Bất bình trước lãng phí

Thảo luận về ngân sách chiều 3/11, nhiều đại biểu Quốc hội phản ánh nhân dân rất bất bình với tình trạng lãng phí hiện nay. Trong ảnh (từ trái qua phải): ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm, ĐB Nguyễn Thị Kim Bé, ĐB Trần Du Lịch, ĐB Bùi Thị An. Ảnh: H.Long
Thảo luận về ngân sách chiều 3/11, nhiều đại biểu Quốc hội phản ánh nhân dân rất bất bình với tình trạng lãng phí hiện nay. Trong ảnh (từ trái qua phải): ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm, ĐB Nguyễn Thị Kim Bé, ĐB Trần Du Lịch, ĐB Bùi Thị An. Ảnh: H.Long
TP - Trong bối cảnh ngân sách khó khăn, nợ công, bội chi tăng cao, phải “giật gấu vá vai”, vay lãi để trả nợ thì nhiều nơi, nhiều đơn vị vẫn “vung tay” xây tượng đài,  trụ sở hoành tráng… Khi Quốc hội thảo luận về ngân sách chiều 3/11, đại biểu (ĐB) phải thốt lên: Nếu coi tham nhũng là giặc thì lãng phí phải là thù.

Tham nhũng là giặc, lãng phí là thù

Theo ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TPHCM), khi tiếp xúc cử tri, nhân dân rất bất bình với tình trạng lãng phí. Bao giờ cử tri cũng nói là tham nhũng, lãng phí, nhũng nhiễu - đó là một chuỗi vấn đề gây bất bình. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có một cái nhìn tổng thể, chưa thấy có một đánh giá toàn diện, đầy đủ, đến nơi đến chốn về vấn đề trên. “Chúng ta nói tổ chức bộ máy cồng kềnh, gây ra lãng phí bao nhiêu nhưng chẳng thấy ai thống kê. Chúng ta cứ nói nhưng không chỉ rõ lãng phí bao nhiêu, ở đâu thì làm sao mà có giải pháp để ngăn chặn được”, ĐB Tâm nói.

Đi vào cụ thể, ĐB Tâm cho biết, có những sự lãng phí nếu chỉ tính riêng một người thì rất nhỏ nhưng tính tổng thể lại lãng phí rất lớn. “QH đã trang bị máy tính cho các ĐB rồi thế mà tài liệu giấy vẫn phát rất nhiều. Rồi kỳ họp nào cũng phát một cuốn sổ cho ĐB để ghi chép mà không cân nhắc đến việc ĐB đó có cần không, đã sử dụng hết hay chưa?… Đó chỉ là những cái rất nhỏ thôi nhưng nếu tiết kiệm được thì cũng được biết bao nhiêu tiền”, ĐB Tâm phân tích.

“Trong đó có hướng dẫn mỗi xã đảo phải quay một băng ghi hình gửi kèm theo hồ sơ về Trung ương để xem xét công nhận. Địa phương đã làm đi làm lại nhiều lần, đến giờ phút này đã xong và cũng tiêu tốn gần 1,5 tỷ đồng cho các hồ sơ này”.

ĐBNguyễn Thị Kim Bé

 nói về thủ tục rườm rà để  được công nhận là xã  đảo của  Bộ Nội vụ

Nhiều ĐB phản ánh rằng ngân sách đang rất khó khăn nhưng vẫn có nhiều lãng phí qua việc xây dựng tượng đài, trụ sở hoành tráng, đi nước ngoài, mua sắm xe công… Một ví dụ điển hình cho sự lãng phí được ĐB Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) nêu ra đó là “thủ tục rườm rà”.

Bà Bé cho biết, Kiên Giang có 17 xã đảo, trước đây do các quyết định thành lập các xã này quy định là xã, không nói là xã đảo, chính vì vậy khi triển khai các chính sách về biển đảo ngành bảo hiểm không áp dụng được bởi lý do không nói đó là xã đảo. Địa phương phải làm lại hồ sơ để được công nhận đó là xã đảo, được Bộ Nội vụ hướng dẫn làm các thủ tục công nhận lại. Trong đó có hướng dẫn mỗi xã đảo phải quay một băng ghi hình gửi kèm theo hồ sơ về Trung ương để xem xét công nhận. Địa phương đã làm đi làm lại nhiều lần, đến giờ phút này đã xong và cũng tiêu tốn gần 1,5 tỷ đồng cho các hồ sơ này”, bà Bé bức xúc.

