Bấp bênh mùa lũ cạn

Cánh đồng ruộng đã thu hoạch lúa vụ 2 xong nhưng đến giờ khô cằn. Ảnh: Việt Văn
Cánh đồng ruộng đã thu hoạch lúa vụ 2 xong nhưng đến giờ khô cằn. Ảnh: Việt Văn
TP - Mùa nước nổi ở miền Tây cạn dần theo thời gian. Mấy năm nay, người dân sống dựa vào mùa nước nổi đang liêu xiêu toan tính kế sinh nhai. Cảnh xóm làng nhộn nhịp, hối hả chuẩn bị cho một mùa làm ăn giờ sao mà xa lắc...

Bài 1: Xa rồi nước nổi

Mấy năm nay, mùa lũ Đồng bằng sông Cửu Long cứ đỏng đảnh, thất thường. Nước kiệt dần kéo theo bao hệ lụy: nhiều làng nghề thất bát, nhiều gia đình bỏ xứ tìm kế mưu sinh…

Cạn kiệt

Ngược dòng sông Hậu về vùng rốn lũ Tân Châu (An Giang), đi qua chuyến phà trên sông Tiền về đến Hồng Ngự (Đồng Tháp)... mùa này, nước dưới kênh rạch thấp lè tè, chẳng “bò” nổi lên ruộng. Càng đi sâu vào vùng rốn lũ giáp biên giới Campuchia, nhất là các xã biên giới ở An Phú, Tân Châu, Hồng Ngự càng thấy sự khắc nghiệt, thất thường của khí hậu…

Vụ lúa hè thu đã gặt xong. Mùa nước vẫn không về. Trên ruộng lác đác từng đốm xanh của lúa chét vừa mọc lại. Có những cánh đồng khô nước, nắng chang chang nứt nẻ chân chim. Chạy dọc bờ bao kênh xáng Nhánh Đông, kênh Bảy Xã giáp biên giới Campuchia là tuyến dân cư của hai xã Vĩnh Xương, Phú Lộc (Tân Châu) mấy năm nay người dân xứ này không nhìn thấy nước nổi. Có năm nước về thì cũng chỉ lè tè bờ kênh, không đủ tràn đồng. Người dân ngóng đợi, khô héo dần với con nước cứ dần vơi.

“Năm nay vào mùa mưa, các đập thủy điện ở thượng nguồn đang tích cực trữ nước khiến mùa nước nổi ở mức thấp. Phù sa vốn đã bị hạn chế vào mùa khô thì nay càng ít hơn. Hơn nữa, hiện nay các nước đầu nguồn chuyển dòng nước sông Mê Kông vào đồng ruộng khiến nước ngày một khan hiếm ở hạ nguồn. Thiếu mùa nước nổi, không chỉ nguồn thủy sản hạn hẹp, làng nghề thất bát mà kế sinh nhai của dân cũng ảnh hưởng nặng nề”.

 PGS.TS Lê Anh Tuấn, 

Phó Viện trưởng 

Viện Nghiên cứu

biến đổi khí hậu trường ĐH Cần Thơ phân tích

Lão nông Hai Lợi, 55 tuổi người miệt Hậu Giang nằm dài trên chiếc võng đung đưa ngóng mùa nước. Ông lên vùng đất vốn là rốn lũ của miền Tây từ hồi năm tuổi. Thời đó, ông theo cha mẹ chài cá từ miệt xuôi, lên dừng chân ở vùng đất này lập nghiệp. Cả đời ông gắn bó nơi đây nên năm nào không có nước nổi là ông không chịu được. Cũng dễ hiểu bởi mùa nước nổi vừa là bạn, vừa giúp dân vạn chài như ông có cuộc sống khấm khá hơn, an ủi phần nào nỗi nhớ mảnh đất của tổ tiên ông bà. “Hơn chục năm trước, mùa nước nổi mần ăn ngon lắm. Gần đây hổng năm nào có mùa “lũ đẹp”, tao càng hóng càng hổng thấy nước đâu, rầu thúi ruột gan mày ơi”, ông Hai Lợi nói với tôi.

