Bảo vệ trẻ em khỏi nạn quấy rối, xâm hại thế nào?

Số vụ trẻ em bị xâm hại tình dục đang gia tăng, ở mức báo động.
Số vụ trẻ em bị xâm hại tình dục đang gia tăng, ở mức báo động.
TP - Không phải chờ tới vụ Minh Béo bị bắt ở Mỹ liên quan tấn công tình dục hay sự kiện hàng chục học sinh tiểu học bị dâm ô, xâm hại ở Lào Cai, dư luận mới phẫn nộ. Tuy nhiên các chuyên gia, nhà quản lý chỉ ra thực tế chưa nhiều người quan tâm đến giải pháp ngăn ngừa, trị liệu tâm lý cho trẻ sau khi bị quấy rối.

Ngày càng phức tạp

Trung tâm nghiên cứu tâm lý trẻ em N-T từng tiếp nhận vụ một bé gái bốn tuổi bị xâm hại tình dục. Cơ quan điều tra làm rõ hành vi của thủ phạm xảy ra khi bé mới hơn hai tuổi, kéo dài gần hai năm. “Bố mẹ thấy con ngày càng nhút nhát, thu mình, hoảng loạn, đặc biệt biểu hiện sợ đàn ông và cho con đi khám tâm lý, sau mới phát hiện hàng xóm gần 60 tuổi gây chuyện”, Thạc sỹ tâm lý Phạm Đức Chuẩn kể. Nghiên cứu lý thuyết chỉ ra trẻ em bị lạm dụng tình dục lớn lên thường có xu hướng thành gái mại dâm, dễ dãi trong cuộc sống. Chuyên gia chỉ còn cách thuyết phục bố mẹ cho con đến phục hồi tâm lý, nếu không muốn thấy hậu quả lớn.

Trường hợp cha mẹ bỏ qua những biểu hiện ban đầu của trẻ bị xâm hại không hiếm. Anh Chuẩn từng trị liệu tâm lý cho nhiều trẻ bị xâm hại nói rằng, thậm chí gia đình còn mắng trẻ nếu thấy trẻ sợ sệt hàng xóm vì lâu nay vẫn qua lại và vô tư ôm hôn trẻ. Sở dĩ có bé bị trong thời gian dài mới được phát hiện vì nhiều em sống cùng ông bà, cha mẹ mưu sinh phương xa. Việt Nam chưa có thống kê về tình trạng trẻ em không sống cùng cha mẹ, nhưng không hiếm làng quê ở Hà Nam, Hưng Yên, Nam Định trẻ đều sống cùng ông bà, trở thành đối tượng yếu thế, dễ bị bắt nạt, nguy cơ bị xâm hại cao.

Mỗi năm có gần hai nghìn trẻ em bị xâm hại, chiếm 70% vụ xâm hại được lập hồ sơ điều tra. Con số này chưa thật chính xác, bởi nhiều hành vi như dâm ô ở các mức độ khác nhau khó phát hiện, hầu hết không bị tố cáo, thường gia đình tự thỏa thuận, chỉ vụ nghiêm trọng mới có sự vào cuộc của công an. Ngoài các kênh thu thập từ bệnh viện, trung tâm trợ giúp pháp lý, Cục Bảo vệ và chăm sóc trẻ em có đường dây nóng từ 12 năm nay để tiếp nhận tố cáo.

“Đối chiếu hai số liệu để phản ánh tình hình quấy rối, xâm hại tình dục có xu hướng tăng, ngày càng phức tạp: Ngày càng nhiều vụ việc có tính loạn luân, xâm hại trẻ em đồng tính, nhiều trẻ em bị xâm hại và trong thời gian kéo dài, người lớn tuổi phạm tội, tuổi trẻ em bị xâm hại giảm xuống. Trước đây chúng ta hay biết đến người nước ngoài đến Việt Nam lợi dụng để xâm hại trẻ, nhưng nay đã có trường hợp người Việt ra nước ngoài vi phạm, điển hình là Minh Béo”, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Bảo vệ và chăm sóc trẻ em nói.

