Bất lực mò tìm bé trai bị nước cuốn xuống cống

Càng vào sâu cống càng hẹp, khí độc bốc lên cay nồng làm các chiến sĩ cứu hộ phải di chuyển rất khó khăn. Chưa thấy tung tích bé trai nhưng bình oxy đã cạn, họ buộc phải quay trở ra.

Đến 13h30 hôm nay, sau hơn 19 tiếng ngâm mình trong hệ thống cống xung quanh khu vực em La Văn Tỷ, 9 tuổi, bị nước cuốn xuống, hàng chục người nhái thuộc Sở Cảnh sát PCCC tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ tỉnh Bình Dương vẫn chưa tìm thấy nạn nhân.

Xung quanh miệng cống, nhiều vật dụng chuyên nghiệp nằm ngổn ngang. Họ thay phiên nhau, hết lượt này đến lượt khác đeo mặt nạ, bình oxy, buộc dây thừng vào người rồi tuột thang xuống cống tiếp tục công việc tìm kiếm. 

Bất lực mò tìm bé trai bị nước cuốn xuống cống ảnh 1

Gần 20 giờ các chiến sĩ thay phiên nhau lặn ngụp dưới cống để tìm cháu Tỷ. Ảnh: Nguyệt Triều

Vầng trán luôn nhíu lại, gương mặt hốc hác với nước da tái nhợt, nhiều chiến sĩ trẻ túc trực tại hiện trường lặng lẽ theo dõi động tĩnh của đồng nghiệp đang bơi sâu vào miệng cống đen ngòm, nước vẫn chảy ồng ộc.

"Càng đi sâu vào trong không gian càng hẹp, chúng tôi càng di chuyển chậm và hết sức khó khăn. Chưa thấy tung tích gì của cháu bé thì bình oxy đã cạn, tín hiệu báo động vang lên, buộc chúng tôi phải quay trở ra”, một chiến sĩ cho biết.

Theo nhận định của lực lượng tìm kiếm, nhiều khả năng nước dâng đầy, trong khi lực chảy của dòng nước đã giảm nên có thể cháu Tỷ đang vướng đâu đó trong đoạn cống. "Không như tìm nạn nhân dưới sông hồ, ở lòng cống dài hàng cây số này có rất nhiều khí độc, bốc lên cay nồng. Đây là lần đầu chúng tôi thực hiện tìm kiếm khó khăn đến vậy. Nhưng nhìn gia đình cháu bé, chúng tôi vừa làm vừa cầu nguyện nhanh chóng tìm thấy cháu", người nhái cứng tuổi nhất.

Hàng nghìn người dân vẫn vây kín hiện trường ngóng tin từ lực lượng cứu hộ. Suốt đêm không ngủ, chị Nguyễn Thị Hằng, 33 tuổi, mẹ cháu Tỷ, lả trong tay người thân. Xung quanh miệng cống có nhiều bát hương cắm vội, nghi ngút khói. Một lúc sau, chị gượng dậy, tiếp tục đốt những bụi nhang khi chúng chưa kịp tàn rồi lâm râm khấn nguyện.

Bất lực mò tìm bé trai bị nước cuốn xuống cống ảnh 2

Nước vẫn dâng cao trong cống nhưng lực chảy không mạnh. Ảnh: Nguyệt Triều.

Giọng khàn đặc, chị cho biết trước đó không hề hay tai nạn đã xảy ra cho con trai. Chiều muộn hôm qua, đi làm về đến phòng trọ gọi mãi không thấy Tỷ đâu, chị đi tìm khắp khu trọ. Gặp được thằng bé hay chơi chung với con, nghe kể việc đi tắm mưa và Tỷ bị chìm dưới cống, chị bủn rủn tay chân không tin là sự thật. "Mọi người xác nhận đã thấy nó rơi xuống cống nhưng không ai kịp cứu nó. Trời ơi...”, chị Hằng khóc ngất.

