp 11; triều cường dâng cao. Khu vực đập Hoà Duân - Thuận An triều cường cao 0,4 mét.

Phía nam tỉnh, ở huyện Phú Lộc triều cường cao 1 mét. Bờ biển xã Hải Dương - huyện Hương Trà, bị sạt lở vào sâu 30 mét, dài 500 mét. Gió đã tạm dừng nhưng ở thượng nguồn vẫn tiếp tục có mưa to, nước trên các sông đang lên rất nhanh. Các hồ chứa đều đã vượt tràn từ một đến hơn ba mét. Huyện Hương Trà có 3.500 ngôi nhà bị ngập.

Bước đầu đã có 2 người chết, 7 người bị thương. Theo báo cáo nhanh của các địa phương ở mỗi huyện đều có hục đến vài trăm ngôi nhà bị sập, bị tốc mái. Quốc lộ 1A bị ngập nhiều đoạn, có đoạn ngập 0,7 mét. Quốc lộ 49 A Huế - A Lưới sạt ta luy dương 1609 m3; đường Hồ Chí Minh sạt ta luy dương 1294 m3. Giao thông tê liệt trên nhiều tuyến tỉnh lộ, kể cả Quốc lộ.

Đường sắt chưa thể thông tuyến, ba đoàn tàu với hơn 800 vẫn đang bị kẹt ở ga Lăng Cô, Cầu Hai và ga Huế. Hiện nay điện đang bị cúp, mạng intenet lúc có lúc không, thông tin liên lạc đang trông nhờ vào các mạng điện thoại.

Theo nghi nhận của PV Tiền Phong tại Thừa Thiên - Huế, 10 giờ ngày 29/9 siêu bão số 9 gây mưa lớn và triều cường cao chưa từng thấy tại các huyện ven biển như Phú Vang, Phú Lộc, Quảng Điền... Đặc biệt, dọc quốc lộ 1A từ Huế trở ra phía Bắc đèo Hải Vân, triều cường lên mấp mé mặt đường quốc lộ.

Tại khu vực thôn Lập An (Thị trấn Lăng Cô), triều cường tràn qua quốc lộ 1A một đoạn dài khoảng 200m, gây ách tắc giao thông.

Bão vào Quảng Nam, ít nhất 26 người chết ảnh 6
Mực nước trên sông Hương đã lên báo động ba. Ảnh : Thanh Tùng

Trước diễn biến bất ngờ về triều cường, các huyện ven biển kể trên phải tiếp tục di dời 1.000 - 2.000 hộ dân vào lúc 9h sáng nay.

Tại khu vực trên, nhiều vùng bị chia cắt hoàn toàn, điển hình là Khu 3, huyện Phú Lộc có năm xã bị chia cắt, riêng Phú Vang bị chia cắt hoàn toàn. Tất cả các huyện ven biển này đều bị cắt điện, tuy nhiên, thông tin liên lạc vẫn thông suốt.

Trong sáng nay, theo số liệu cập nhật chưa đầy đủ, hai người bị thương phải đưa đi cấp cứu (một người dân do nhà bị sập và một chiến sĩ Quân khu 4 đang làm công tác chống bão giúp dân).

Đến 12h trưa nay, các huyện ven biển Thừa Thiên - Huế có gió mạnh cấp 8, cấp 9. Theo dự báo, tuy tâm bão không vào Thừa Thiên - Huế song khu vực Nam Thừa Thiên - Huế sẽ chịu ảnh hưuởng nặng nề, đặc biệt là phía Nam huyện Phú Lộc.

Gió mạnh cấp 12, giật cấp 14 tại đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, sáng nay, sau khi vào vùng biển các tỉnh Đà Nẵng - Quảng Ngãi, bão số 9 di chuyển chậm lại. Tại đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), đo được gió mạnh cấp 12, giật cấp 14.

Theo thông tin từ báo điện tử Quảng Nam, lúc 10 giờ 43 phút sáng nay, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã trực tiếp điện đàm với đồng chí Nguyễn Đức Hải – Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam về tình hình cơn bão số 9.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo các cấp chính quyền và nhân dân Quảng Nam chủ động đối phó vỡi bão số 9, bằng mọi cách bảo đảm tính mạng của nhân dân, tài sản của dân, doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước; thường xuyên giữ liên lạc với Trung ương và Chính phủ để báo cáo tình hình và đề xuất các tình huống khẩn cấp.

Theo thông tin từ Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh Quảng Nam, đã có ba nạn nhân đầu tiên thiệt mạng trong bão số 9 là Huỳnh Văn Cơ và Bùi Thị Thủy (xã Tam Anh Bắc, huyện Núi Thành) và ông Nguyễn Văn Tám (xã Duy Nghĩa (huỵên Duy Xuyên).

Hồi 10 giờ, vị trí tâm bão ở vào khoảng 15,4 độ Vĩ Bắc; 109,2 độ kinh Đông, cách bờ biển Đà Nẵng - Quảng Ngãi khoảng 40 km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12, cấp 13 (từ 118 đến 149km/h), giật cấp 14, 15.