Nhớ về mùa nước nổi ngày xưa, ông nói hồi đó vui lắm. Xuồng ghe, câu lưới chộn rộn. Mùa nước về, ông chuẩn bị cái lưới, cái lọp bắt cá, bắt tép,… Vợ chồng con cái xuống ghe bắt đầu một mùa mần ăn lớn. Cả xóm thức trắng đêm đánh bắt trên những cánh đồng ngập lũ nơi đầu nguồn vùng biên. Ngâm mình dưới nước đến hai ba giờ sáng lạnh run người mỗi khi gió ùa tới, nước bóp “móp” hết tay chân mặt mũi…là chuyện bình thường của dân vạn chài như ông. “Cực nhưng vui!” - ông khề khà.

Chợ thì họp ngay trên sông, dọc kênh xáng buôn bán, trao đổi nhộn nhịp của dân vạn chài tứ xứ vào mỗi đêm. “Nó chẳng khác gì một ngư trường dành cho dân vạn chài như bọn tao. Trên cánh đồng mênh mông nước chằng chịt đường đăng, đường lưới,… ghe xuồng gắn máy đuôi tôm chạy xuôi ngược. Tiếng anh em bạn chài gọi nhau í ớ, nói chuyện rộn rã vui vô cùng”, ông Hai Lợi nhớ lại.

Còn giờ, ra ngoài đầu kênh xáng Nhánh Đông, khu chợ xã Vĩnh Xương đìu hiu. Vài cái thùng xốp đựng cá lóc, cá rô, cá sặc… cũng mua từ dưới lồng bè sông Tiền lên. Thấy khô cá lóc bày bán trên sạp, hỏi ra mới té ngửa, đâu phải khô cá lóc đồng, cá lóc nuôi thôi. Chị Hạnh, tiểu thương bán cá ở chợ cho biết, cá đồng ở đây giờ hiếm lắm. Nhất là năm nay, khi mùa nước không còn, mò vét khắp nơi cũng không có cá tươi chứ mơ chi có cá làm khô.

Bấp bênh mùa lũ cạn ảnh 1

Đối với bà Nguyễn Thị Tria mùa nước nổi là mùa bà nhận nhiều việc nhất, nhưng giờ thì chẳng còn bao nhiêu. Ảnh: Việt Văn.

Năm nay khi đã giữa tháng 8 mà chẳng thấy nước nổi về. Đồng ruộng nằm ngoài đê bao, giáp biên giới còn khô khan nước, cỏ mọc um tùm. Ông Hai Lợi tặc lưỡi: “Mọi năm vào thời gian này là nước đã lên ngập đồng. Dân vùng lũ tụi tao hay nói “tháng 7 nước nhảy khỏi bờ - Thất lũ năm trước, năm sau bể bờ”. Mà giờ mấy kinh nghiệm này trật lất”.

Khi nghe câu chuyện về mùa nước nổi có nguy cơ không còn, GS.TS, Nhà giáo dân nhân Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng trường ĐH Nam Cần Thơ phân tích số liệu thống kê về mùa lũ các năm qua cho thấy khoảng 20 năm nay, mùa nước nổi ở miền Tây rất thất thường, những năm sau mùa nước nổi cạn dần. Như năm 2015 thì miền Tây không có mùa nước nổi, mà hứng chịu đợt hạn mặn khủng khiếp do ảnh hưởng biến đổi khí hậu.

Xuồng ghe nằm bờ, xóm câu đìu hiu

Chuyện sinh nhai của người dân miền Tây lại càng bấp bênh hơn khi chỉ dựa vào con nước. Kể từ có đê bao ngăn nước làm lúa vụ 3, không có mùa nước nổi, cá mắm ít dần. Ông Ba Đen, ở xã Phú Lộc, Tân Châu, An Giang dẫn xuống cặp bờ kênh xáng chỉ tay vào đống dớn, lưới xếp lớp nằm chờ khô. Hai ba mùa rồi ông chưa đụng tới. Chiếc xuồng gắn máy đuôi tôm từng theo ông bao năm qua cũng nằm chỏng chơ trên bờ.

Bấp bênh mùa lũ cạn ảnh 2

Những chiếc xuồng ghe của dân vạn chài nằm dài trên bờ cùng đồ nghề bắt cá tôm. Ảnh: Việt Văn

Dọc tuyến dân cư bờ bao kênh xáng Bảy Xã, trước mỗi nhà là những chiếc xuồng đuôi tôm cùng cảnh ngộ. Có những chiếc đã cũ nát nằm dài. Năm rồi không có nước nổi, anh Tèo, 35 tuổi, ngụ xã Phú Lộc, buồn cũng chẳng sửa sang lại cái xuồng, ngư cụ đánh cá cũng nằm xếp góc bỏ đó. “Trước vào mỗi mùa nước nổi, cả xóm tất bật đóng xuồng ghe, sắm câu lưới để đi làm, mấy năm nay thì chẳng còn nữa”, anh Tèo thở dài.