Không thể bó tay

Một trong những thiệt thòi của trẻ bị quấy rối, xâm hại ở Việt Nam là không được phục hồi tâm lý bài bản. Du học Pháp, hợp tác với đồng nghiệp nước ngoài nhiều nhưng anh Phạm Đức Chuẩn chỉ ra sự khác biệt quá lớn về tâm lý kinh tế xã hội, văn hóa của Việt Nam khiến nhiều khi chuyên gia cũng không thể đeo đuổi đến cùng. Anh chua chát, những trung tâm nghiên cứu tâm lý trẻ em nói chung ngày càng teo tóp, không nhiều người thực sự chuyên tâm trợ giúp tâm lý cho những ca trẻ bị hại.

Có nhiều trẻ sau khi bị hại được dẫn tới trung tâm vẫn run cầm cập dù có cha mẹ ở bên, các chuyên gia cho rằng trước hết nên xây dựng sự tin tưởng ở trẻ khi tiếp xúc với người thân, trẻ cùng lứa tuổi, sau mới dần dần mở rộng ra bên ngoài để trẻ dần hòa nhập. Tránh để trẻ bị gợi lại ký ức qua các hình thức như dựng lại hiện trường, các vụ ra tòa làm chứng... 

Ngay như đứa trẻ bốn tuổi kể trên chỉ có thể đến trung tâm mươi buổi nhờ vào hỗ trợ của những người hảo tâm, sau đành bỏ ngỏ vì nỗi lo trực diện hơn khi cha mẹ phải lo miếng cơm manh áo. Tâm lý ngại vạch áo cho người xem lưng khiến nhiều bậc cha mẹ bưng bít, cung cấp thông tin sai lệch cho chuyên gia. “Trong từ điển của chúng tôi không bao giờ có từ bó tay, kể cả với trường hợp này vẫn có cách để đưa ra lời khuyên hợp lý, giao nhiệm vụ cụ thể để bố mẹ quan tâm tới con hơn”, anh nói.

Đường dây không phải lúc nào cũng nóng, bởi có chiến dịch quảng bá tốt thì tiếp nhận nhiều vụ việc hơn. Ở nhiều nước doanh nghiệp in số điện thoại trợ giúp cho trẻ em trên bao bì thực phẩm, văn phòng phẩm, trong khi doanh nghiệp Việt chưa sẵn sàng. “Sắp tới đường dây nóng được đưa vào luật, có vị trí pháp lý mạnh hơn”, ông Đặng Hoa Nam nói. Bộ phận tiếp nhận cũng chủ động liên hệ địa phương trong những vụ việc phát hiện trên báo chí, để hướng dẫn biện pháp phòng ngừa, trợ giúp trẻ.

Quy định bắt buộc tố cáo hành vi quấy rối, xâm hại tình dục ở trẻ em được luật hóa là tiến bộ đáng kể, theo đó từ cha mẹ, giáo viên, người hành nghề khám chữa bệnh cho trẻ, người trực tiếp làm ở trung tâm bảo vệ chăm sóc trẻ em nếu phát hiện hành vi phải tố cáo. Đội ngũ phụ trách đội trong trường có trách nhiệm bảo vệ trẻ em chưa phát huy vai trò. Các nhà quản lý cũng phải thừa nhận dịch vụ liên quan đến tư vấn, hỗ trợ trẻ em ngay trong trường học rất kém. Tín hiệu đáng mừng khác được nhắc đến là sắp tới Luật trẻ em quy định rõ, mỗi xã có ít nhất một người làm công tác trẻ em.

Các chuyên gia nhấn mạnh đến sự thiếu hụt kỹ năng không nhỏ, kể cả ở khu vực thành phố lớn. Một số tài liệu để giáo dục kỹ năng cha mẹ phát hiện sớm các hành vi trẻ bị xâm hại, kỹ năng giao tiếp của cha mẹ với con cái được soạn thảo nhưng không phải ai cũng tiếp cận được, nhất là vùng sâu vùng xa, nhận thức còn hạn chế.