Bà La Thị Diễm Thuý, cô ruột của cháu Tỷ cho biết cuộc sống của chị Hằng và chồng La Văn Minh (36 tuổi) rất khó khăn. Anh làm phụ hồ tại các công trình, chị làm công nhân nên thu nhập chẳng được nhiều. Đã 9 tuổi nhưng chưa được đến trường, Tỷ còn em gái 18 tháng tuổi thường xuyên đau ốm. Bé vừa xuất viện không lâu sau khi vợ chồng chị Hằng tiêu tốn toàn bộ số tiền ky cóp. Không còn tiền ở khu trọ cũ, họ vừa chuyển đến chỗ này thuê rẻ hơn thì xảy ra chuyện.

Ông Nguyễn Văn Trung, Chủ tịch UBND phường Thuận Giao, cho biết ngay trong đêm đã huy động 100% lực lượng dân quân, dân phòng để tăng cường công tác đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ hiện trường phục vụ cho công tác tìm kiếm, cứu hộ. Từ đoạn cống nơi xảy ra vụ việc đến khu vực Bình Giao dài hơn một km, đến đoạn tiếp giáp với khu công nghiệp VSIP I thì ách lại. Hệ thống cống này là dự án thoát nước trên tuyến đường 22/12 do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Dương làm chủ đầu tư và đã được triển khai từ năm 2013. Tuy nhiên, đến nay dự án đang "đóng băng" do thiếu kinh phí.

“Nếu hệ thống thoát nước này hoàn thiện nó sẽ kết nối với suối Đờn qua rạch Chòm Sao, từ đó thoát nước ra sông Sài Gòn”, ông chủ tịch nói.

Theo ông Lê Văn Rum, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Bình Dương, công trình thoát nước trên các tuyến đường đều được giao cho các Xí nghiệp Công trình công cộng tại các địa phương. Việc kiểm tra các hư hỏng của công trình thuộc trách nhiệm của những đơn vị này. “Chúng tôi sẽ nhắc nhở các đơn vị có trách nhiệm quản lý, bảo quản nghiêm túc kiểm tra, khắc phục những miệng cống hư hỏng như không nắp đậy, lưới chắn, để tránh những tai nạn xảy ra tương tự”, ông Rum nói. 

Bất lực mò tìm bé trai bị nước cuốn xuống cống ảnh 3

Lực  lượng cứu hộ đang bàn tìm các phương án khác khả thi hơn. Ảnh: Nguyệt Triều

Sở Cảnh sát PCCC tỉnh Bình Dương cho biết, cũng trong chiều 6/9, khoảng 16h, cháu Lê Văn Mạnh (7 tuổi, quê Nghệ An, học lớp hai trường tiểu học Tân Hiệp) tan trường và đi xe đưa rước học sinh về. Đến khu phố Bà Tri xe dừng lại cho một số học sinh xuống. Lúc này trời đang mưa lớn, trong lúc tài xế bận lấy cặp sách cho các học sinh thì Mạnh đến miệng cống gần đó nghịch nước và không may bị dòng nước cuốn xuống cống. 

"Sau khoảng 3 tiếng tìm kiếm, đến gần 19h, chúng tôi mới tìm thấy thi thể cháu tại cống nước ở khu phố Bà Tri, phường Tân Hiệp. Ngay sau đó, chúng tôi chạy sang đây để tìm cháu Tỷ", một cán bộ Sở Cảnh sát PCCC nói.

Trao đổi với VnExpress, ông Trần Văn Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương khẳng định sẽ làm rõ điểm dừng đỗ xe buýt mà em Mạnh gặp nạn có trong lộ trình hay không để quy trách nhiệm và có biện pháp xử lý phù hợp.

Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão của tỉnh đã phân công bộ phận chức năng tổ chức đôn đốc, nhắc nhở các địa phương đảm bảo an toàn trên các công trình trong mùa mưa bão; đồng thời chỉ đạo ngành chức năng khắc phục, xử lý những điểm ngập úng, sạt lở nguy hiểm tại các công trình, lắp đặt biển cảnh báo nguy hiểm để người dân đề phòng.

"Các đoàn thể chức năng, nhà trường và phụ huynh cần tăng cường nhắc nhở các cháu thiếu nhi tuyệt đối không tắm mưa hay đến những khu vực nước sâu, chảy xiết có thể dẫn đến các vụ tai nạn tương tự", ông Nam khuyến cáo.

Theo Nguyệt Triều

Theo VnExpress
MỚI - NÓNG