Tiếp tục đi dọc theo bờ bao kênh xáng qua hai xã Vĩnh Xương, Phú Lộc (Tân Châu) dành cho dân sống chung với lũ, hàng trăm chiếc ghe, chiếc xuồng xấp úp nằm dài trên bờ. Có những chiếc cũ kỹ, lá khô rơi dài trên lưng xuồng, mối mọt ăn lốm đốm chẳng thấy bàn tay con người trờ tới. Xa xa là những chiếc võng đung đưa giữa cái nắng trưa của mấy ông vạn chài nằm dài thất nghiệp… khi không còn nước nổi. Nước không về, nhiều làng nghề ăn theo mùa nước thất bát. Tôi ghé TP Long Xuyên, hỏi thăm xóm làm nghề lưỡi câu Mỹ Hòa nổi tiếng một thời ở miền Tây. Nơi đây không chỉ cung cấp lưỡi câu cho cả vùng đất này mà còn cho cả nước, từ lưỡi câu đồng đến lưỡi câu biển.

Buồn nhất có lẽ là xóm câu ở khóm Tây Khánh 8 của phường Mỹ Hòa. Những năm qua, mùa lũ ngày một cạn kiệt thì những người làm nghề ở xóm này cũng kiệt quệ, chẳng ai mặn mà theo nghề nữa. Xóm câu ngày nào nhộp nhịp, đông đúc người làm, người mua bán thì nay tìm đỏ mắt. Nếu như trước kia, số hộ làm lưỡi câu ở xóm lên đến cả trăm thì nay chỉ còn hơn chục hộ bám nghề. Bà Tuyết, 67 tuổi, ngụ khóm Tây Khánh 8, phường Mỹ Hòa, TP Long Xuyên, An Giang, ngồi thở dài khi cái nghề bà gắn bó cả đời dần mai một, chẳng còn là cái cần câu cơm của gia đình như trước.

Bà bảo nghề làm lưỡi câu ở xóm này thành nghề truyền thống từ bao đời nay. Bà sinh ra là đã có nghề này, rồi cả đời bà gắn bó với nó. “Khoảng 10 năm trước, vào tháng này là cả xóm nhộp nhịp người làm câu, làm cả ngày đêm không xuể. Còn giờ, cậu đi từ ngoài cầu Tôn Đức Thắng vào đây còn mấy nhà làm đâu. Trước kia mười nhà làm cả mười, nhưng nay chỉ còn lại vài nhà làm”, bà Tuyết nói.

Đối diện nhà bà Tuyết, nhà bà Nguyễn Thị Tria cũng làm nghề lưỡi câu. Bà Tria 62 tuổi nhưng giờ vẫn cố bám cái nghề làm lưỡi câu kiếm sống qua ngày. Cái nghề này theo bà từ thời con gái đến giờ nên bà nói  “bỏ sao được”. Bà cố bám, còn con cháu bà không ai theo nghề do không đủ sống. Nhất là vài năm trở lại đây, nước nổi không còn, tìm đầu ra vô cùng khó khăn. Bà bán một số máy móc, không làm chủ nữa mà làm thuê cho cơ sở bà Tuyết. Mùa nước nổi về, người ta thuê bà nhiều hơn, kiếm vài trăm nghìn là bình thường. Còn năm nay, đến giờ bà cũng chỉ nhận gia công quay lưỡi có vài muôn câu… thu nhập dăm ba chục ngàn mỗi ngày.

Ông Ngô Minh Đức, trưởng khóm Tây Khánh 8, thở dài: Làng nghề giờ đìu hiu lắm rồi, nay cả xóm làm lưỡi câu chỉ còn hơn 10 hộ làm chủ. Địa phương đang cố tìm hướng để người dân bám nghề truyền thống. Ông cho biết, có nhiều nguyên nhân người dân không mặn mà duy trì với nghề, trong đó ảnh hưởng lớn nhất vẫn là kiệt dần mùa nước nổi, cá mắm ít dần nên thị trường lưỡi câu cũng teo tóp đầu ra.

         ______________

   (Còn nữa)

MỚI - NÓNG