“Chúng ta nên đưa môn giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản vào các cấp học sớm để trẻ có kỹ năng tự bảo vệ, dám tố cáo, biết ứng xử trong trường hợp bị xâm hại”, ông Đặng Hoa Nam nói. Về phía trẻ, lời khuyên của chuyên gia là hướng dẫn cho trẻ biết những vị trí trên cơ thể không được để người lạ đụng vào. Thừa nhận thực tế khả năng hồi phục của trẻ bị lạm dụng rất khó khăn, anh Phạm Đức Chuẩn cho rằng con cái được như thế nào phụ thuộc hoàn toàn vào bố mẹ.

Trách nhiệm thuộc về nhà trường

Bà Lê Thị Quý, Viện trưởng Viện Nghiên cứu giới và Phát triển cho rằng, để sự việc xảy ra tại trường nội trú La Pán Tẩn (Lào Cai) vừa qua, trách nhiệm đầu tiên thuộc về nhà trường. Khi học sinh đến trường, đặc biệt là học sinh bán trú đã ăn, ngủ ở trường thì nhà trường phải có giáo viên quản lý, chăm sóc. “Hàng chục học sinh bị xâm hại mà hiệu trưởng không có trách nhiệm liên đới là không đúng”, bà Quý nói.

Theo bà Quý, trẻ bị quấy rối, xâm hại tình dục sẽ có biểu hiện sợ hãi, lo lắng, ngại tiếp xúc với người lạ. Trong khi đó, kẻ quấy rối thường hay dọa dẫm khiến trẻ sợ hãi hoặc sẽ rất ngượng ngùng, xấu hổ và coi đó là chuyện thầm kín nên âm thầm chịu đựng. Vì thế, khi thấy con từ trường về nhà có biểu hiện lạ như tránh trò chuyện, không vui, cúi gằm mặt, ít cười nói hơn mọi ngày…bố mẹ nên gần gũi để hỏi nguyên nhân. “Đa số phụ huynh ngày nay bận rộn với công việc. Có người rời nhà lúc tờ mờ sáng, về nhà lúc đêm muộn nên không biết con đang gặp vấn đề gì để xử lý hoặc khi biết thì sự việc đã muộn. Trẻ bị xâm hại, quấy rối tình dục thường bị ảnh hưởng tâm lý rất nặng nề. Trẻ sẽ kém tự tin, mặc cảm, bất cần”.

Ông Trần Thành Nam, Viện Khoa học giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho hay, theo nghiên cứu, đa số trẻ bị lạm dụng tình dục thường do người quen, tiếp xúc hàng ngày với trẻ. Đối tượng xâm hại sẽ tăng dần cường độ và mức độ. Vì thế, để tránh bị xâm hại, phụ huynh phải theo dõi hoạt động, diễn biến tâm sinh lý của con hàng ngày. Một đứa trẻ bị quấy rối hoặc xâm hại sẽ bị sang chấn tâm lý và thường có biểu hiện như: nhạy cảm quá mức, gặp ác mộng, sợ một số hoàn cảnh, sợ đến một số nơi nhất định, dễ nổi cáu…Hoặc khi trẻ bị lạm dụng tình dục, trên cơ thể trẻ sẽ để lại những vết xước, vết bầm tím.

Ông Trần Thành Nam cho rằng, nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ việc trẻ bị lạm dụng tình dục là do hệ thống mạng lưới bảo vệ trẻ em ở nước ta còn quá lỏng lẻo. Chế tài xử phạt chưa thật sự nghiêm minh. Ông Nam kiến nghị, các trường học chưa có phòng tư vấn tâm lý cần tổ chức các buổi học về giới, dạy cho các em kiến thức, kỹ năng phòng ngừa bị xâm hại như không cho bất kỳ người lạ nào động chạm đến phần nhạy cảm cơ thể mình. Khi bị xâm hại thì phải lên tiếng với bố mẹ hoặc thầy cô giáo.    

            Nguyễn Hà

MỚI - NÓNG