Dự báo trong 12 giờ tới, bão số 9 di chuyển chủ yếu theo hướng Tây và Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10, ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Định.

Như vậy, khoảng trưa và chiều nay (29/9) vùng tâm bão sẽ đi vào địa phận tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng. Đến 22 giờ ngày 29/9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 15,5 độ Vĩ Bắc, 107,9 độ Kinh Đông, trên địa phận tỉnh Quảng Nam. Sức gió mạnh nhất vùng tâm bão mạnh cấp 8, cấp 9 (tức là từ 62 đến 88 km/h), giật cấp 10. Tính từ tâm bão vùng gió mạnh từ cấp 6 trở lên có bán kính khoảng 200km.

Đắk Lắk: Hơn 500 ngôi nhà bị tốc mái, 3000 ha cây trồng bị thiệt hại.

Do ảnh hưởng của cơn bão số 9, mưa lớn và gió mạnh diễn ra trên diện rộng tại toàn tỉnh Đắk Lắk gây ra thiệt hại lớn cho nhân dân các huyện Ma Đrăk, Cư Mgar, Lăk...

Tới chiều nay, 29/9, đã có hơn 500 nhà dân, công sở và trường học bị tốc mái. Khoảng 3.000ha lúa, hoa màu bị ngập lụt, một diện tích lớn cây lâm nghiệp bị gió làm gãy, bật gốc. Trong đó thiệt hại tập trung ở huyện Ma Đrăk với 6 ngôi nhà bị sập và 500 ngôi nhà tốc mái, ước tính thiệt hại về nông lâm nghiệp khoảng 60% với diện tích 2.644ha, đường dây 35KV bị đứt khiến toàn huyện mất điện.

Mưa lớn cũng làm hư hỏng nhiều tuyến đường giao thông quan trọng. Tại đèo Kty huyện Krông Buk, mưa lớn làm sạt lở mái ta luy bên quốc lộ 14, gây tắc nghẽn giao thông nhiều giờ liền. Nhiều đoạn trên quốc lộ 27 bị sạt lở, hư hại. Tỉnh lộ 8 đoạn từ xã Cư Suê đi thị trấn Ea Pốc huyện Cư M’Gar nước lũ tràn qua đường khiến các phương tiện giao thông phải nằm chờ. 9 công trình thủy lợi nhỏ bị hư hỏng, 6.750m kênh mương bị nước lũ bồi lấp và xói lở. 

Nhiều khu vực có thể bị cô lập

Do ảnh hưởng của bão, vùng biển Bắc và giữa biển Đông đang có gió mạnh cấp 11, cấp 12, vùng gần tâm bão đi qua cấp 13, giật cấp 14, 15. Biển động dữ dội.

Ở trong đất liền, bắt đầu từ đêm 28 và sáng 29/9, các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Nam có gió mạnh dần lên cấp 9, cấp 10, vùng gần tâm bão đi qua cấp 11, cấp 12 và giật tới cấp 13, 14.

Đây là cơn bão có phạm vi ảnh hưởng rộng nên từ sáng sớm 29/9, các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Kon Tum cũng sẽ có gió mạnh lên cấp 8, giật cấp 9, 10.

Đặc biệt, theo nhận định của Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương, sau khi áp sát đất liền, siêu bão số 9 sẽ gây mưa to đến rất to cho các tỉnh ở khắp miền Trung.

Theo đó, một đợt lũ lớn sẽ xuất hiện trên các sông thuộc khu vực từ Nghệ An đến Quảng Ngãi và Bắc Tây Nguyên. Hiện tại, mực nước ở các sông từ Quảng Bình vào Quảng Ngãi bắt đầu lên khá nhanh. Do đó, cùng với sự nguy hiểm về sức gió khi “siêu bão” đạt cấp 15 thì mưa lớn sẽ gây lũ dữ cô lập nhiều khu vực, cuộc sống của người dân gặp vô cùng khó khăn.

Ngày 28/9, sau khi thị sát các tỉnh: Thanh Hóa, Quảng Bình, Quảng Trị, những địa phương trực tiếp bị bão số 9 đổ bộ, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã tới tỉnh Thừa Thiên - Huế lập Ban chỉ huy tiền phương, trực tiếp chỉ đạo công tác ứng phó với bão Ketsana.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải kiểm tra công tác neo đậu thuyền tại tỉnh Quảng Bình. Phó Thủ tướng đôn đốc địa phương triển khai việc kêu gọi tàu thuyền ngoài khơi vào nơi tránh, trú bão an toàn; gia cố, bảo vệ các công trình hạ tầng tại cảng cá Thanh Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình. Hiện tỉnh Quảng Bình hoàn tất công tác chuẩn bị, ứng phó với ảnh hưởng mưa bão.