“Bây giờ đã có vệ tinh rồi, muốn biết đó là đảo hay không ta nhìn bản đồ Việt Nam cũng thấy rõ, huống hồ từng đảo đã hiển hiện chênh vênh ngoài biển khơi không thể nào xê dịch được. Bên cạnh đó hội đồng xét duyệt công nhận xã đảo có đủ thời gian xem hết các thước phim địa phương gửi về theo quy định của Bộ Nội vụ không? Thủ tục này quá rườm rà, gây lãng phí về thời gian, công sức, tiền bạc mà không hiệu quả. Hiện nay đất nước ta còn khó khăn, nếu ta biết tiết kiệm từ chuyện nhỏ này sẽ góp phần cho chuyện lớn tốt hơn. Nếu tiền đó dùng để cất nhà cho người nghèo, mua tập vở cho học sinh nghèo thì ý nghĩa biết bao”, bà Bé nói.

Thực trạng đáng quan ngại là vậy nhưng theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Phúc, để chuẩn bị cho phiên chất vấn, ông đã gửi văn bản cho 19 bộ, cơ quan trung ương đề nghị cung cấp thông tin chính thức về những thiệt hại, thất thoát lãng phí trong lĩnh vực do bộ, cơ quan trung ương quản lý. Tuy nhiên, theo ĐB Phúc “trong những văn bản trả lời nhận được, đến nay tôi không nhận thấy hoặc khó nhận thấy những thất thoát lãng phí, trong khi dự thảo văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII đã nêu là nghiêm trọng”.

Lấy năm 2016 là “năm tiết kiệm”

Tôi cảm thấy bây giờ Bộ trưởng Bộ Tài chính rất khổ, phải giật gấu vá vai thế này. Cầm danh sách trong tay, thú thật tôi cũng không biết cắt của ai, cho thêm ai, giờ muốn tăng lương thì lấy đâu ra?”, ĐB Trần Du Lịch (TPHCM) đặt vấn đề.

ĐB Lịch đề nghị cần khống chế chi cho bộ máy hành chính, chi ngân sách cho các tổ chức chính trị và chi trợ cấp, để các năm sau không cao hơn năm 2015. “Anh muốn tăng lương, tăng thu nhập lên thì phải giảm người xuống, không giảm người thì không cho tăng”, ông Lịch kiến nghị.

Đề cập đến thực trạng “phú quý sinh lễ nghĩa”, ông Lịch đề nghị phải giảm tất cả những gì không cần thiết, bởi hiện chúng ta quá lãng phí. Còn các khoản chi để xây trụ sở, sắm phương tiện thì phải xác định không phải là chi đầu tư cơ bản mà là chi tiêu dùng. Nếu cứ để ghép tiêu dùng vào rất dễ dẫn đến chuyện vung tay. 

Bất bình trước lãng phí ảnh 1

ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm đề nghị QH cần có cuộc họp chuyên đề đánh giá toàn diện tình trạng lãng phí. Ảnh: TN

ĐB Bùi Thị An (Hà Nội) đề nghị QH lấy năm 2016 là “năm tiết kiệm” và kỷ cương hành chính. “Nếu ta coi tham nhũng là giặc thì lãng phí sẽ là kẻ thù. Đã là kẻ thù thì phải xử lý. Kẻ thù này rất nguy hiểm vì nó ở ngay chính trong ta. Hiện đất nước chúng ta còn rất nghèo. Nếu theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói hiện chúng ta chỉ còn 45.000 tỷ mà chúng ta có rất nhiều nhu cầu. Vì vậy, tôi đề nghị phải lấy tiết kiệm là chỉ tiêu thi đua cho năm 2016. Địa phương nào cắt giảm được nhiều chi tiêu thường xuyên, tiết kiệm không mua sắm xe công, không tổ chức lễ hội lãng phí, không xây trụ sở hoành tráng, bộ máy và biên chế tinh giảm, cắt được bớt những chuyến đi nước ngoài thì đề nghị sẽ có thưởng”, ĐB An kiến nghị.

ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TPHCM) đề nghị, tới đây QH cần dành một cuộc họp chuyên đề để đánh giá toàn diện một cách đầy đủ về tình trạng lãng phí. Làm rõ nguyên nhân dẫn đến lãng phí để từ đó có những giải pháp căn cơ. “Vẫn biết rằng, kỳ họp tới đây là kỳ họp cuối cùng nhưng tôi thiết nghĩ chúng ta vẫn nên tổ chức cuộc họp này vì lãng phí đang tiêu tốn rất nhiều nguồn lực, tiền thuế của người dân. Chúng ta thảo luận để rồi có giải pháp cho nhiệm kỳ tới”, bà Tâm đề nghị.

MỚI - NÓNG