Bắt đầu Tuần lễ cấp cao APEC

Bắt đầu Tuần lễ cấp cao APEC
TP - Ngày 12/11, tại Trung tâm Hội nghị quốc gia ở Hà Nội khai mạc Hội nghị các quan chức cấp cao APEC kéo dài 2 ngày (CSOM)- mở đầu cho một tuần dầy đặc những sự kiện APEC.

Đây là kỳ tổng kết của các hội nghị các quan chức cấp cao APEC diễn ra trong suốt gần một năm qua tại Việt Nam.

Bắt đầu Tuần lễ cấp cao APEC ảnh 1

Đại sứ Việt Nam tại WTO Ngô Quang Xuân (bên trái) đang trao đổi với các đại biểu dự Hội nghị CSOM            Ảnh: hồng Vĩnh

Tại Hội nghị CSOM, các đại biểu đến từ 21 nền kinh tế thành viên thảo luận những vấn đề như: Tháo gỡ rào cản đối với các vòng đàm phán WTO; Thông qua các qui định mẫu về hiệp định tự do mậu dịch cũng như nội dung tài liệu hướng dẫn đàm phán một hiệp định mậu dịch tự do đa phương hoặc song phương giữa các nền kinh tế thành viên và giữa nền kinh tế APEC với các nền kinh tế ngoài APEC;

Họ cũng thảo luận các biện pháp chống hàng giả, hàng nhái; Thông qua bản dự thảo cuối cùng về Chương trình Hành động Hà Nội để thông qua tại Hội nghị Liên Bộ trưởng APEC. 

Các đại biểu đã nhất trí danh mục những kết quả trong lĩnh vực hợp tác chống khủng bố của APEC cho năm 2006 và kết quả của một hội thảo về vấn đề này mới được tổ chức tại Bangkok từ ngày 1-3/11.

Hội nghị CSOM cũng thông qua sáng kiến tổ chức hội thảo về ngăn chặn tài trợ khủng bố do Úc đề xuất và sáng kiến của đoàn Philippines về công tác chống khủng bố. Đại sứ Park Sang Ki của Hàn Quốc được bầu làm chủ tịch mới của Nhóm đặc trách chống khủng bố của APEC.

Trong bản Báo cáo của SOM về cải cách APEC trình các Bộ trưởng và các lãnh đạo đã nhất trí thông qua 3 nội dung chính gồm: Tăng cường nguồn lực và hiệu quả hoạt động của Ban Thư ký APEC; Tăng cường tính liên kết và hiệu quả của các tiến trình APEC; Xây dựng chương trình nghị sự rõ ràng và mang tính trọng tâm.

Cho đến nay trong khối APEC đang tồn tại hơn 20 hiệp định thương mại tự do và khu vực tự do. Bên cạnh đó còn nhiều hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương đang trong quá trình đàm phán.

Mục đích của các nền kinh tế APEC là thảo luận để đảm bảo mặc dù có nhiều hiệp định thương mại tự do khác nhau nhưng các hiệp định đó không gây phương hại đến môi trường kinh doanh khu vực cũng như không làm đội giá thành giao dịch thương mại trong khối APEC.

Theo ông Lê Công Phụng - Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao, Chủ tịch CSOM - chủ đề về vòng đàm phán WTO và những biện pháp nhằm phá vỡ bế tắc sẽ tiếp tục được các nền kinh tế APEC đặc biệt quan tâm. Ông Phụng cho biết, các nền kinh tế APEC sẽ đi đầu trong số các thành viên WTO trong việc khởi động lại và kết thúc chương trình nghị sự phát triển Doha.

Tại kỳ họp tổng kết, các quan chức cao cấp APEC còn thảo luận một số biện pháp của APEC trong việc khởi động lại vòng đàm phán Doha để trình lên các Bộ trưởng và các nhà Lãnh đạo APEC, trong đó có tuyên bố riêng của các lãnh đạo về vấn đề này.

7 Hội nghị song hành 5 cuộc viếng thăm song phương

Bắt đầu Tuần lễ cấp cao APEC ảnh 2
Phiên họp không chính thức CSOM tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Hà Nội  Ảnh: Hồng Vĩnh

Theo Ban Thư ký APEC, ngoài Hội nghị CSOM diễn ra từ ngày 12-13/11 như nói trên còn có 6 Hội nghị quan trọng khác diễn ra trong tuần APEC.

Các Hội nghị này gồm: Hội nghị Hội đồng Tư vấn Kinh doanh APEC lần thứ 4; Diễn đàn Xúc tiến Thương mại và Đầu tư với Việt Nam ngày 16/11; Hội nghị Liên Bộ trưởng Ngoại giao-Kinh tế APEC lần thứ 18 từ ngày 15-16/11;

Hội nghị Thượng đỉnh các Tổng giám đốc doanh nghiệp APEC (CEO) từ ngày 17-19/11; Đối thoại giữa các nhà lãnh đạo và Hội đồng tư vấn Kinh doanh APEC ngày 18/11; Hội nghị các nhà lãnh đạo Kinh tế Diễn đàn Hợp tác kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương lần thứ 14, từ ngày 18-19/11.

Trong tuần còn có 5 cuộc viếng thăm chính thức Việt Nam của các nguyên thủ 5 quốc gia gồm: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước CHND Trung Hoa Hồ Cẩm Đào và Phu nhân từ ngày 15-17/11; Tổng thống Chile bà Michelle Bachelet Jeria và Phu quân từ ngày 17-18/11; Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Phu nhân từ ngày 19-20/11; Tổng thống Mỹ George W.Bush và Phu nhân vừa thăm song phương vừa dự Hội nghị cấp cao các nhà lãnh đạo kinh tế APEC-14 từ ngày 17-20/11; và Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin và Phu nhân ngày 20/11.

Đến ngày 12/11 đã có hơn 1.300 lãnh đạo các tập đoàn lớn như hãng chế tạo máy bay Boeing, tập đoàn tài chính Mỹ CitiGroup, Hãng phần mềm máy tính Microsoft,  hãng chế tạo xe hơi GM, hãng máy tính IBM, Ngân hàng HSBC, tập đoàn tài chính VISA, các Cty bưu chính phát chuyển nhanh DHL, Fedex, hãng chế tạo xe hơi Nhật Bản Toyota, hãng điện tử Canon, tập đoàn Gas Prom, 2 hãng truyền thông giải trí Time Warnner và AsiaInc…

Trong đó có nhiều người là Tổng Giám đốc điều hành từ 21 nền kinh tế thành viên APEC đăng ký dự Hội nghị Thượng đỉnh các Tổng giám đốc doanh nghiệp APEC.

Để bày tỏ sự mến khách của phía chủ nhà, hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam cấp vé miễn phí và giảm giá nội địa và quốc tế cho các đại biểu và nhà báo dự Hội nghị CEO.

Toàn bộ chi phí cho việc giảm giá và miễn hoàn toàn vé máy bay này dự kiến tổng cộng khoảng 100.000 USD. Đây là thỏa thuận giữa Hàng không Việt Nam và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

Nguyễn Đại Phượng

MỚI - NÓNG