Qua kiểm tra, Phó Thủ tướng lưu ý, mặc dù Quảng Bình được dự báo là không bị tâm bão đi qua, nhưng sẽ phải chịu ảnh hưởng lớn bởi mưa và ngập lũ. Vì vậy, tỉnh cần tập trung công tác bảo vệ hồ chứa, đường giao thông, sẵn sàng các phương án 4 tại chỗ, hỗ trợ đời sống nhân dân khi có mưa bão.

Tại Quảng Trị, Phó Thủ tướng thị sát các điểm di dân tại huyện Gio Linh, Đồng Hới. Phó Thủ tướng động viên bà con nhân dân vừa được chính quyền địa phương sơ tán tới các trường học, nhà kiên cố để tránh bão số 9; kiểm tra công tác chuẩn bị sẵn sàng về lương thực, thực phẩm và các điều kiện sinh hoạt cho bà con trong thời gian lưu trú tránh bão tại đây.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã tới Thừa Thiên - Huế, địa phương cùng Đà Nẵng được dự báo sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề của bão số 9, lập Ban chỉ đạo tiền phương ứng phó với bão số 9.

Trên 200 ngàn người phải sơ tán

Hiện các phương án ứng phó bão tại các địa phương miền Trung đã được gấp rút hoàn thành, trước khi bão số 9 chính thức đổ bộ vào đất liền. Ước tính có khoảng trên 200.000 người ở các vùng xung yếu, nơi có nguy cơ sạt lở cao tại các tỉnh từ Quảng Trị vào đến Nam Trung bộ sẽ được sơ tán, tránh bão số 9.

11 giờ đêm 28 đến rạng sáng 29/9, Thứ trưởng thường trực Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Văn Đức đến thăm và giao lưu trực tuyến cùng các cán bộ trực cơn bão số 9 tại Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương. Thứ trưởng Nguyễn Văn Đức và cán bộ lãnh đạo Trung tâm KTTV đã tổ chức giao lưu trực tuyến với hai đầu cầu là Đài KTTV Bắc Trung Bộ và Trung Trung Bộ. Tính đến 22 giờ ngày 28/9, cơn bão số 9 chỉ cách bờ biển các tỉnh miền Trung khoảng 300km.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Đức nhấn mạnh: Các Đài, Trạm KTTV ở từng khu vực phải là vệ tinh thông minh, nhanh nhạy, nối dài cánh tay của Trung tâm KTTV quốc gia. Muốn vậy, các thủ trưởng của các đơn vị đó liên tục có kế hoạch triển khai cảnh báo bão, rà soát toàn bộ kỹ thuật, máy móc, thiết bị, đặc biệt là hệ thống quan trắc gió, mưa đảm bảo tốt trong mọi điều kiện, hệ thống rada làm việc không ngừng. Trung ương và địa phương các tỉnh phải phối hợp đồng bộ, có sự chỉ đạo sâu sát, đánh giá và có biện pháp phòng chống mức độ ảnh hưởng của lộ trình sau bão và trong bão, tránh nguy hại lớn đến lợi ích kinh tế xã hội.

Trưa nay tâm bão đi vào Quảng Nam và TP Đà Nẵng

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương: Hồi 8 giờ sáng nay (29/9), vị trí tâm bão ở vào khoảng 15,5 độ Vĩ Bắc; 109,3 độ kinh Đông, cách bờ biển Đà Nẵng- Quảng Ngãi khoảng 50km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12, cấp 13 (tức là từ 118 đến 149km/h), giật cấp 14, 15.

Dự báo trong 12 giờ tới, bão số 9 di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 10-15 km, ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Định. Như vậy, khoảng trưa nay (29/9) vùng tâm bão sẽ đi vào địa phận tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng. Đến 20 giờ ngày 29/9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 15,4 độ Vĩ Bắc, 107,9 độ Kinh Đông, trên địa phận tỉnh Quảng Nam. Sức gió mạnh nhất vùng tâm bão mạnh cấp 8, cấp 9 (tức là từ 62 đến 88 km/h), giật cấp 10. Tính từ tâm bão vùng gió mạnh từ cấp 6 trở lên có bán kính khoảng 200km.

Do ảnh hưởng của bão, vùng biển các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Nam sẽ có gió mạnh cấp 10, cấp 11, vùng gần tâm bão đi qua cấp 12 cấp 13 và giật tới cấp 14, 15. Biển động dữ dội.

Các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi có gió mạnh cấp 8, sau tăng lên cấp 9, cấp 10 vùng gần tâm bão đi quan cấp 11, 12, giật cấp 13, 14.

Các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Phú Yên, Kom Tum, Gia Lai có Vùng mạnh cấp 6, cấp 7, có nơi cấp 8, giật cấp 9, cấp 10. Vùng ven biển các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Nam cần đề phòng nước biển dâng cao kết hợp với thủy triều cao từ 3-5m.

Ở các tỉnh từ Thanh Hoá đến Bình Định và Tây nguyên có mưa to đến rất to. Cần đề phòng lũ quét và sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng ở vùng trũng.

MỚI - NÓNG